Ngày 28/5, Quốc hội (QH) sẽ dành trọn ngày làm việc để thảo luận tại hội trường việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa (CPH) giai đoạn 2011-2016.
Nghị trường nóng ngay từ những phút đầu. Ngay sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016, đã có 36 đại biểu bấm nút đăng ký được phát biểu.
Thoái vốn tại DNNN: Không nên để một bên ra sức thoái, một bên lại mua vào
Mở đầu, đại biểu Hoàng Quang Hàm – đoàn Phú Thọ đánh giá, báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Đoàn giám sát đã khái quát cơ bản những kết quả đạt được, cũng như tồn tại hạn chế về tình hình quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH DNNN.
Tuy nhiên, để lĩnh vực này được hiệu quả hơn, đại biểu Hàm cho rằng Chính phủ cần sớm nghiên cứu trình QH sửa Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, tính toán các nguồn vốn để bổ sung cho các DNNN, trong đó có nguồn vốn xuất phát từ việc CPH, thoái vốn tại các DNNN. Tránh tình trạng “tiền thu được sử dụng cho đầu tư, cho các nhiệm vụ khác để phát triển DNNN, khi cần lại không thu xếp được.”
Ông đề nghị cần nhìn nhận chủ trương thoái thoái vốn CPH thực chất là quá trình “cơ cấu lại danh mục đã đầu tư của nhà nước” với mục tiêu đã thu hồi vốn đầu tư vào những lĩnh vực không then chốt thiết yếu, để chuyển sang đầu tư vào các lĩnh vực then chốt thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng an ninh.
Từ đó, ông Hàm đề nghị làm rõ chức năng nhiệm vụ của Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để công ty này không đầu tư vào các lĩnh vực không then chốt hay những lĩnh vực nhà nước đang thoái vốn.” Việc đầu tư thu lợi nhuận cũng cần bám sát chủ trương, không nên để cùng là nhà nước, một bên ra sức thoái vốn, một bên lại mua vào” – đại biểu Hàm nói.
"Không nên để cùng là nhà nước, một bên ra sức thoái vốn, một bên lại mua vào" - ĐB Hoàng Quang Hàm
|
Bên cạnh đó, ông Hàm cũng nêu một số vấn đề liên quan đến việc xử lý dứt điểm các dự án nhà nước đang thua lỗ kéo dài. Ông Hàm cho biết: “ Tôi đi tiếp xúc của tri ở Huyện Tam Nông (Phú Thọ), cử tri ở đây rất bức xúc việc 50h bờ xôi ruộng mật đã di dời làm nhà máy Ethanol. Dự án này đã chi hàng nghìn tỷ đồng nhưng dừng triển khai từ 5,6 năm nay, nhà xưởng thiết bị máy móc đắp chiếu, rất xót xa”.
Vì vậy, theo ông Hàm, không chỉ có 12 dự án của ngành Công thương hay dự án của Vinashin mà cần rà soát tổng thể, qua đó đảm bảo không để thua lỗ kéo dài, hao mòn tài sản, chịu chi phí lãi vay. Ông đề nghị: “Chính phủ cần xử lý quyết liệt hơn các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, vì để càng lâu hậu quả càng nghiêm trọng.”
“Bộ ngành không muốn rời xa doanh nghiệp sân sau”?
Tiếp sau bài phát biểu của ông Hoàng Quang Hàm, đại biểu Leo Thị Lịch, đoàn Lạng Sơn nêu vấn đề, còn “nhiều bộ ngành không muốn dời xa các doanh nghiệp được coi là sân sau của mình. Đây phải chăng là biểu hiện của lợi ích nhóm hay là nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích khi mà một số cơ quan nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi” – bà Lịch nói.
Đại biểu Leo Thị Lịch, đoàn Lạng Sơn
|
Bên cạnh đó, bà Lịch còn chỉ ra một thực trạng “tài sản nhà nước mua vào thì luôn bị đánh giá cao lên, còn tài sản nhà nước bán ra luôn có xu hướng bị định giá thấp đi”. Bởi theo bà, nhiều giá trị vô hình của doanh nghiệp khi cổ phần hóa bị bỏ qua như: thương hiệu, lợi thế cạnh tranh, lợi thế độc quyền, giá trị đất đai ở một số vị trí đắc địa không được đánh giá đúng. Nhiều doanh nghiệp bị bán với giá bèo bọt. Từ đó, dẫn tới nguy cơ thất thoát giá trị tài sản nhà nước qua cổ phần hóa do việc định giá, giá trị doanh nghiệp thấp hơn giá trị thực tế.
Để khắc phục hạn chế này, bà Lịch cho rằng: “Không cách nào hay hơn là phải công khai minh bạch. Mọi việc mua bán tài sản Nhà nước nếu được công khai trên thị trường với giả định loại bỏ được các yếu tố lũng đoạn chi phối thì sẽ thể hiện được giá trị thực. Có như vậy, “mới không bị phát sinh lãng phí, tiêu cực thất thoát.”
"Việc định giá tài sản cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải được chấn chỉnh theo hướng này, bởi thực tế vừa qua một số cuộc thoái vốn DNNN theo nguyên tắc trên đã mang lại hiệu quả tích cực và được nhiều người dân ghi nhận” – vị đại biểu đoàn Lạng Sơn nói.
Theo báo cáo giám sát, tính đến cuối năm 2016 cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 273 doanh nghiệp cổ phần. Tổng tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% là hơn 3,05 triệu tỷ đồng (tăng 45,8%), trong đó vốn Nhà nước gần 1,4 triệu tỷ. Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng; có những tập đoàn tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) là 43,5%, Tập đoàn Cao su Việt Nam là 30,4%, Tổng công ty Mía đường là 29,9%... Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, quá trình quản lý vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty chưa triệt để tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính Nhà nước; quyền chủ sở hữu và chủ động kinh doanh của doanh nghiệp cũng chưa bóc tách rõ ràng; chưa có đầu mối chịu trách nhiệm chính việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước... "Ở một số doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản cao. Tại một số doanh nghiệp Nhà nước còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước, buộc phải xử lý cán bộ vi phạm mắc sai phạm", báo cáo nêu rõ. Số liệu từ báo cáo cũng cho thấy, tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp nhà nước cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ gần 1,3 triệu tỷ đồng lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng); hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%). |