LTS: Từ bên này nửa vòng trái đất, những con dân nước Việt đương ngóng chờ và hân hoan với những hoạt động hết sức hiệu quả của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đương những ngày ở Washington DC thăm Hoa Kỳ và dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ.
Với tư cách đồng nghiệp, chúng tôi mừng vui khi những nhà báo trẻ của chúng ta trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến công tác của Thủ tướng đã hoạt động rất hiệu quả. Và điều đặc biệt là anh chị em trong quá trình tác nghiệp đều an lành. Được các cơ quan hữu trách của nước chủ nhà quan tâm chăm sóc chu đáo!
Chia sẻ niềm vui ấy, những ngày này lại nhớ về những thời khắc khó khăn của nhà báo Việt Nam trong hoạt động đối ngoại của cái buổi ban đầu gian nan ấy!
Mọi người hẳn nhớ, sau thời điểm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo 2 nước là những dấu ấn nổi bật của chiều dài quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Ở nhánh hành pháp, khởi đầu là chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Từ ngày 19 – 25/6/2005, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Hoa Kỳ.
Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam sau 30 năm kết thúc chiến tranh.
VietTimes xin giới thiệu bài viết của nhà báo Xuân Ba, trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải 17 năm trước.
Sự thật về chuyện tốp nhà báo Việt gặp nạn
6h45 phút ngày 19/6/2005, chuyên cơ cất cánh tại sân bay Nội Bài. Trên khoang đầu là 34 thành viên Đoàn thăm chính thức:
Ông Phan Văn Khải - Thủ tướng Chính phủ. Ông Vũ Khoan - Phó Thủ tướng. Ông Nguyễn Sinh Hùng - Bộ trưởng tài chính. Ông Đoàn Mạnh Giao - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Uông Chu Lưu - Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNN. Ông Nguyễn Tâm Chiến - Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông Lê Văn Bàng - Thứ trưởng Bộ ngoại giao. Ông Nguyễn Huy Hiệu - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Nguyễn Văn Hưởng - Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Nguyễn Bích Đạt - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư. Ông Lương Văn Tự - Thứ trưởng Bộ Thương mại. Bà Lê Thị Băng Tâm - Thứ trưởng Bộ Tài chính. Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông. Ông Trần Văn Nhung - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Trần Doãn Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ông Trần Chí Liêm - Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ Việt nam. Ông Trần Xuân Giá - Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Ông Kiều Đình Thụ - Trợ lý Thủ tướng Chính phủ. Ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Ông Hoàng Tuấn Anh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. Ông Dương Anh Điền - Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng. Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND TP. Huế. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam. Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. Ông Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Ông Trần Đông A - Phó Giám đốc Bệnh viện nhi đồng TP. HCM. Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông Phạm Chánh Trực - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ. Mục sư Lê Văn Thiện, Tổng thư ký Ban trị sự Tổng Liên hội Tin lành Việt Nam.
Trong số 34 thành viên đoàn thăm chính thức, bây giờ nhiều vị đã nghỉ hưu hoặc đảm nhận chức vụ, công tác khác, trong đó có Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc từng là Thủ tướng Chính phủ, nay ở cương vị Chủ tịch nước.
Đoàn tuỳ tùng, hình như có lẽ là đông nhất trong các cuộc thăm, 66 vị.
Nhóm báo chí tháp tùng được nhà nước đài thọ kinh phí lẫn tự túc tròn 20 người.
Nhiều năm đã qua, nay nhiều người đã hưu như Phạm Khắc Lãm, Xuân Thùy, Xuân Ba, Hoài Thu… Đã mất như Võ Như Lanh, Thế Thuần, Lưu Vinh. Hoặc thành quan báo lẫn đi làm việc khác trong đó có Hồ Quang Lợi, Đăng Học, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Quang Thông,…
Nhóm báo chí tháp tùng trong chuyến công du của Thủ tướng Phan Văn Khải. |
Tôi được Ban tổ chức xếp cùng phòng với nhà báo Phạm Khắc Lãm suốt cả chuyến đi. Anh em trong nhóm báo chí tháp tùng chúng tôi gọi người đồng nghiệp cao niên ấy là cụ!
Cũng chỉ là một kiểu gọi cho vui... Chứ cụ gì mà tổng cộng chuyến đi 24 lần cái chuyên cơ thoắt thay đổi độ cao để hạ để lên và băng qua chặng lộ vân đi lẫn về 36.000 cột số đường trời với 44 giờ đồng hồ lơ lửng trên độ cao mười, mười một ngàn mét mà cấm thấy nhà báo Phạm Khắc Lãm tuổi khi ấy là bảy mươi lăm nhăn nhó hay kêu kiếc gì!
Đã thế cứ chiểu theo chương trình ghi trong cuốn lịch công tác phát cho từng phóng viên, cụ cũng chạy gằn chạy gấp, cũng sải bước mau bước khoan như chúng tôi để bắt kịp công việc!
Liền tù tì nửa tháng như thế, trải từ Mỹ đến Canada, cấm thấy cụ bỏ bữa làm nào. Cũng như chúng tôi tối mắt với việc, cụ ngủ ít lắm. Thường chỉ hai ba tiếng mỗi đêm nhưng kỳ thực là ngày bên mình do lệch múi giờ! Nhưng giấc của cụ rất say, rất sâu. Không ngáy. Tư thế nằm rất hiền. Nhỏ thó, gọn gàng, như một đứa trẻ.
Vóc lẫn dáng cụ không có bụng. Mảnh khảnh dây dây. Không biết cụ có tập tành thiền thiếc chi không nhưng giữ co ngưòi đến cái tuổi này mà còn được cái vóc hạc ấy là hiếm.
Lắm đêm, đang mải gõ bài, chợt giật nẩy cả mình khi nghe thấy chất giọng lào phào bên cạnh.
Chả thấy cậu ăn gì cả...
Thì ra cụ lặng lẽ dậy từ khi nào và đang lui cui hãm cho mình một bát mỳ!
Chao ôi nhà báo Phạm Khắc Lãm, con trai Đổng lý ngự tiền Phạm Khắc Hòe. Nhiều khi thấy giận lây cả ai đó trong Ban tổ chức có vài lần do công việc đã trống không với cụ như với chúng tôi vậy?
Mỗi lúc như thế tôi lại đồ rằng, cái người vừa trống không với cụ kia, có lẽ không biết nhà báo Phạm Khắc Lãm, hồi anh ta chưa sinh hoặc đang mới oe oe, cụ Lãm đã tốt nghiệp Trường báo chí Bắc Kinh, đã là Vụ trưởng một Vụ ở Ban Tuyên huấn Trung ương, đã từng thông thạo nhiều ngoại ngữ trong đó có tiếng Trung, Anh, Pháp.
Nhà báo Phạm Khắc Lãm |
Từng là chuyên gia nghiên cứu về Mỹ và phương Tây và mãi sau mới ở chức danh Giám đốc Đài truyền hình Trung ương, rồi Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Tổng Biên tập Tạp chí Việt Mỹ. Vậy nên sự có mặt của cụ trong đoàn đi này là phải lắm.
Nhớ hôm ở khách sạn Waldorf Astoria của New York, tôi đang mắt nhắm mở thì có hai ông bà người Mỹ ngó chừng cũng đã luống tuổi tới tìm cụ Lãm. Sau mới biết đó là một nhân vật cỡ bự của báo chí Mỹ.
Cụ ông là Seymour Topping nguyên Tổng Biên tập tờ New York Times kiêm Chủ tịch Giải thưởng Pulitzer. Còn bà vợ trẻ hơn, nguyên là phóng viên ảnh cũng của tờ báo ấy tên là Audrey Ronning. Cụ quen họ hồi hai vợ chồng sang Việt Nam công tác. Khách của cụ đại loại là thế. Không dân viết báo thì là học giả là nghiên cứu...
Ngó gương mặt cụ Lãm đang thanh thản chìm vào giấc ngủ sâu trong ánh đèn vàng ấm, nghĩ đến chuyện buổi trưa nay mà vừa thương cụ lẫn bực!
Sau khi dự buổi họp báo chung trong Nhà Trắng của Tổng thống Bush và Thủ tướng Phan Văn Khải, nhóm phóng viên Việt Nam đương thung thăng tản bộ ra đại lộ Pennsylvania chạy qua trước mặt tiền Nhà Trắng để tới chỗ xe của Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đậu.
Tốp đi trước đã lên được xe, coi như thoát!
Tốp đi sau gồm có cụ Lãm, Lưu Vinh - Báo Công an nhân dân, Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập báo VietNamNet, Phạm Thị Thục - Báo Sài Gòn Giải phóng, Nguyễn Trường Sinh - Đài truyền hình TP.HCM, Bạch Ngọc Chiến - tuỳ viên báo chí Sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và tôi.
Hồi sáng tới cổng Nhà Trắng, tôi đã thấy loáng thoáng khoảng hơn chục người Việt cầm cờ vàng sọc đỏ tụ tập ở công viên La Fayette mé bên đại lộ Pennsylvania. Thời gian chúng tôi tác nghiệp trong Nhà Trắng thì bây giờ họ đã tụ tập thêm khá đông...
Đã quá quen với cái cảnh hễ có đoàn thăm nào đó đến một vài nước có bà con Việt mình sinh sống thì lại diễn cái trò biểu tình! Luật pháp nước sở tại thường cho phép họ làm việc đó nhưng có quy định hẳn hoi, như chỉ được đứng trong một chỗ nhất định và cấm các hành động quá khích như ném đá, dùng gậy gộc để hành hung người khác...
Vậy nên vừa ra khỏi Nhà Trắng, thấy nhóm người gào thét này khác bên kia đường, chúng tôi cũng chẳng lấy làm lạ và chả ai để ý đến khoảng hơn chục gã đàn ông mặt mũi bặm trợn đã lặng lẽ tách khỏi đám người kia, đợi cho chúng tôi tản bộ khỏi cổng chính của Nhà Trắng một đoạn liền lao vào...
Quá bất ngờ, nhưng chúng tôi khi ấy, chả ai bảo ai, nhất loạt chạy tuốt lại phía cổng Nhà Trắng, nơi có tốp nhân viên an ninh vẫn trực 24/24. Trên lưng áo họ có hàng chữ FBI.
Nhưng tôi có hơi bị chậm chân... Vừa tức lẫn vừa sợ bởi một cú đạp đau điếng vào người may mà chệch chỗ hiểm. Lấn bấn nên tôi không biết khi đó Lưu Vinh cũng bị quật mấy cái vào đầu bởi một chai nước suối.
Còn Nguyễn Anh Tuấn có cái va li con con đựng cụ bị hành nghề lúc nào cũng kéo theo người thì bị chúng đá văng đi. May mà Tuấn chộp lại ngay được. Tôi nhác thấy Tuấn khi mải chụp cái va li con thì bị mấy cái cán cờ phang vào lưng lẫn đầu!
Cụ Lãm, cụ Lãm của tôi đâu rồi?
Có lẽ phải ám, phải găm trong tôi hơi bị lâu cái hình ảnh buổi trưa gặp nạn ấy? Cái dáng cao niên của cụ Lãm ngả nghiêng lảo đảo bên tôi như một con cò đổ bão...
Trời ơi, cụ có bị cái đạp cái thụi nào không?
Nói thì lâu nhưng việc diễn ra thì chóng.
Những vệ sĩ FBI như những ông hộ pháp súng ống dùi cui găm đầy mình thoáng thấy việc đám hô hét kia lợi dụng biểu tình để hành hung để phạm luật liền lao ra chặn lại. Ngó họ ra tay mà tởn! Những cánh tay vượn xách cái đám người hung hãn kia như xách những con nhái!
Định thần, chúng tôi chợt nhận ra đã được dồn vào một cái phòng làm việc ngay sát ria đường của FBI. Nhìn ra cửa kính, tôi thấy cái nhúm người hô hét bị đám FBI xua tuốt luốt như quét rác. Còn cái đám hung hãn kia thì bị tống ngay lên xe có còi hụ, rồi vút đi đâu không rõ...
Tại Nhà Trắng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã gửi thông điệp quan trọng rằng: Quan hệ Việt Nam - Mỹ đang không ngừng phát triển theo tinh thần hướng về tương lai. Cựu Tổng thống Bush cũng đã nhận lời mời tới Việt Nam tham dự hội nghị APEC vào năm 2006. (Ảnh: White House) |
Thấy chúng tôi hỏi han dồn dập, cụ Lãm cười tỉnh rụi như không, nói cứ yên trí cụ không bị sao cả! Nhưng mà trông cụ hơi xanh và hơi xộc xệch... Còn Nguyễn Anh Tuấn - TBT VietNamNet lại có ngay cái cười tươi tắn thường trực. Chừng như sự cố vừa rồi chả hề hấn gì đến việc Tuấn đương tác nghiệp. Tuấn đang say sưa nói vào cái máy di động vệ tinh. Mãi sau mới biết, khi ấy Tuấn đang đọc, nói đúng hơn là đang tường thuật một cách trung thực khách quan tại chỗ cuộc hành hung cho Toà soạn VietNamNet ở đường Láng Hạ tít bên kia quả đất ghi lại!
Khá khen cho cái máu nghề, cái nhanh nhậy của anh bạn đồng nghiệp! Trong suốt chuyến đi, Tuấn đều có cách hành nghề nhanh nhậy như thế. Ở nhà ghi âm những gì Tổng Biên tập nói rồi tung lên mạng. Vậy nên thông tin của chuyến đi, có lẽ trong mặt bằng báo chí chỉ có VietNamNet là đưa nhanh nhất. Và cũng đắc dụng thay cái máy điện thoại của Bộ Bưu chính Viễn thông cấp cho Tổng Biên tập VietNamNet.
Có lẽ Bộ sắm được con trâu là toà soạn báo điện tử, hà cớ chi mà không sắm được cái thừng là chiếc máy điện thoại vệ tinh đa năng kia? Có lẽ lần sau các báo đi tác nghiệp trong hoàn cảnh này nên có kiểu nối mạng như Nguyễn Anh Tuấn? Nhưng mà đắt. Lại tốn. Mỗi một âm tiết kia tung lên trời là Dollar, là Euro cả đấy! Bây giờ chỉ là sự thường nhưng khi ấy việc đó là thứ của hiếm!
Nhưng sự nhanh nhậy ấy cũng hơi bị phiền hà! Hôm đến Boston, ngó qua bản tin tiếng Việt của mấy cái hãng tin, trong đó có BBC.
Họ không nhanh nhậy bằng Nguyễn Anh Tuấn nhưng lại quan tâm đến sự kiện ấy theo cái cách của... BBC!
Họ giật một cái tít khá kêu là Tổng Biên tập VietNamNet và sự cố chuyến thăm Hoa Kỳ kèm theo bài phỏng vấn Nguyễn AnhTuấn.
Cũng lạ, khi xảy ra việc ấy trước cổng Nhà Trắng, tôi đâu có thấy phái viên nào của BBC đứng đó chứng kiến? Với lại Tuấn trả lời phỏng vấn vào lúc nào nhỉ? Chắc là sau đó ít ngày?
Rất may là bài phỏng vấn của Nguyễn Anh Tuấn đã dẹp đi những thông tin nhiễu, những lời bịa tạc, những suy diễn vớ vẩn lăng nhăng quanh việc ấy. Đến mức có ý kiến đăng trên mạng tru tréo đổ riệt rằng phái viên của đài BBC là... Việt Cộng nằm vùng!
Tôi cũng xin trích ra đây ý kiến của hai Việt kiều đang làm ăn sinh sống ở Mỹ.
Hồ Ky, San Jose USA
Tôi đang ở San Jose, nơi được mệnh danh là cái nôi của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chuyện biểu tình hoặc lời qua tiếng lại xảy ra như cơm bữa. Khi thì chống cộng khi thì chống tay sai, chống ca sĩ, nghệ sĩ... Nếu không có lý do chính đáng thì quay sang chụp mũ, chửi bới đe doạ kiện tụng... Cuối cùng là huề cả làng! Không có kẻ xấu nào bị trừng phạt cả. Chỉ có những thương vụ Business là làm ăn phát đạt trông thấy.
… Dù thích hay không thích chế độ, nhưng người Việt ở hải ngoại cần chấp nhận một thực tế: Ông Phan Văn Khải đã giành quyền đại diện cho 80 triệu đồng bào trong nước. Nếu ông ấy đi Cuba hay Bắc Hàn thì chúng ta nên chống! Còn đi Mỹ để tìm kiếm cơ hội kinh tế cho Việt Nam thì tôi nghĩ không nên. Đó là cơ hội cho kinh tế phát triển, là quyền lợi cho bà con thân nhân chúng ta ở quê nhà.
Nguyễn Thu, Boston
Tôi là một thuyền nhân tỵ nạn từ những năm đầu của thập kỷ tám mươi hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ và dĩ nhiên tôi không ưa thích chế độ cộng sản. Nhưng hôm nay đọc bản tin BBC về việc đoàn biểu tình hành hung ông Tuấn thật sự trong lòng tôi cảm thấy thất vọng quá. Lại trách an ninh nước Mỹ để bạo lực xảy ra với khách mời của chính phủ. Chuyện này thực tế cũng xảy ra với chính khách Mỹ như cơm bữa. Tự do quá trớn đi đôi với hiểm hoạ và nó đòi hỏi một bộ máy hành pháp phải mạnh.