Chúng tôi phiền bà trong một chiều giáp Tết, cách đây vài tuần, khi hay tin sức khỏe nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải diễn biến xấu. Với vai trò là thành viên tổ tư vấn (Ban Nghiên cứu) xuyên suốt hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, cùng vốn kiến thức sâu sắc về kinh tế, sự am tường đầy thực tiễn về môi trường kinh doanh, nguyên Phó Chủ tịch VCCI Phạm Chi Lan là một địa chỉ uy tín để tìm hiểu về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đặc biệt là về những đóng góp của ông cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Một Thủ tướng biết lắng nghe
“Tôi còn nhớ mãi hình ảnh ông, khi ông đến dự Lễ khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, trong năm đầu khởi xướng. Khi ấy, ông Khải đang là Phó Thủ tướng. Là lãnh đạo cao cấp nhất hiện diện tại buổi lễ, nhưng ông Khải đến thăm hội chợ không phải như tác phong của nhiều quan chức. Không phải là đọc một bài diễn văn thật hay, hoan hô cho đủ thủ tục rồi ra về. Sau lễ khai mạc rất ngắn, ông Khải đi thăm các gian hàng, quan sát kỹ các sản phẩm, hỏi han các doanh nghiệp, rồi ông kéo các doanh nhân vào một gian phòng ở triển lãm Giảng Võ. Gian phòng cũ, nhỏ, mà bàn ghế tồi tàn lắm. Nó còn nhỏ hơn cả cái phòng này”, bà Lan buông chén trà, khoát tay quanh nơi chúng tôi đang ngồi.
Người phụ nữ nhỏ nhắn và minh triết kể tên từng người có mặt trong gian phòng hôm ấy. Họ - những tên tuổi lừng lẫy trên thương trường Việt bây giờ, nhưng ngày ấy, mới chỉ là những người bắt đầu khởi nghiệp, chẳng ai biết tên. “Ông Khải ngồi giữa, chung quanh là anh Vũ “Trung Nguyên” - Vũ hồi đó còn trẻ măng, mới làm doanh nghiệp được khoảng một năm trời; Rồi anh Thắng “Đồng Tâm”, anh Nguyên “Kinh Đô”, anh Gia Thọ “Bút Thiên Long”, anh Dậu “Giấy Vĩnh Tiến”,… Tất cả ngồi quây quần thế, nói chuyện tự nhiên, thân tình lắm lắm. Ông Khải hỏi các anh khởi sự thế nào, làm ăn ra sao, còn cần cái gì nữa. Mấy anh đó bộc bạch rất thoải mái vui vẻ. Cuộc gặp cực kỳ đơn giản, chẳng có báo chí gì cả. Chỉ có tôi – lúc đó còn làm VCCI, với chị Kim Hạnh – bên ban tổ chức hội chợ - tháp tùng”.
“Ông Khải chia sẻ, lắng nghe rất gần gũi, thân tình. Mà các anh ấy, hồi đó mới lập nghiệp, chứ chưa thành “đại gia” như bây giờ đâu”, bà nhấn mạnh. Rồi nói thêm: “Một số vị quan chức sau này cũng thân với doanh nghiệp, nhưng có vẻ họ thường gần với các “đại gia”, mà ít quan tâm hơn với các doanh nghiệp khởi sự”.
Là một chính khách trưởng thành từ Ủy ban Kế hoạch Tp.HCM, rồi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Khải có nhiều cơ hội tiếp xúc và có sự thấu hiểu đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cũng như các vấn đề kinh doanh. Sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp - doanh nhân và môi trường kinh doanh chính là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của vị tân Thủ tướng.
Bà Lan kể rằng, ngay sau khi lên làm Thủ tướng (năm 1997), ông Phan Văn Khải đã nói với tổ tư vấn là có 3 nhóm đối tượng ông muốn gặp và làm việc ngay từ đầu.
Một là gặp gỡ các doanh nghiệp để trao đổi về môi trường kinh doanh; Hai là gặp gỡ nông dân, bởi ông Khải rất quan tâm đến số phận nông dân; Ba là trao đổi với đội ngũ trí thức, những người làm khoa học công nghệ.
Thực tế cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đã được tổ chức ngay sau đó, là cuộc đối thoại đầu tiên của ông Khải sau khi lên nắm quyền. Tinh thần của cuộc gặp cũng được vị Thủ tướng tuyên bố rõ: Đây là cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với doanh nghiệp. Doanh nghiệp đến để đối thoại, trao đổi với Thủ tướng, chứ không phải đến nghe chỉ thị này nọ.
Tại cuộc đối thoại chưa có tiền lệ này, “lần đầu tiên gặp Thủ tướng mà có doanh nghiệp khóc” – bà Lan nhớ lại. Họ khóc vì những bức xúc, tủi khổ bị đè nén bao năm. Và cũng khóc vì được nói, được lắng nghe, được chia sẻ, giải quyết – bởi chính người đứng đầu Chính phủ.
Những cuộc đối thoại như vậy đã được Thủ tướng Khải duy trì suốt 9 năm tại nhiệm. Nó cũng giống như cuộc gặp đơn sơ mà thân tình năm nào tại căn phòng nhỏ ở triển lãm Giảng Võ, từ khi ông còn là một Phó Thủ tướng. Một con người gần gũi và biết lắng nghe!
Một Thủ tướng biết tiếp nối
“Tôi nghĩ Thủ tướng Phan Văn Khải là một người đàn em của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt” – bà Phạm Chi Lan dùng từ “đàn em” với nghĩa tôn trọng nhất, trên tư cách là thành viên tổ tư vấn của cả hai đời Thủ tướng.
Vị nữ chuyên gia thừa nhận bà đặc biệt ấn tượng với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và không giấu diếm nhận định rằng đây là người đứng đầu Chính phủ mà bà cho là xuất chúng nhất, từ sau đổi mới. Và bà Lan cũng cho rằng, ông Kiệt đã có một người kế nhiệm xứng đáng và xuất sắc. Đó là Thủ tướng Phan Văn Khải.
“Ông Khải đã có một thời gian tương đối dài làm Phó cho ông Kiệt. Người Phó này thực sự đã rất cố gắng tiếp nối, có tư duy, có cách tiếp cận khá gần gũi với người Trưởng. Thành ra khi ông Khải trở thành Thủ tướng kế tiếp ông Kiệt cũng đã theo được những định hướng lớn, ý tưởng lớn, tư duy lớn của ông Kiệt về phát triển kinh tế thị trường, phát triển khu vực tư nhân. Ông Khải theo được cái luồng chung, mà cái đó là cái rất quý. Chứ còn nếu như người kế tục sau không theo được, hay có đường hướng ngược với người đi trước thì rất khó”, bà Lan đánh giá.
Càng đáng ghi nhận hơn khi Thủ tướng Phan Văn Khải đã bắt đầu nhiệm kỳ của mình cùng lúc nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á. Trước các thách thức lớn từ quốc tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn kiểm soát và kiềm chế tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bội chi ngân sách và quy mô nợ công cũng luôn trong mức kiểm soát. Thực tế ghi nhận, trong suốt nhiệm kỳ của ông Khải, tỷ lệ nợ công luôn đạt dưới 50% GDP, tốc độ tăng của nợ công cũng rất hạn chế.
Tư duy điều hành mang tính nền tảng, về lâu về dài của Thủ tướng Phan Văn Khải được thể hiện ngay trong những yêu cầu của ông đối với Tổ tư vấn. “Ông luôn chỉ đạo, yêu cầu Ban Nghiên cứu chú trọng đến những khuyến nghị về giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà tăng trưởng về dài hạn, chứ không phải là tăng tốc ngắn hạn”, bà Lan nhớ lại.
“Nền tảng khi ông Khải ra khỏi chính trường, ông đã để lại một nền tảng rất tốt cho Thủ tướng sau. Đó là cái điều mà tôi đã nói, là người kế tục sau phải cố gắng kế thừa được cái tốt của người trước để lại. Nhưng đến nhiệm kỳ sau thì phải nói là cách tiếp cận đã khác đi. Người kế nhiệm có một khát vọng rất lớn, mong muốn có một kết quả tăng trưởng cao hơn, vượt trội người tiền nhiệm, thậm chí là hoàn thành kế hoạch 5 năm trong vòng 3 năm”, giọng vị nữ chuyên gia hơi chùng xuống.
Nhấp một ngụm trà, bà vươn tay xoay lại chậu lan, rồi nói về mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước – những “quả đấm thép”… “Đáng nhẽ các Thủ tướng sau nên theo tư tưởng từ thời cải cách, thời ông Kiệt, là cải cách DNNN, giảm dần vai trò của nhà nước trong đầu tư kinh doanh, tăng vai trò của khu vực tư nhân; Giảm dần nguồn lực dồn quá nhiều cho doanh nghiệp nhà nước, để cho khu vực tư nhân; Giảm dần động lực tăng trưởng từ vốn, lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên mà tạo tăng trưởng bằng năng suất lao động, bằng những nhân tố tổng hợp, năng suất tổng hợp”, vị nữ chuyên gia lại nhấp thêm ngụm trà nữa.
Nét mặt bà giãn hơn khi câu chuyện được kéo về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. “Điều mà tôi đánh giá cao ông Khải là ông rất thấu hiểu đường hướng cải cách của ông Kiệt. Ông thấy là đúng và ông cố gắng làm theo. Những gì mà ông Kiệt chưa kịp làm hết thì ông Khải đã cố gắng làm tốt hơn”.
Tiếng chuông điện thoại cắt ngang câu chuyện. Cuộc đàm thoại ngắn khiến gương mặt vị nữ chuyên gia tươi trở lại. Thông báo từ một đồng sự trong Ban Nghiên cứu của Thủ tướng năm nào cho biết, sức khỏe nguyên Thủ tướng Khải đã khá hơn, nếu tình hình tiến triển tốt, ông có thể về nước ăn Tết Mậu Tuất.
Kỳ 2: Món quà Tết của Thủ tướng