Fed giảm lãi suất tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ cắt giảm lãi suất 0,25% và thông báo sẽ chỉ giảm lãi suất thêm 2 lần trong năm 2025 được nhìn nhận sẽ đặt ra bài toán khó cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Fed giảm lãi suất tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Cú sập được dự báo trước

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã đưa ra quyết định cắt giảm 0,25% lãi suất, đưa lãi suất tham chiếu của Mỹ về mức 4,25% - 4,5%. Đây là lần thứ ba liên tiếp cơ quan này giảm lãi suất. Hai lần trước, các mức giảm lần lượt là 0,5% và 0,25%.

Đáng chú ý, sau đợt cắt giảm nói trên, Fed tuyên bố sẽ chỉ hạ lãi suất thêm 2 lần trong năm 2025, giảm một nửa so với dự báo trước đó.

Động thái của Fed ngay lập tức khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/12, Dow Jones giảm 1.123,03 điểm, tương ứng giảm 2,58%, đánh dấu phiên lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 8. Đây cũng là lần thứ 2 trong năm nay Dow Jones mất 1.000 điểm trong một phiên. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 2,95% còn Nasdaq Composite giảm 3,56% trong cùng phiên.

Chứng khoán quốc tế cũng “đỏ rực” do hiệu ứng của Fed. Tại Việt Nam, VN-Index kết phiên 19/12 đã “rơi” 11 điểm xuống mốc 1.254,67 điểm, là mức giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua.

Trao đổi với VietTimes về những diễn biến nêu trên, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), cho rằng phản ứng của thị trường chứng khoán Mỹ trước quyết định của Fed là điều tất yếu.

PGS-Pham-The-Anh.jpeg
PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa kinh tế học, NEU. Ảnh: Yến Thanh

“Việc cắt giảm lãi suất không gây bất ngờ, bởi giới đầu tư đã dự đoán điều này từ khoảng 2 tháng trước.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng sớm với 7-8 phiên giảm liên tiếp trước đó, do thị trường này đã được định giá quá cao.

Điều các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm lần này là Fed báo hiệu chỉ hạ lãi suất 2 lần trong năm 2025, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Vì thế, thị trường hôm 18/12 đã giảm rất mạnh”, vị chuyên gia lý giải.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, việc cắt giảm lãi suất của Fed phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lạm phát, tình trạng việc làm. Các thông tin công bố gần đây cho thấy sức ép lạm phát đang quay trở lại. Bên cạnh đó, chính quyền tương lai của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có tính bất định về chính sách, nhất là về thuế quan với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và lao động nhập cư.

Đây đều là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế Mỹ. Bởi vậy, khả năng giảm lãi suất của Fed bị hạn chế khá nhiều. Tuyên bố chỉ giảm lãi suất 2 lần trong năm 2025, ít hơn một nửa so với dự báo trước đó, là một biểu hiện rõ nét.

"Bài toán" khó cho nhà điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam

Việc Fed chậm lại trong việc cắt giảm lãi suất đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới quyết định của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Ví dụ Ngân hàng trung ương Nhật Bản hôm qua cũng đã công bố không cắt giảm lãi suất trong đợt này. Đây cũng sẽ là động thái của nhiều ngân hàng trung ương khác trong thời gian tới. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, lâu nay, Việt Nam theo đuổi 2 mục tiêu chính sách tiền tệ: một là ổn định tỷ giá, chống lạm phát, hai là kích thích tăng trưởng kinh tế. Việc Fed chậm giảm lãi suất khiến USD ở giá cao, thậm chí lên giá, gây sức ép với VND. Để ứng phó, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá.

Đối với lãi suất, lãi suất của Việt Nam từ giữa năm 2023 đến nay đã duy trì được mặt bằng tương đối thấp. Song, thời gian qua, lãi suất đã có xu hướng tăng trở lại, nhất là sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Sức ép tỷ giá chính là nguyên do đẩy lãi suất đi lên.

Những diễn biến nói trên đặt ra bài toán khó cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: giữ lãi suất thấp thì VND mất giá, muốn giữ giá VND thì phải bán ra ngoại tệ hoặc tăng lãi suất lên.

“Một tín hiệu lạc quan là ở giai đoạn cuối năm, các đơn hàng xuất khẩu sẽ thu về ngoại tệ, song song với dòng kiều hối đổ vào trong nước.

Nếu dòng tiền này ở lại Việt Nam thì tỷ giá có thể dịu xuống”, PGS.TS Phạm Thế Anh phân tích.