Theo trang tin Đa Chiều ngày 6 tháng 2, các tổ chức như Ngân hàng Barclays ở Anh và Morgan Stanley ở Hoa Kỳ gần đây đã dự đoán rằng dịch bệnh ở Trung Quốc sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị giảm từ 0,2% tới 0,4% trong năm nay. Các công ty toàn cầu hiện ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc như một khách hàng lớn mua thực phẩm, xe hơi, phim ảnh và các loại hàng hóa khác. Nhưng chính điều này cũng đã khiến họ phải chịu tác động rất lớn của dịch bệnh.
Được biết, sau khi dịch bệnh bùng phát, lĩnh vực đầu tiên chịu thiệt hại là ngành công nghiệp du lịch và dịch vụ của nhiều quốc gia khác nhau.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourism Organization, UNWTO), kể từ năm 2014, Trung Quốc đã trở thành nguồn chi tiêu du lịch lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều quốc gia áp đặt lệnh cấm du lịch và hủy các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc có thể làm giảm chi tiêu du lịch nước ngoài của Trung Quốc.
Cơ quan thăm dò ý kiến “Demoskopika” của Italy ngày 4 tháng 2 cho biết, trong năm 2020, nước này có thể mất 4,5 tỷ euro doanh thu du lịch.
Việc Trung Quốc không cho phép khách đi du lịch nước ngoài do dịch bệnh khiến nhiều nước bị thất thu từ nguồn quan trọng này (Ảnh: Sputnik).
|
Sau khi Trung Quốc ngừng đưa người đi du lịch, doanh thu du lịch của Thái Lan và các nước châu Á khác - khách du lịch Trung Quốc chiếm tới 30% - đã giảm mạnh và số lượng khách du lịch cũng giảm hơn một nửa.
Giám đốc đầu tư khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn ngân hàng UBS Thụy Sỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã gây ra mối đe dọa cho nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế châu Á. “Nếu bạn nhìn vào châu Á, ngành du lịch của Trung Quốc hiện chiếm một phần lớn của nền kinh tế ở hầu hết các quốc gia”.
Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh còn mở rộng đến chuỗi cung ứng của các công ty. Về lâu dài, dịch bệnh có thể hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, sau đó ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu thô như dầu mỏ và quặng sắt, khiến thị trường phát sinh biến động.
Hãng tin Mỹ Associated Press trích dẫn dữ liệu từ cơ quan phân tích thị trường quốc tế “IHS Markit” nói rằng Vũ Hán, với tư cách là một trung tâm sản xuất, đã làm gián đoạn việc sản xuất màn hình LCD và tấm nền LED, làm giảm thiểu cung cấp và đẩy giá thành màn hình máy tính, TV và các loại sản phẩm khác của các nhà sản xuất sử dụng các tấm nền trong sản phẩm của họ.
Dịch bệnh Viêm phổi Vũ Hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm ở Trung Quốc và trên thế giới (Ảnh: Đa Chiều).
|
Các cú sốc liên quan có thể lan rộng; ví dụ, dịch bệnh sẽ làm giảm sản lượng và doanh số bán ô tô và giá dầu, quặng sắt và các nguyên liệu thô khác từ các nhà cung cấp ở Australia, Brazil và Châu Phi.
Trong chuỗi cung ứng, ảnh hưởng của dịch bệnh có thể còn sâu rộng hơn. Các nhà kinh tế tại công ty xếp hạng tín dụng toàn cầu “DBRS Morningstar” đã chỉ ra rằng: “Sự bùng phát dịch bệnh này có thể gây rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng nó sẽ kéo dài bao lâu thì hiện vẫn chưa thể biết”.
Vào ngày 4 tháng 2, hãng Hyundai Motor của Hàn Quốc tuyên bố, do sự bùng nổ của dịch bệnh Viêm phổi Vũ Hán đã làm gián đoạn việc cung ứng các bộ phận và linh kiện, công ty sẽ tạm thời đình chỉ việc sản xuất tại Hàn Quốc - cơ sở sản xuất lớn nhất của hãng. Động thái này sẽ khiến Hyundai Motor trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn bên ngoài Trung Quốc đầu tiên trên thế giới bị tạm đình chỉ sản xuất do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do dịch viêm phổi Vũ Hán.
Hyundai hãng sản xuất xe hơi phải ngừng sản xuất cơ sở bên ngoài Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh Viêm phổi Vũ Hán (Ảnh: internet)
|
Ngoài ra, phần lớn các sản phẩm của Apple đều được lắp ráp tại Trung Quốc. Do sự không chắc chắn của việc sản xuất của nhà máy và tiêu thụ sản phẩm, Apple cho rằng doanh thu tiềm năng trong quý này có thể phải đối mặt với các biến động lớn.
Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã từ nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới phát triển lên thành thứ hai, chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Về điều này, Ben Mee, một nhà nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Viện Kinh tế Oxford, nhận xét: “Rõ ràng, Trung Quốc đã trở thành một người tham dự có vị trí chủ đạo hơn trong nền kinh tế thế giới; Trung Quốc cũng đã tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong 10 năm qua, Trung Quốc luôn là “cọng rơm cứu mạng cuối cùng” trong nền kinh tế toàn cầu”.
Tuy nhiên, đối mặt với tác động có thể có của dịch bệnh đối với nền kinh tế Trung Quốc, cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 3 tháng 2, đều tuyên bố bày tỏ sự tin tưởng vào nền kinh tế Trung Quốc.