Trong lần chào bán này (ngày 9/3/2018), SCIC đăng ký bán 24.159.906 cổ phần tương ứng 29,51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của BMP.
Theo quy định, NĐT tham gia sẽ được đăng ký mua tối thiểu 20.000 cổ phần và tối đa là toàn bộ số cổ phần SCIC mang ra đấu giá.
Giá đặt mua phải đảm bảo không thấp hơn giá khởi điểm và giá sàn của cổ phiếu BMP tại ngày 9/3/2018 (tức ngày tổ chức chào bán cạnh tranh). Hiện tại, thị giá BMP (ngày 28/2/2018) đang giao dịch là 94.100đ/cp (tăng 2.100đ/cp so với phiên ngày hôm qua).
Nếu giá sàn tại ngày 9/3/3018 cao hơn giá khởi điểm và không phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư thì NĐT vẫn có quyền lựa chọn hủy đăng ký tham dự trước lúc hết thời hạn đăng ký là 16h ngày 8/3/2018.
Bên cạnh NTP, dự kiến trong năm 2018, SCIC sẽ tiến hành thoái vốn tại 181 DNNN trong đó có nhiều cái tên đáng chú ý như: Tập đoàn Cao su Việt Nam, Habeco, Vinamilk. Ngay trong quý I/2018, đơn vị này sẽ thoái vốn nhà nước tại 3 DN lớn thuộc PVN, bao gồm: Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil).
Sau những thương vụ thoái vốn thành công năm 2017, năm 2018 kỳ vọng sẽ là giai đoạn cao điểm trong việc CPH và thoái vốn. Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết, trong năm 2018, SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn tại các DNNN theo quyết định số 1001/QĐ-TTG của Thủ tướng về Phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại DN của SCIC đến 2020. Lãnh đạo SCIC cũng đề xuất các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để có thể sử dụng một các linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động thoái vốn nhà nước.
Trong khi đó, Chủ tịch UBCK NN, ông Trần Văn Dũng cũng đánh giá giai đoạn này là thời điểm tốt nhất để đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước bởi hiện nay dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán còn rất nhiều tiềm năng.