Nhiều bệnh nhân nặng được Bệnh viện Việt Đức cấp cứu từ khi bão Yagi càn quét

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bão Yagi càn quét các tỉnh phía Bắc cũng là lúc lượng bệnh nhân cấp cứu do chấn thương từ các vùng bão lũ chuyển về Bệnh viện Việt Đức tăng cao.

Trao đổi với VietTimes, TS. Quách Văn Kiên - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Bệnh viện Việt Đức, người trực cấp cứu tại Bệnh viện - cho biết chỉ trong 2 ngày đầu xảy ra bão, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 100 ca cấp cứu, trong đó hơn 50% là chấn thương nặng. Hầu hết các nạn nhân bị chấn thương sọ não, chấn thương đốt sống cổ, đa chấn thương, chấn thương tay chân… do tai nạn từ bão Yagi.

Như bệnh nhân Vi Văn T. (Sơn La), anh đang đi xe máy trên đường thì bị đá lở rơi vào chân. Được đưa vào cấp cứu ở tuyến dưới, nhưng do chấn thương nặng nên phải chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.

Một trường hợp khác là ông Nguyễn Văn C. (Bắc Giang) bị ngã khi hỗ trợ cụ già hàng xóm lợp lại mái nhà bị tốc sau bão Yagi. Bệnh nhân không may ngã từ trên cao xuống đất, chấn thương, vỡ đại tràng, tiên lượng nguy kịch.

Còn anh Trịnh Đình H. (Bắc Ninh) khi chặt cành, thu dọn cây cối sau bão, đã bị ngã từ trên cây xuống, chấn thương nặng.

Ngoài ra, tại bệnh viện Việt Đức còn có nhiều bệnh nhân bị cây đổ, hay bị tường và kính vỡ đổ vào người, gây chấn thương sọ não. Nhiều người khác bị tai nạn giao thông khi đang trên đường “vượt bão về nhà”.

9.9 anh vd.jpg
Ông Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - kiểm tra hoạt động cấp cứu người bệnh trong những ngày bão lũ

Ngày đầu tiên bão đổ bộ vào đất liền, hầu như các bệnh nhân đều ở Hà Nội, nhưng đến ngày thứ 2 trở đi là bệnh nhân chuyển về từ các tỉnh. Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng quá tải, nhưng do khó khăn về giao thông nên chỉ những ca rất nặng mới chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Khi các tỉnh phía Bắc tiếp tục bị ngập lụt thì số bệnh nhân từ các tỉnh tiếp tục chuyển về càng đông.

“Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị đón tiếp bệnh nhân do bão Yagi chu đáo, nên công tác cấp cứu, điều trị của Bệnh viện đều đảm bảo kịp thời, giúp bệnh nhân tránh khỏi nguy cơ tổn thương thêm, giảm thiểu rủi ro tử vong hoặc các di chứng nặng nề do thiên tai” - TS. Quách Văn Kiên cho hay.

VT_Kiên.JPG
TS. Quách Văn Kiên - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Bệnh viện Việt Đức - kiểm tra sức khoẻ người bệnh

Khi có thông tin về siêu bão Yagi, Bệnh viện Việt Đức đã chủ động lên kế hoạch phòng, chống bão chi tiết, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Các khoa, phòng trong Bệnh viện phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, gia cố các khu vực trọng yếu như khu vực phòng khám cấp cứu, khoa hồi sức tích cực, phòng mổ, các tầng hầm và các kho lưu trữ thuốc, trang thiết bị y tế…

Hệ thống điện, cấp, thoát nước được kiểm tra chặt chẽ để không xảy ra gián đoạn trong quá trình điều trị bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân cấp cứu, không chập cháy trong quá trình cơn bão đi qua, tránh ngập úng.

Do khu vực cấp cứu nằm dưới hầm, ở vị trí thấp hơn so với mặt đường, Bệnh viện đã làm lại toàn bộ hệ thống thoát nước, sử dụng đường ống lớn 600 mm, chôn sâu gần 2m đi ngầm xung quanh tòa nhà, không để ngập nước cản trở công tác cấp cứu.

VT_cap c ưu\.JPG
Các ca cấp cứu do bão lũ tiếp tục được đưa từ tuyến dưới lên Bệnh viện Việt Đức

Các tòa nhà có mái tôn đã được gia cố chặt chẽ, cây cối được cắt tỉa đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và người nhà họ trong bão tố. Một đội công tác được thành lập để kịp thời đánh giá và xử lý nhanh chóng các tổn hại do bão quét, nhằm chủ động tiếp đón, điều trị người bệnh trong mọi tình huống.

Đặc biệt, công tác chuyên môn được lãnh đạo Bệnh viện chú trọng, bố trí các tua trực 24/24 bao gồm đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên và nhân viên y tế với phân công nhiệm vụ cụ thể, thu dung cấp cứu nạn nhân do mưa, bão gây ra, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh, đảm bảo sẵn sàng xử lý bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.

Bệnh viện Việt Đức còn thành lập Ban điều hành do Giám đốc Bệnh viện Dương Đức Hùng làm Trưởng ban, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, xử lý các ca khó tại Bệnh viện, cùng 8 tổ y tế lưu động là các bác sỹ, điều dưỡng có kinh nghiệm, sẵn sàng lên đường hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới trong cấp cứu, vận chuyển người bệnh… trong mưa bão.

458924864_924341666397864_6344699296928354694_n.jpg
Khoa cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức ngày bão lũ luôn tất bật

Các bác sĩ chỉ đạo tuyến thường trực để hỗ trợ tư vấn, hội chẩn cho các bác sĩ tuyến dưới, nên khi có bệnh nhân rơi xuống sông trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), chỉ một tiếng sau, hoạt động hội chẩn từ Bệnh viện Việt Đức với Trung tâm Y tế huyện Tam Nông đã diễn ra, hỗ trợ tối đa cho công tác điều trị các nạn nhân, mà không phải chuyển tuyến.

“Các biện pháp này nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bệnh và duy trì hoạt động y tế trong mọi điều kiện, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra” - ông Dương Đức Hùng cho biết.

Mặc dù số bệnh nhân chấn thương từ vùng bão lũ ngày càng đông, nhưng do chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, nên hoạt động cấp cứu của Bệnh viện duy trì rất tốt.

VT_ tiep don.JPG
Đón bệnh nhân chấn thương từ tuyến dưới chuyển lên vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức

Ông Nguyễn Văn Đáp, một cựu chiến binh, bị tai nạn khi hỗ trợ hàng xóm gia cố mái nhà, đã được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Việt Đức.

Chiều 10/9, ông đã hồi phục sức khoẻ sau ca phẫu thuật thành công. Đây là bệnh nhân đầu tiên của bão Yagi hồi phục sớm.

VT_BN .jpg
Ông Nguyễn Văn Đáp đã dần hồi phục sức khoẻ sau khi được cấp cứu kịp thời