Xin được bắt đầu bài viết bằng một sự kiện đã cũ, vào một buổi sáng mùa thu cách đây nhiều năm. Cụ thể là sáng 18/09/2010 – khoảng 3 tuần trước Đại lễ lịch sử 10/10/2010.
Sáng đó, tại số 19 Hàng Bài, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã long trọng tổ chức lễ khánh thành và bàn giao Rạp Kim Đồng – món quà PVN dành tặng Thành phố Hà Nội nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tại buổi lễ, Chủ tịch PVN khi đó là ông Đinh La Thăng đã cùng các lãnh đạo Hà Nội thực hiện nghi thức gắn biển công trình chào mừng Đại Lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng như gắn biển ghi nhận công trình do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng Thành phố Hà Nội.
Theo PVN, công trình Rạp Kim Đồng mà tập đoàn này xây dựng tặng Thành phố Hà Nội mang rất nhiều ý nghĩa thiết thực và sâu sắc, đúng vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sự kiện trọng đại của Thủ Đô ngàn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình. Vừa là công trình văn hóa đẹp, hiện đại phục vụ cho thanh thiếu niên và nhi đồng của Thủ đô Hà Nội - thế hệ tương lai của nước nhà.
Công trình Rạp Kim Đồng được thiết kế xây dựng trên nền khu đất cũ của Rạp Kim Đồng, nơi gắn liền với các thế hệ thanh, thiếu niên Hà Nội, nằm ở trung tâm Thủ đô với kiến trúc đẹp, hiện đại tạo thành điểm nhấn cho bộ mặt phố phường, góp phần tạo ra một diện mạo mới cho kiến trúc - cảnh quan của thành phố Hà Nội.
Quy mô công trình gồm hai tầng hầm để xe và các công trình phụ trợ, 6 tầng nổi với các phòng chức năng gồm 1 phòng chiếu phim 4D: 40 chỗ ngồi -công nghệ tiên tiến nhất ở Việt Nam, 2 phòng chiếu phim 2D: 475 chỗ và 150 chỗ ngồi. Tầng 6 cao nhất, nơi có thể ngắm cảnh Hồ Gươm và phố phường xung quanh với nhiều công năng: vừa là nơi giải khát, nơi thư giãn vừa là nơi tổ chức các sự kiện. Tổng diện tích sàn xây dựng hơn 6.200 m2.
Tổng kinh phí đầu tư xây dựng dự toán là 156 tỷ đồng. Toàn bộ trang thiết bị cơ sở vật chất được đầu tư mới, đồng bộ và hiện đại.
Dẫn lời trên báo chí khi ấy, Chủ tịch PVN Đinh La Thăng khẳng định, dự án rạp Kim Đồng được đầu tư xây dựng sẽ trở thành trung tâm chiếu phim, trung tâm hoạt động văn hóa, dịch vụ phim ảnh băng hình chất lượng cao.
Công trình Rạp Kim Đồng được khởi công xây dựng vào ngày 12/4/2009, do công ty Cổ phần Tư Vấn Xây dựng Đầu Tư Dầu khí (PCIC) – một thành viên của Tập Đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đảm nhận công tác tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công.
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương Mại Dầu khí Sông Hồng được giao làm nhà thầu xây lắp (PVSH). PVSH là doanh nghiệp được sáng lập bởi một số đơn vị thành viên của PVN, do ông Trịnh Xuân Tuấn làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Nhờ có thành tích xuất sắc, góp phần hoàn thành vượt tiến độ công trình Rạp Kim Đồng, ông Trịnh Xuân Tuấn và nhiều cá nhân khác đã đã được tặng bằng khen.
Ông Trịnh Xuân Tuấn, được biết, là em trai ông Trịnh Xuân Thanh – người từng nhiều năm giữ cương vị Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Bản thân PVC cũng là doanh nghiệp ghi dấu ấn tại nhiều công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Có thể kể đến như Công trình Trung tâm Tài chính Dầu khí 22 Ngô Quyền; Tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam; Tòa nhà Capital Tower; Công trình Trung tâm thương mại chợ Hàng Da…
Tiền đâu mua quà?
Rạp Kim Đồng – quà tặng của PVN dành cho Hà Nội thực sự là một công trình mang nhiều ý nghĩa, tạo dấu ấn cho thủ đô trong dịp nghìn năm có một.
Tuy nhiên, hẳn sẽ có những ý kiến băn khoăn, rằng PVN là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, vậy việc PVN bỏ tiền xây dựng Rạp Kim Đồng tặng Hà Nội, vô hình trung cũng là việc Nhà nước gián tiếp bỏ tiền? Nếu không, nguồn tiền xây dựng món quà tặng ấy sẽ được PVN thu xếp như thế nào?
Tài liệu của một doanh nghiệp được công bố mới đây đã làm rõ điều này.
CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG tiền thân là CTCP Đầu tư, Xây dựng và Kinh doanh Dịch vụ Nhà ở Dầu khí – SSG được thành lập ngày 19/01/2010 trên cơ sở hợp tác giữa PVN và SSG. Công ty do 05 cổ đông sáng lập gồm: PVN (6%); PVC (25%); Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí – PVI (10%); Ngân hàng TMCP Đại Dương – Ocean Bank (10%); SSG (49%) với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng.
Nhiệm vụ đề ra cho công ty là đầu tư, xây dựng, quản lý và kinh doanh Khu “Tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng, căn hộ cao cấp” trên khu 3,8 ha tại lô đất X3, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Tháng 5/2010, Công ty đổi tên thành CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG. Hiện, công ty đăng ký trụ sở tại số 01 đường Châu Văn Liêm, P. Phú Đô. Q. Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội; Vốn điều lệ 500 tỷ đồng thuộc sở hữu của 4 cổ đông: SSG (81,2%); Ocean Bank (8%); CTCP Hạ tầng FECON (6%); PVN (4,8%).
Theo Hợp đồng Hợp tác đầu tư số 9986/PVN-SSG ký ngày 10 tháng 12 năm 2009 giữa PVN và CTCP Tập đoàn (SSG) về việc đầu tư xây dựng dự án Tổ hợp Khách sạn Dầu khí Việt Nam, CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ chi phí của PVN đã phát sinh cho công trình Trung tâm hoạt động văn hóa đa năng – Rạp Kim Đồng tại số 19 Hàng Bài với số tiền tạm tính là 141.898 triệu đồng. Chi phí hoàn trả này được coi là chi phí đầu tư ban đầu của Dự án và ghi nhận là một phần chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Theo Quyết định số 5846/QĐ-DKVN của PVN về việc phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành Dự án “Rạp Kim Đồng” ngày 1/7/2011 của PVN, giá trị Quyết toán Công trình hoàn thành “Rạp Kim Đồng” được điều chỉnh là 123.260.832.913 đồng.
Như vậy có thể hiểu rằng, món quà mà PVN đã dành tặng Hà Nội nhân dịp Đại lễ nghìn năm có giá trị quyết toán tới hơn 123 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này, không phải do PVN trực tiếp bỏ ra mà lại được tài trợ bởi một bên khác. Cụ thể là CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG, đơn vị do PVN sáng lập nhưng hiện chỉ sở hữu chưa tới 5% vốn.
Tất nhiên, không bỗng dưng mà SSG – cổ đông chi phối phần lớn cổ phần tại CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG (PVN-SSG) lại đồng ý việc tài trợ đó.
Tất cả đến từ Hợp đồng Hợp tác đầu tư số 9986/PVN-SSG. Theo hợp đồng này, SSG sẽ hợp tác với PVN để đầu tư xây dựng dự án Tổ hợp Khách sạn Dầu khí Việt Nam bao gồm tổ hợp công trình Khách sạn 5 sao – Văn phòng – Căn hộ cao cấp trên khu đất 3,8 ha tại lô X3 và dự án Xây dựng công viên giải trí – tháp Dầu khí trên khu đất 21,2 ha tại các lô đất X1 và X2, thuộc khu Công viên Văn hóa Thể thao Tây Nam Hà Nội.
Toàn bộ chi phí do PVN đã thực hiện liên quan đến các dự án nêu trên tính đến ngày chuyển giao (ngày 30/09/2009) đã được bàn giao sang PVN-SSG là 203.873.758.246 đồng.
Tuy nhiên, sau nhiều năm đình đốn, dự án đã được đổi chủ. Theo đó, năm 2015, PVN-SSG đã thực hiện bàn giao quyền và nghĩa vụ đối với Dự án Lô đất 21,2 ha cho CTCP Đầu tư Mai Linh – doanh nghiệp “hạt nhân” của đại gia Trần Đăng Khoa (Khoa “khàn”).
Với việc chuyển giao này, PVN-SSG đã ghi giảm một phần chi phí chuyển giao từ PVN tương ứng với khu đất 21,2 ha này số tiền 2.494.021.818 đồng. Do đó, tại ngày 31/12/2016, liên quan đến dự án Tổ hợp Khách sạn Dầu khí Việt Nam, PVN-SSG chỉ còn ghi nhận khoản chi phí chuyển giao từ PVN là 201.379.736.428 đồng.
Đồng thời với việc chuyển giao, PVN cũng phân bổ chi phí đầu tư xây dựng Rạp Kim Đồng sang cho CTCP Đầu tư Mai Linh.
Cụ thể, theo Công văn số 1842/DKVN-ĐTPT của PVN về việc xác định chi phí liên quan đến chuyển giao dự án “Khu Trung tâm thương mại, Tháp Dầu khí và công viên giải trí”, chi phí đầu tư xây dựng Rạp Kim Đồng sẽ phân bổ cho CTCP Đầu tư Mai Linh tương ứng với phần diện tích 21,2 ha đã nhận từ PVN-SSG trong năm 2015.
Do đó, PVN-SSG đã điều chỉnh khoản chi phí 18.735.636.603 đồng tương ứng với diện tích lô đất 3,8 ha mà PVN-SSG đang quản lý. Đây cũng là giá trị chi phí tiếp quản dự án mà PVN-SSG ghi nhận tại ngày 31/12/2016.
Có nghĩa rằng, phần lớn chi phí cho món quà tặng trăm tỷ mà PVN tặng Hà Nội, đến thời điểm này, đã được phân bổ sang cho doanh nghiệp của ông Khoa “khàn” – chủ mới của Dự án Tháp Dầu khí./.