Nhiều chỉ tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp chưa đạt

Theo đánh giá, 5 năm qua, quy mô và tiềm lực của đất nước được nâng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được.
Thường vụ Quốc hội họp phiên cuối cùng trước khi kỳ họp Quốc hội khai mạc
Thường vụ Quốc hội họp phiên cuối cùng trước khi kỳ họp Quốc hội khai mạc

Chiều ngày 7/3, trình bày báo cáo thẩm thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, 5 năm qua, quy mô và tiềm lực của đất nước được nâng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát từ 11,75% năm 2010 chỉ còn 0,63% năm 2015, tăng trưởng kinh tế tăng dần từ 5,25% năm 2012 lên 6,68% năm 2015.

Theo ông Giàu, chất lượng tăng trưởng nhiều mặt có bước chuyển biến: đóng góp của khoa học, công nghệ tăng; năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm cao hơn giai đoạn trước. Cải thiện đáng kể các cân đối lớn, nhập siêu giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 1,93% so tổng kim ngạch xuất khẩu và so với mức nhập siêu 22,4% giai đoạn 2006-2010, trong đó có đóng góp đáng kể của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt chỉ riêng Samsung Việt Nam xuất siêu năm 2013: 3,9 tỷ USD, năm 2014: 6,5 tỷ USD, năm 2015: 11,1 tỷ USD góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô.

Thu nhập bình quân đầu người từ 1.168 USD năm 2010 tăng lên 2.109 USD năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 14,2% năm 2010 còn dưới 4,5% năm 2015. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện....Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có 10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 dự kiến chỉ đạt 5,9% thấp hơn mức 7% của 5 năm giai đoạn trước; năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng ở mức 29%, hệ số sử dụng vốn (ICOR) còn cao, năng suất lao động so với một số nước Đông Nam Á còn thấp.

Năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp chưa cải thiện nhiều, nhiều loại nông sản khó tìm thị trường tiêu thụ ổn định; công nghiệp và dịch vụ tăng thấp hơn giai đoạn trước. Cơ cấu thu, chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay một số dự án kém hiệu quả.

Giảm nghèo chưa thực sự bền vững, hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện, xã còn đến 50%. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của ông Giàu, việc tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công có chuyển biến tích cực, vốn đầu tư được bố trí tập trung hơn vào các dự án, công trình có hiệu quả kinh tế - xã hội, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Tuy nhiên, theo ông Giàu, một số ý kiến cho rằng kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại, vẫn còn tình trạng ứng trước vốn để đầu tư, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng sử dụng không hiệu quả.

"Việc xây dựng một số trụ sở làm việc của bộ, ngành trung ương và địa phương quy mô lớn, hiện đại chưa quá bức thiết, trong khi nhiều nhu cầu đầu tư cho thủy lợi vùng khô hạn, ngăn mặn, y tế... chưa đáp ứng. Một số dự án đầu tư theo hình thức PPP của ngành giao thông chưa phù hợp, trạm thu phí mật độ quá dầy làm tăng chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp. Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản còn chậm”, ông Giàu cho biết.

Theo đánh giá của ông Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có những kết quả bước đầu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ, cụ thể nhưng so với yêu cầu thì còn chậm, một số doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt, có nơi trách nhiệm chưa cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và kinh doanh còn ít; một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị doanh nghiệp.

Theo đánh giá, việc tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, nợ xấu ngân hàng thương mại từng bước được xử lý, đã sáp nhập một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hoạt động yếu kém.

Tuy nhiên, xuất hiện một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn gặp khó khăn phải thay đổi chủ sở hữu, người quản lý từ cơ quan quản lý nhà nước.

"Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn vô cùng khó khăn thì việc xử lý nợ xấu khó bền vững. Mặc dù Chính phủ chỉ đạo nhất quán trong điều hành phải chủ động, linh hoạt lãi suất theo diễn biến lạm phát nhưng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng còn cao, chỉ tính năm 2015 bình quân khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn trong khi lạm phát chỉ ở mức 0,63%”, ông Giàu cho biết.

Theo Infonet