Tại hội thảo “Ứng dụng CNTT nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh và chỉ đạo tuyến trong hệ thống các bệnh viện y học cổ truyền” tổ chức ngày 8/12, ông Phạm Xuân Viết, Phó Cục Trưởng Cục CNTT – Bộ Y tế cho biết, hiện các đơn vị trực thuộc như bệnh viện, Sở Y tế đều có các đơn vị, bộ phận chuyên trách về CNTT. Các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh trở lên đã có cán bộ chuyên trách về CNTT có trình độ từ cao đẳng trở lên.
Ông Phạm Xuân Viết nhận định, lĩnh vực công nghệ thông tin của ngành y tế đang có một thách thức lớn nhất đó là nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Những người đang thực hiện điều hành công nghệ thông tin trong y tế hiện chủ yếu chỉ hiểu về công nghệ thông tin chung chung chứ không chuyên sâu về công nghệ thông tin y tế. Đồng thời, việc đầu tư CNTT cho y tế còn thấp, dàn trải, chưa thật tập trung.
Mặc dù, trong báo cáo đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) Bộ Y tế xếp thứ 10/25 Bộ, ngành và cơ quan ngang Bộ nhưng nhân lực CNTT trong ngành Y tế là thách thức lớn nhất trong việc ứng dụng CNTT của Bộ Y tế. "Dù những năm gần đây nhân lực CNTT trong ngành Y tế đã được bổ sung nhưng vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng", ông Viết nói thêm.
Phát triển và ứng dụng CNTT trong ngành y tế là nhiệm vụ quan trọng góp phần giảm tải bệnh viện, trong đó điểm quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bệnh án điện tử và giải pháp y tế từ xa. Với thực trạng như vậy, đòi hỏi ngành y tế cần đổi mới và tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành.
“Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn tổng quát, có thiết kế tốt. Hầu như việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách tự phát, chưa có cái nhìn tổng thể để giải quyết được bài toán ứng dụng công nghệ thông tin trọn vẹn hơn,” vị Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin nhấn mạnh.