Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch giúp Alibaba, Baidu và Tencent phục hồi trong quý đầu tiên sau một năm 2022 gian nan, mặc dù họ vẫn sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi, thận trọng từ các nhà đầu tư.

Ảnh: Xinhua
Ảnh: Xinhua

8 tháng trước, tương lai của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vẫn là một dấu hỏi. Các đợt phong tỏa do Covid-19 đã tàn phá doanh số bán hàng một cách nặng nề và các quy định công nghệ khắc nghiệt của Bắc Kinh đã khiến các nhà đầu tư táo bạo của Trung Quốc phải khiếp sợ. Vào thời điểm đó, cổ phiếu của Alibaba, Baidu và Tencent đã giảm xuống mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây.

Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc hiện đã mở cửa trở lại, những gã khổng lồ công nghệ trong tuần này đã công bố báo cáo thu nhập cho thấy những dấu hiệu phục hồi ban đầu. Tuy nhiên kết quả tài chính cũng phản ánh tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc không đồng đều và báo hiệu rằng quá trình cải tổ của các công ty có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.

Baidu, doanh nghiệp tìm kiếm trên internet hàng đầu của Trung Quốc và Tencent, chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat, đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hai con số trong ba tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2022, đánh dấu lần đầu tiên sau hơn một năm liên tục gặp khó.

Theo đó, doanh thu của Baidu đã tăng 10%, Công ty cho biết hôm thứ Ba rằng doanh thu quảng cáo kỹ thuật số mạnh mẽ đã tiếp tục trong quý hiện tại. Tencent mới đây công bố doanh thu tăng 11% một phần là nhờ sự phục hồi của thanh toán kỹ thuật số khi người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu chi tiền trở lại sau một thời gian dài tằn tiện. Tencent, công ty cung cấp trò chơi điện tử lớn nhất Trung Quốc, cũng được hưởng lợi từ việc nới lỏng các hạn chế đối với giấy phép trò chơi vào năm ngoái sau 9 tháng đóng băng.

Tuần trước, Alibaba đã báo cáo doanh thu tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn ước tính của các nhà phân tích. Bộ phận thương mại điện tử trực tuyến cốt lõi và đơn vị điện toán đám mây đã báo cáo doanh số bán hàng giảm ở mức một con số, mặc dù hoạt động mua sắm trực tuyến đã bắt đầu phục hồi vào tháng 3, công ty cho biết.

Vào tháng 1, một tháng sau khi Trung Quốc đột ngột nới lỏng các hạn chế “zero Covid” dưới áp lực của dư luận, một quan chức hàng đầu tại ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết chiến dịch kiểm soát các công ty công nghệ “về cơ bản đã hoàn tất”. Nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, Tập Cận Bình, hiện đang hy vọng ngành công nghệ của đất nước có thể cung cấp một cứu cánh cho sự tăng trưởng, được thúc đẩy bởi cuộc cạnh tranh công nghệ ngày càng leo thang với Hoa Kỳ. Trung Quốc đang cố gắng giúp những gã khổng lồ bị bao vây của mình hồi sinh.

Trước đó, vào năm 2020, tỉ phú Jack Ma đã chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính vào năm 2020 vì đã kìm hãm sự đổi mới, các quan chức ngay sau đó đã tạm dừng đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng của Ant Group, một công ty công nghệ tài chính do ông Ma xây dựng.

Tian Hou, người sáng lập TH Data Capital, một công ty phân tích dữ liệu ở Bắc Kinh, cho biết: “Thời kỳ tồi tệ nhất về mặt chính sách đối với họ đã qua. Chính phủ hiện muốn sử dụng các công ty internet này để tạo thêm việc làm, đổi mới và bắt kịp Hoa Kỳ”.

Dẫu vậy, các nhà đầu tư vẫn đặc biệt cẩn trọng sau đợt báo cáo tài chính này. Cổ phiếu của Baidu và Tencent hầu như không thay đổi tại Hồng Kông, mặc dù cả hai đã tăng kể từ tháng Mười. Cổ phiếu của Alibaba đã giảm khoảng 6%.

Vận may của các công ty sẽ vẫn gắn liền với nền kinh tế Trung Quốc. Chính quyền địa phương đang ngập trong nợ nần. Lĩnh vực bất động sản, từ lâu đã là một chất kích thích tăng trưởng, đang phát triển chậm chạp. Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào tháng 4 đã khiến các nhà phân tích thất vọng: Người Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm, nhưng lại hạn chế các mặt hàng như mỹ phẩm và ô tô. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục 20,4%.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại Jones Lang LaSalle, công ty tư vấn đầu tư và bất động sản toàn cầu, cho biết: “Mọi người đã bắt đầu du lịch trở lại, nhưng họ không chi tiêu nhiều như mức trước đại dịch. Họ thận trọng vì họ không tin tưởng vào triển vọng việc làm và nguồn thu nhập trong tương lai”.

Alibaba đang trong quá trình đại tu mạnh mẽ. Gã khổng lồ này đã công bố một cuộc tái tổ chức lớn vào tháng 3, chia công ty thành sáu đơn vị. Tuần trước, Alibaba đã công bố một phần dự án của bộ phận đám mây được đánh giá cao, mà công ty cho biết sẽ hoàn thành trong vòng 12 tháng để chuẩn bị cho việc niêm yết công khai. Gã khổng lồ thương mại điện tử cũng cho biết họ đang xem xét phát hành cổ phiếu ra công chúng cho chuỗi cửa hàng tạp hóa và bộ phận hậu cần của mình, sau một loạt cuộc điều tra theo quy định đã khiến nhiều công ty công nghệ đầy triển vọng không thể niêm yết cổ phiếu.

Sự tan rã của Alibaba, một trong những đế chế công ty mang tính biểu tượng nhất của Trung Quốc, cho thấy mức độ thận trọng đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ. Trong nhiều năm, các công ty internet của Trung Quốc đã phát triển không ngừng khi hàng triệu người Trung Quốc lên mạng. Tuy nhiên, khi mức độ tăng trưởng dần bão hòa, các công ty phải cạnh tranh gay gắt giành giật từng khách hàng một.

Cả ba công ty internet lớn của Trung Quốc đều hy vọng sẽ "kể" cho các nhà đầu tư một câu chuyện mới, một câu chuyện gắn liền với Trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ mới làm nền tảng cho các dịch vụ như ChatGPT hứa hẹn sẽ thay thế những cách thức kinh doanh vốn đã lỗi thời.

danielzhang1204.jpeg
Daniel Zhang, Chủ tịch Alibaba - Ảnh: Baidu

Daniel Zhang, Chủ tịch Alibaba, người cũng sẽ là giám đốc điều hành của đơn vị đám mây độc lập sắp thành lập của Alibaba, đã mô tả AI như một công nghệ sẽ “định hình lại mọi khía cạnh của xã hội chúng ta”.

Hàng loạt doanh nghiệp đang hy vọng các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại kết quả cho các đơn vị điện toán đám mây của họ, một công nghệ làm nền tảng cho AI. Baidu cho biết bộ phận đám mây của họ đã báo cáo khoản lợi nhuận đầu tiên vào quý trước.

Đầu năm nay, Baidu và Alibaba đã tiết lộ các hệ thống trí tuệ nhân tạo tương tự như ChatGPT, được phát triển bởi phòng thí nghiệm nghiên cứu OpenAI ở Thung lũng Silicon. Baidu cho biết họ đã yêu cầu phê duyệt để tiếp tục sau khi cơ quan giám sát không gian mạng của Trung Quốc đưa ra hướng dẫn cho các công nghệ dựa trên AI.

Tencent đã đạt được “tiến bộ mới” trên mô hình AI của mình, công ty cho biết vào tuần trước, mặc dù họ không giải thích thêm.

tencent 2.jpg
Tencent là một trong những tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc về công nghệ

Các công ty đang tập trung vào AI dịch vụ cho các doanh nghiệp — một phần vì các chatbot có sức hấp dẫn lớn có thể phá vỡ khả năng nắm giữ thông tin vững chắc của Trung Quốc. Alibaba và Baidu từng cho biết hơn 100.000 doanh nghiệp đã xếp hàng để dùng thử các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của họ.

Alibaba, Baidu và Tencent đang tiến hành những cuộc cải tổ vào thời điểm khó khăn. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với Hoa Kỳ đã tước đi quyền tiếp cận của các công ty Trung Quốc đối với một số vi mạch tiên tiến cần thiết để phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất. Các nhà phân tích nói rằng một nhóm các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đang từ chối các nhà cung cấp điện toán đám mây tư nhân để ủng hộ các giải pháp thay thế do chính phủ hậu thuẫn.

Những khó khăn đó dường như là xu hướng chung trên toàn thế giới chứ không riêng gì đất nước tỉ dân này. Các nhà đầu tư đã thận trọng hơn đáng kế với những khoản đầu tư của mình bởi, họ biết các công ty internet khó có thể quay trở lại tốc độ tăng trưởng trong mơ của thập kỷ trước.

Theo The New York Times