Hơn 50 quốc gia đã thông qua các bộ luật nhằm kiểm soát Facebook
Từ trước đến nay, có lẽ chỉ có Trung Quốc là nước duy nhất luôn cố “thuần hóa” Internet. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các sự kiện như mùa xuân Ả rập, cuộc bầu cử ở Pháp và sự nhầm lẫn tôn giáo của Tổng thống ở Indonesia đã “đánh thức” các chính phủ, cho thấy chính phủ đang mất quyền kiểm soát về các nội dung trực tuyến, thương mại và chính trị ngay trên sân nhà. Chính vì vậy, hầu hết các chính phủ trên thế giới đều ít nhiều có các biện pháp cứng rắn với Facebook. Ngay tại Mỹ, những người khổng lồ công nghệ cũng đang phải đối mặt với sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Gần đây Facebook đã phải hợp tác với các nhà điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
New York Times cho rằng khi các quốc gia cố gắng lấy lại quyền lực trực tuyến, một cuộc đụng độ giữa các chính phủ và các công ty công nghệ sẽ xảy ra. Một số công ty lớn nhất trên thế giới, như Google, Apple, Facebook, Amazon và Alibaba, nhận thấy họ cần phải đặt ra bộ quy tắc hoàn toàn mới trên mạng lưới Internet.
Không chỉ là một bộ quy tắc mới. Theo một khảo sát của The New York Times, trong 5 năm qua, hơn 50 quốc gia đã thông qua các bộ luật nhằm kiểm soát mạnh hơn cách người dân dùng web.
“Xét cho cùng, đó là một cuộc đấu tranh quyền lực lớn”, David Reed, một người tiên phong của internet và là cựu giáo sư của MIT Media Lab, nói. “Các chính phủ bắt đầu bị đánh thức ngay khi phần quan trọng trong quyền lực của họ bị các công ty xâm chiếm”.
Facebook đã trở nên rộng lớn đến mức có hơn hai tỷ người dùng mỗi tháng – bằng khoảng ¼ dân số thế giới. Theo hãng nghiên cứu comScore, người sử dụng Internet (không kể Trung Quốc) cứ 5 phút lại dành 1 phút trên Facebook. Và Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Facebook, muốn thống trị thế giới này để tăng trưởng.
Nhưng các nhà chính trị đã phản công. Trung Quốc, đã chặn Facebook vào năm 2009, phản đối những nỗ lực của Zuckerberg, không đưa mạng xã hội trở lại Trung Quốc. Tại châu Âu, các quan chức đã ngăn chặn mọi nỗ lực thu thập dữ liệu từ các ứng dụng nhắn tin và các trang web bên thứ ba của Facebook.
Thách thức của Facebook trong cuộc chiến này đang sẵn sàng leo thang. Facebook hầu như đã tiếp cận đến hầu hết tất cả những người có truy cập internet, ngoại trừ Trung Quốc. Thu hút những người dùng ở cả các quốc gia Châu Á như Việt Nam và các nước châu Phi như Kenya, có thể sẽ khiến Facebook đối mặt với nhiều rào cản của chính phủ.
Elliot Schrage, phó chủ tịch phụ trách truyền thông và chính sách công của Facebook, nói: "Chúng tôi hiểu và chấp nhận rằng lý tưởng của chúng tôi có thể không phải là lý tưởng của mọi người. Nhưng khi nhìn vào dữ liệu và thực sự lắng nghe những gì mọi người thể hiện trên nền tảng của chúng tôi, rõ ràng là chúng tôi đã làm tốt hơn trong việc đưa mọi người lại với nhau".
Dù đã cố làm thân với Trung Quốc, nhưng Zuckerberg vẫn thất bại
Vào giữa năm 2016, chiến dịch kéo dài một năm của Facebook nhằm thâm nhập Trung Quốc - thị trường Internet lớn nhất thế giới – đã diễn ra rầm rộ.
Facebook đã cố nhiều cách để làm thân với Trung Quốc, nơi kiên quyết chặn Facebook từ năm 2009 |
Theo một người dấu tên biết về các vụ đàm phán bí mật, Zuckerberg đã ăn uống với các chính trị gia Trung Quốc, công khai trình diễn những kỹ năng tiếng Trung mới có được của mình, nói chuyện với một đối tác tiềm năng của Trung Quốc về việc thúc đẩy mạng xã hội vào thị trường.
Tại bữa ăn tối của Nhà Trắng vào năm 2015, Zuckerberg thậm chí còn hỏi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, liệu ông Tập có thể đặt tên cho đứa con đầu lòng của Mark – đây vốn là một đặc ân dành cho những người thân lớn tuổi, hoặc đôi khi là thầy bói. Ông Tập đã từ chối.
Nhưng tất cả nỗ lực đều thất bại.
Trung Quốc đã chặn Facebook và Twitter từ giữa năm 2009, sau khi bùng nổ cuộc bạo loạn sắc tộc ở phía tây đất nước. Trong những năm gần đây, rào cản tương tự đã tăng lên đối với các dịch vụ của Google và các ứng dụng khác, như Line và Instagram.
New York Times cho rằng ngay cả khi Facebook tìm được cách để vào Trung Quốc, Facebook cũng sẽ không đảm bảo thành công về tài chính. Ngày nay, phần lớn người dân Trung Quốc sử dụng các dịch vụ trực tuyến địa phương như Qihoo 360 và Sina Weibo. Theo SAMPi, một công ty nghiên cứu thị trường, không có ứng dụng nào của Mỹ được xếp hạng trong số 50 dịch vụ phổ biến nhất tại Trung Quốc.
Các chuyên gia công nghệ Trung Quốc cho biết, mặc dù nhiều người trong chính phủ có vẻ cởi mở với ý tưởng cho phép các sản phẩm của Facebook ra mắt tại Trung Quốc nhưng vẫn vấp phải sự phản đối của các nhà lãnh đạo trong Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của nước này.
Zuckerberg đã đăng một bức ảnh anh đang chạy trên quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, vào một ngày sương mù ô nhiễm. |
Năm 2016, Facebook đã có những bước đi nhằm lọt qua các chính sách kiểm duyệt của Trung Quốc. Mùa hè năm đó, Facebook đã phát triển công cụ ngăn chặn các bài viết trong một số khu vực địa lý. Ý tưởng này nhằm giúp Facebook hoặc một đối tác địa phương kiểm duyệt nội dung theo yêu cầu của Bắc Kinh. Nhưng công cụ này đã không được triển khai.
Trong một nỗ lực khác hồi năm ngoái, Zuckerberg đã dự một hội nghị ở Bắc Kinh. Ngoài ra, Zuckerberg còn sử dụng kiểu ngoại giao đặc trưng của mình – đó là cập nhật trạng thái Facebook – và anh đã đăng một bức ảnh chạy trên quảng trường Thiên An Môn vào một ngày sương mù ô nhiễm.
Tất cả mọi công sức của Zuckerberg đều thất bại. Kai-Fu Lee, cựu giám đốc của Google tại Trung Quốc, hiện đang điều hành một công ty đầu tư mạo hiểm ở Bắc Kinh nói: “Những gì Facebook muốn là không thể, và những gì Facebook có lại có thể không có ý nghĩa nhiều với Trung Quốc”.
Đón xem tiếp phần 2: Hàng loạt quốc gia áp dụng chính sách “cứng” của châu Âu với Facebook
Theo ICTNews (nguồn New York Times)