Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại Hội thảo Việt Nam – Cộng hòa Séc về hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Bộ Công Thương Séc, Hiệp hội An ninh mạng Cộng hòa Séc và Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc tổ chức, vừa diễn ra chiều ngày 2/12/2016, tại Khách sạn Park Inn ở Praha 2, Cộng hòa Séc. Gần 100 doanh nhân Việt Nam và Cộng hòa Séc đã tham dự.
Về phía Việt Nam có đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dẫn đầu cùng các doanh nghiệp Việt Nam như VNPT, VNPT - Technology, Mobiphone, Viettel, FPT, báo điện tử Vietnamnet.
Về phía Cộng hòa Séc (Séc) tham dự hội thảo có ông Lukáš Kaucký - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Séc, ông Karel Novotný - Thứ trưởng Bộ Công Thương Séc, ông Zdeněk Zajíček - Chủ tịch Liên đoàn ICT CH Séc, ông Lukáš Pribyl - Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng Séc cùng các Công ty CH Séc như T-Soft, Pama, Novincom, Flowmon netwwork, Axenta…
Đại sứ Việt Nam Trương Mạnh Sơn trong phát biểu khai mạc Hội thảo cho biết: Đầu tư giữa hai nước còn quá khiêm tốn so với tiềm năng và hiện chưa có dự án nào về công nghệ truyền thông. Qua hội thảo hôm nay hy vọng sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp Séc thông tin về môi trường thương mại và đầu tư trong lĩnh vực thông tin và truyền thông của Việt Nam. Qua đó các doanh nghiệp 2 nước sẽ quyết định về hợp tác thương mại hoặc đầu tư vào Việt Nam và Séc. Đây sẽ là sự khởi đầu trong lĩnh vực thông tin và truyền thông giữa hai nước sẽ mang lại nhiều kết quả.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Việt Nam sẽ tạo điều kiện hành lang pháp lý và môi trường đầu tư tốt nhất. Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh vai trò công nghệ thông tin và truyền thông trong đời sống xã hội. Hiện Việt Nam có 131 triệu thuê bao điện thoại, tức 100 người dân Việt Nam có 140 điện thoại trong khi dân số Việt Nam là hơn 90 triệu người. 60-70% dân số thường xuyên truy cập internet và hơn 50 triệu người thường xuyên truy cập facebook, trong đó có trên 30 triệu người thường xuyên truy cập facebook trên điện thoại thông minh.
Các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin của Việt Nam phát triển rất mạnh như VNPT, Mobiphone hay Viettel… Hiện có nhiều doanh nghiệp IT lớn trên thế giới cũng có mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên hiện chưa có doanh nghiệp của Séc trong lĩnh vực này ở Việt Nam. Điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước hợp tác với nhau đã sẵn sàng. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có cả vốn, công nghệ và nhân lực.
Hy vọng sau hội thảo, doanh nghiệp 2 nước có thể đi đến các cam kết, ký kết biên bản ghi nhớ ban đầu. Hội thảo là sự kiện rất quan trọng, là ngưỡng cửa để cho doanh nghiệp 2 nước bắt tay với nhau. Việt Nam cũng như Séc cũng cần doanh nghiệp đặc biệt liên quan tới an toàn và an ninh mạng. Việt Nam hy vọng đón nhận các doanh nghiệp Séc tới Việt Nam và mong phía Séc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tới Séc. Ở Việt Nam hiện có 500 ngàn người làm việc trong ngành công nghệ thông tin và trong 5 năm tới phấn đấu có 1 triệu người, để ghi danh Việt Nam trong hàng ngũ các nước tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực này.
Ông Lukáš Kaucký - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Séc cho rằng mối quan hệ giữa hai nước là thân thiện và tốt đẹp. Hai nước có điều kiện để mối quan hệ phát triển sâu sắc hơn nữa và có lợi ích to lớn trong việc phát triển kinh tế ngoại giao giữa hai nước. Trong mối quan hệ giữa hai nước có tiềm năng lớn là cộng đồng hơn 60 ngàn người Việt ở Séc. Và quan hệ kinh tế thương mại sẽ thuận lợi hơn nếu giải quyết vấn đề visa. Séc vẫn có khó khăn để vấn đề visa trở nên tốt hơn. Séc sẽ nghiên cứu cấp thị thực cho công dân Việt Nam trong phiên họp thứ 2 tuần tới, để công dân Việt Nam dễ dàng nhận được thị thực và giấy phép lao động. Việc dễ dàng trong thị thực cũng nhằm đẩy mạnh du lịch tiềm năng lớn giữa hai nước, sẽ đưa ra thảo luận lại với các đối tác Việt Nam về thiết lập đường bay trực tiếp giữa 2 nước. Séc cũng đang nghiên cứu mở lãnh sự tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Séc Karel Novotný đánh giá tầm quan trọng của nền kinh tế số hóa và việc này cần sự tham gia của các công ty nhà nước và tư nhân nhằm tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả công việc. Đó là vấn đề tích hợp và kết nối. Trình độ của Séc ở châu Âu là trên mức trung bình. Séc có sự hỗ trợ của quỹ châu Âu và phát triển mạng tốc độ nhanh và rộng khắp. Cần quan tâm mạng di động thế hệ thứ 5 và xu hướng công nghệ. Séc nhắm tới mục tiêu số hóa nền kinh tế và thành lập trung tâm điều phối phát triển vấn đề này.
Sáng cùng ngày, Đoàn Bộ thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp Việt Nam đã làm việc với Bộ công thương cũng như Bộ văn hóa Séc.