Là bệnh viện đa khoa tuyến cuối, xác định luôn phải tiếp nhận các bệnh nhân nặng từ các tuyến gửi lên, đặc biệt là có thể phải tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân chấn thương từ các vùng bão lũ chuyển đến, Bệnh viện Bạch Mai đã lên với kế hoạch ứng trực trong bão với tinh thần bệnh nhân nào cũng được cứu chữa.
Tối 7/9, trong khi cả nước dõi theo đường đi của siêu bão Yagi với những lo lắng bộn bề vì hậu quả thảm khốc, thì ở Bệnh viện Bạch Mai, các thầy thuốc vẫn bám trụ ở tất cả các khoa, để bệnh nhân được chăm sóc tốt nhất trong mọi tình huống.
Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cùng toàn bộ lãnh đạo Bệnh viện đến từng khoa, kiểm tra công tác phòng, chống bão, rà soát việc chuẩn bị thuốc men, vật tư hóa chất, cùng với các phương tiện thiết yếu sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân, kể cả trong trường hợp có đông người bị thương được chuyển đến từ các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão.
Ngoài lực lượng trực cấp cứu 24/24h để bệnh nhân được đưa đến bất cứ lúc nào cũng được cứu chữa, Bệnh viện bố trí các đội cấp cứu cơ động trang bị đầy đủ thuốc men, phương tiện, sẵn sàng lên đường hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.
Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện gồm các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực cũng sẵn sàng hội chẩn từ xa, hỗ trợ cho đồng nghiệp ở các tỉnh chịu ảnh hưởng của siêu bão, để cấp cứu người bệnh hiệu quả nhất.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Chúng tôi cũng sẵn sàng các phương án sơ tán người bệnh, cán bộ y tế cùng tài sản đến nơi an toàn trong tình huống khẩn cấp, đồng thời, chuẩn bị chu đáo kế hoạch cách ly và phòng, chống dịch bệnh, với mục tiêu đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người bệnh và an toàn cho cán bộ y tế".
Trước ngày bão đến, các siêu thị, chợ ở Hà Nội đã gần như bị “vét” sạch hàng hoá do người dân mua tích trữ phòng bão lũ, nhưng Bệnh viện vẫn tìm mọi nguồn hàng để cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống… cho người bệnh.
Riêng trong ngày mưa bão 7/9, Bệnh viện Bạch Mai đã cung cấp khoảng 5.000 suất ăn đến tận giường cho người bệnh và người nhà họ, để đảm bảo dinh dưỡng trong điều trị cũng như an toàn thực phẩm trong thời điểm mưa bão.
Để tiếp đón bệnh nhân trong tình huống có đông người cấp cứu, Đội thanh niên xung kích của Bệnh viện được thành lập với vài chục tình nguyện viên ở các khoa và các em sinh viên trường Cao đẳng Y Bạch Mai luôn trực sẵn tại Bệnh viện.
Mặc dù sẵn sàng cho các phương án chống bão, nhưng hoạt động khám và điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn được duy trì nhằm đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc đầy đủ.
Theo PGS.TS. Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - để an toàn cho người dân, Bệnh viện tạm dừng khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong ngày 7 và 8/9, nhưng các khoa, phòng của Bệnh viện vẫn đảm bảo các bác sĩ trực, điều trị cho bệnh nhân.
Tại Trung tâm Cấp cứu A9, các thầy thuốc có mặt đầy đủ để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu từ các nơi chuyển đến. Các bác sĩ của Trung tâm Gây mê Hồi sức cũng tất bật với những bệnh nhân nặng. Dường như họ không có thời gian để lo cho gia đình trước siêu bão, khi những người bệnh trong lằn ranh sinh tử ở đây rất cần họ.
“Mặc dù mưa bão, số lượng bệnh nhân phẫu thuật cấp cứu được chuyển đến Trung tâm Gây mê Hồi sức ngày 7/9 vẫn rất đông. Các bác sĩ liên tục phải chạy đua với thời gian để giành sự sống cho người bệnh. Có bệnh nhân bị shock mất máu nặng, các bác sĩ đã phải ép tim và mổ ngay trên cáng. Có sản phụ chỉ định phẫu thuật phải hội chẩn nhiều chuyên khoa để phối hợp cấp cứu bệnh nhân. Giữa giông bão, những em bé vẫn chào đời an toàn ở nơi này” - ông Giáp thông tin.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu