Devon, một kỹ sư phần mềm của Google ở độ tuổi 20, chia sẻ với Fortune rằng anh làm việc cho gã khổng lồ công nghệ khoảng một giờ mỗi ngày với mức lương 150.000 USD. Anh thường ra khỏi giường vào khoảng 9 giờ sáng, tắm rửa và nấu bữa sáng, sau đó làm việc cho Google đến 11 giờ sáng hoặc trưa. Thời gian còn lại trong ngày, Devon làm việc cho công ty khởi nghiệp của mình, theo Fortune .
Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng Devon có mánh khóe để khiến quản lý nghĩ anh đang bận rộn. Một trong những cách hữu hiệu là chuẩn bị sẵn những đoạn code cho các "dự án quan trọng", khi cần anh sẽ gửi cho sếp và tiếp tục công việc riêng. Devon nói thực tế mình cũng chỉ là một trong hàng nghìn kỹ sư công nghệ đang được trả tiền để không phải làm gì cả.
Devon không đơn độc trong thói quen làm việc của mình. Jason, 22 tuổi, trước đây đã nói với Insider rằng anh đã làm hai công việc kỹ thuật phần mềm từ xa toàn thời gian không quá 30 giờ một tuần để tăng thu nhập.
Jason nói: “Tôi cảm thấy khối lượng công việc của là đủ thấp và tôi biết rằng nếu bị quá tải thì tôi có thể bỏ một trong các công việc đó”.
Các chuyên gia tranh luận tình trạng "giả vờ làm việc" trong ngành công nghệ
Những câu chuyện như thế này đã góp phần khơi dậy cuộc tranh luận về việc liệu nhân viên tại các công ty công nghệ như Google và Meta có đang được hưởng mức lương cao ngất chỉ để làm một khối lượng công việc ít ỏi không — xu hướng mà một số chuyên gia công nghệ gọi là "giả vờ làm việc".
Những gã khổng lồ công nghệ tiếp tục tuyển dụng dồi dào trong thời kỳ đại dịch để theo đuổi điều mà Keith Rabois, một nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon, gọi là “thước đo phù phiếm” về số lượng nhân viên, nơi các nhà tuyển dụng mở rộng lực lượng lao động của họ nhằm cố gắng đánh bóng mình giữa hàng nghìn doanh nghiệp.
Một số nhà phê bình cho rằng các công ty không có đủ công việc để khiến nhân viên mới của họ bận rộn. Được biết, Google và Meta đã sa thải hàng nghìn nhân viên vào đầu năm nay.
Thomas Siebel, CEO tỉ phú điều hành công ty AI C3.ai, nói với Forbes: “Họ thực sự không phải làm gì khi làm việc tại nhà”, ông nói về những nhân viên mới tại hai gã khổng lồ nói trên.
Cho dù tình trạng "giả vờ làm việc" xuất phát từ việc tuyển dụng quá nhiều hay là sản phẩm của sự quản lý kém, lịch trình làm việc của Devon cho thấy thái độ xung quanh công việc đã thay đổi như thế nào nhằm theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống , đặc biệt là ở những người lao động Gen Z.
"Hầu hết người chọn Google đều vì muốn cân bằng giữa công việc, cuộc sống và những phúc lợi được nhận", Devon nói. Anh cho rằng, nếu muốn tìm kiếm một công việc cường độ cao, lương gấp đôi so với Google, các lập trình viên có thể cân nhắc đến Apple. Đổi lại, họ phải làm việc 40 giờ một tuần, thay vì 5 giờ.
"Chẳng ai ở Google nghi ngờ tôi về việc làm dưới hai giờ một ngày. Điều này giúp tôi cân bằng cuộc sống, công việc và những kỳ nghỉ. Nếu muốn bận rộn hơn, tôi sẽ làm tại một startup thay vì tập đoàn lớn", Devon nói.
Theo Business Insider