Nhìn lại thương vụ “lạ” giúp PVC thoái vốn khỏi công ty của em trai ông Đinh La Thăng

VietTimes – Sở dĩ nói “lạ” là bởi sự hào phóng đến bất ngờ của bên nhận chuyển nhượng…
Lịch sử hình thành và phát triển của PVSD in đậm dấu ấn của ông Đinh Mạnh Thắng – em trai ông Đinh La Thăng, một người cũng trưởng thành từ Sông Đà. (Ảnh: MPS)
Lịch sử hình thành và phát triển của PVSD in đậm dấu ấn của ông Đinh Mạnh Thắng – em trai ông Đinh La Thăng, một người cũng trưởng thành từ Sông Đà. (Ảnh: MPS)

Đầu tháng 03/2017, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tên viết tắt: PVC; Mã chứng khoán: PVX) chính thức thông báo về việc đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu SDP của CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (Tên viết tắt: PVSD; Mã chứng khoán: SDP) - cũng là toàn bộ số cổ phần SDP mà PVC nắm giữ, tương ứng tỷ lệ sở hữu 26,99% - có nghĩa PVSD là công ty liên kết của PVC.

Mục đích của việc thoái vốn được PVC giải thích là nhằm: “Tái cơ cấu các khoản đầu tư tài chính của Tổng công ty”.

Giao dịch được hoàn tất vào ngày 23/03/2017, với người mua là 03 cá nhân: Vũ Trọng Hùng (1,5 triệu cổ phần); Nguyễn Danh Sơn (1 triệu cổ phần); Phạm Văn Chức (0,5 triệu cổ phần). Họ đều là những cổ đông nội bộ của PVSD – những người mà trước giao dịch chỉ sở hữu một lượng cổ phiếu SDP không đáng kể nhưng hậu giao dịch đã trở thành những cổ đông lớn của công ty. Như Vũ Trọng Hùng, tuy là Phó Tổng Giám đốc PVSD nhưng trước giao dịch ông Hùng chỉ nắm giữ 34 cổ phiếu SDP, sau khi nhận chuyển nhượng 1 triệu cổ phiếu SDP từ PVC, ông Hùng đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của công ty, với tỷ lệ sở hữu 13,05%.

Phương thức thực hiện giao dịch mà PVC áp dụng với 03 nhà đầu tư cá nhân này đều là: “thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư, giao dịch qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)". Giá giao dịch được ấn định ở 10.000 đồng/cổ phiếu.

Thương vụ đã đem về cho PVC số tiền 30 tỷ đồng – đúng bằng giá trị đã đầu tư vào PVSD. Điều này đảm bảo nguyên tắc “tránh thất thoát vốn và không phát sinh công nợ giữa bên nhận chuyển nhượng với Tổng Công ty” tại phương án thoái vốn mà HĐQT PVC đã đề ra, trên cơ sở phê duyệt của Hội đồng thành viên PVN.

Việc thoái vốn khỏi PVSD tuy không sinh lời - nhưng xét trong bối cảnh thất thoát vốn tại hàng loạt trường hợp tương tự và đặt trong thực tế đầy biến động của PVC thời kỳ ấy – thì đó là một kết quả chấp nhận được, nếu không muốn nói là khả quan.

Đến nay, theo công bố mới nhất của PVC, tổng công ty này đã thu được đầy đủ số tiền chuyển nhượng cổ phần SDP. 30 tỷ đồng này, theo như kế hoạch, sẽ được sử dụng tuân thủ theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên như sau: (1) Bù nguồn thiếu hụt của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; (2) Bù đắp nguồn chi thường xuyên của Tổng công ty; (3) Trả nợ các khoản vay của Tập đoàn; (4) Đảm bảo vốn lưu động cho Chi nhánh phía Bắc.

Sẽ không có gì phải bàn về thương vụ thoái vốn trên, trừ việc 03 nhà đầu tư cá nhân đã tỏ ra quá “hào phóng”.

Họ đã sẵn sàng trả giá ngang mệnh giá cho mỗi cổ phiếu SDP – tức là gấp đôi so với thị giá cùng kỳ của mã chứng khoán này trên thị trường. Lưu ý rằng, trên HNX khi đó, mỗi cổ phiếu SDP chỉ được giao dịch ở mức chưa đến 5.000 đồng. Chưa kể việc chấp nhận giao dịch với PVC ngay trong thời kỳ cao điểm của sự kiện Trịnh Xuân Thanh đã là cả một sự đánh đổi.

Sự hào phóng giúp 03 nhà đầu tư nhanh chóng sở hữu một lượng lớn cổ phần SDP (với giá cao), và cũng giúp PVC “tránh thất thoát vốn”. Thực tế, nếu vẫn còn SDP trong danh mục đầu tư thì theo nguyên tắc thận trọng, bộ phận kế toán của PVC đã phải ghi nhận một khoản trích lập dự phòng đáng kể.

Nên biết, để được bán cổ phiếu SDP cho đối tác với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, PVC đã phải làm hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xin được chấp thuận cho giao dịch ngoài biên độ không qua hệ thống của HNX. Và phương án thoái vốn của PVC tại PVSD thực ra cũng đã được điều chỉnh.

Phương án ban đầu vốn được phê duyệt vào cuối tháng 11/2016, căn cứ trên Nghị quyết số 5907/NQ-DKVN ngày 22/09/2016 của HĐTV PVN và văn bản số 6892/DKVN-TC ngày 02/11/2016 của Tổng Giám đốc PVN. Theo phương án này, thời gian thực hiện thoái vốn phải hoàn thành trước ngày 31/12/2016.

Nhưng có lẽ việc tìm kiếm nhà đầu tư là không đơn giản và phải đến cuối tháng 3/2017, nhờ sự xuất hiện của 03 nhà đầu tư “hào phóng”, PVC mới được toại nguyện.

Không có cớ gì để chất vấn ông Vũ Trọng Hùng, ông Nguyễn Danh Sơn, ông Phạm Văn Chức khi họ là những người có tiền và toàn quyền với quyết định đầu tư của họ. Song hẳn có không ít người đã từng băn khoăn/thắc mắc, rằng điều gì đã khiến 03 nhà đầu tư cá nhân trên "hào phóng" đến vậy.

Phải chăng họ nhìn thấy ở PVSD những tiềm năng lớn, nhìn thấy những cơ hội tăng giá, kiếm lời từ cổ phiếu SDP?

Có vẻ không phải lắm! Cách đây ít ngày, để “phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân”, ông Nguyễn Danh Sơn – người đã nhận chuyển nhượng 1 triệu cổ phiếu SDP của PVC – vừa thực hiện bán 140.200 cổ phiếu SDP.

Giao dịch được hoàn tất vào ngày 24/11/2017. Song rất tiếc là mức giá giao dịch trung bình của cổ phiếu SDP phiên hôm ấy chỉ đạt 3.856 đồng/cổ phần – thấp hơn rất nhiều mức 10.000 đồng/cổ phần mà ông Sơn đã trả cho PVC.

Theo giới thiệu, PVSD là đơn vị liên kết giữa Tổng công ty Sông Đà và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – hai doanh nghiệp nhà nước in đậm dấu ấn của ông Đinh La Thăng.

Công ty được chuyển đổi từ quá trình cổ phần hóa Xí nghiệp Sông đà 12.6, theo Quyết định số 1593/ QĐ-BXD ngày 25/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải Sông Đà.

Tháng 07/2010, công ty đổi tên thành CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà – như để đánh dấu sự xuất hiện và vai trò quan trọng của các doanh nghiệp dầu khí trong sở hữu và hoạt động của công ty.

Lịch sử hình thành và phát triển của PVSD in đậm dấu ấn của ông Đinh Mạnh Thắng – em trai ông Đinh La Thăng.

Ông Thắng đã giữ trọng trách tại PVSD ngay từ khi công ty này mới chỉ là một xí nghiệp của Công ty Sông Đà 12. Cụ thể, từ 01/2001 – 12/2003, ông Thắng là Giám đốc Xí nghiệp Sông Đà 12.6.

Sau khi xí nghiệp này được cổ phần hóa thành CTCP Thương mại và Vận tải Sông Đà, ông Thắng vẫn là Giám đốc, đồng thời kiêm luôn cả cương vị Chủ tịch HĐQT.

Từ tháng 05/2016, ông Thắng thôi làm giám đốc và chỉ giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty. Ông giữ vị trí này cho đến biến cố mới đây.

Ngày 08/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố bị can về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 - Bộ luật Hình sự, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Đinh Mạnh Thắng. Tại Quyết định khởi tố, ông Thắng được ghi là nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà.

Ông Thắng bị khởi tố để phục vụ hoạt động điều tra mở rộng vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (là PVPower Land) và Công ty CP Minh Ngân theo Quyết định Khởi tố vụ án hình sự số 617/HSPT-QĐKTVA ngày 15/3/2017 và Quyết định Nhập vụ án hình sự số 16/C46-P11 ngày 15/11/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Theo tờ Thanh Niên, vụ án này được cho là có liên quan tới cựu Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh.

Đáng chú ý, trước thời điểm ông Đinh Mạnh Thắng bị bắt vài giờ, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố bị can về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – anh trai ông Thắng.

Việc bắt giữ ông Thăng nhằm phục vụ hoạt động điều tra mở rộng vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gây thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank và vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2./.