Sáng ngày 27/6, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam khóa VIII, do ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì đã tổ chức Hội nghị lần 9 tại TP Đà Nẵng.
Yêu cầu Chính phủ giải quyết hậu quả cá chết!
Tại Hội nghị, Đoàn Chủ tịch đã báo cáo tổng hợp ý kiến của nhân dân cả nước về tất cả mọi mặt. Theo đó, việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình, bố trí vũ khí, binh lính tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, từng bước thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực, gây lo lắng, bất bình trong nhân dân.
Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp đấu tranh đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền biển đảo của quốc gia, vừa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định; sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực; xây dựng và hiện đại hóa lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, nhất là ở một số vùng biển, đảo có vị trí chiến lược kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý tài nguyên và ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước. Vấn đề đe doạ trực tiếp sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người các thế hệ hiện tại và tương lai. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn. Tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, mất an toàn ở một số địa phương đã tác động nghiêm trọng đến môi trường sống, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; nạn chặt phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép còn diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nhân dân mong muốn Chính phủ có giải pháp tích cực, cụ thể giải quyết hậu quả sự việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung cả về trước mắt và lâu dài để bảo đảm cuộc sống, mưu sinh của người dân và sự phát triển của khu vực; "gấp rút chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp nghiêm túc kiểm tra, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, đảm bảo môi trường sống trong lành cho nhân dân. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất cũng như đề ra các biện pháp căn cơ, lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu", ông Nguyễn Thiện Nhân đề đạt.
Ngoài ra, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam, nhân dân cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác truyền thông, giáo dục an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường hoạt động quản lý, chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương trên toàn quốc; tăng cường nhân lực và nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý, thanh kiểm tra, kiểm nghiệm vệ sinh thực phẩm. Giáo dục đạo đức, lương tâm nghề nghiệp của đội ngũ chuyên trách; thực hiện nghiêm ngặt việc thanh tra, kiểm tra, xét nghiệm an toàn thực phẩm tại các cửa khẩu, ở các cơ sở nhà hàng, cửa hàng ăn uống; thiết lập và phổ biến rộng rãi trong nhân dân về đường dây nóng chuyên phản hồi về các sai phạm liên quan đến an toàn thực phẩm; xử lý thật nghiêm minh với tất cả các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
5 vấn đề tâm huyết!
Trước những ý kiến của nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục chỉ đạo việc đưa nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống; Quốc hội khóa XIV bầu, phê duyệt các chức danh lãnh đạo nhà nước cao nhất, các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhằm giải quyết triệt để các tồn tại, góp phần quan trọng trong xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân do nhân dân, vì nhân dân;
Trước những diễn biến phức tạp về tình hình Biển Đông, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế; xây dựng và hiện đại hóa lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; tiếp tục đối thoại tìm các giải pháp hòa bình, tham gia xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo; thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên biển, nhất là ở một số vùng biển, đảo có vị trí chiến lược kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển...
Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành hữu quan và chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác truyền thông, giáo dục an toàn thực phẩm; tăng cường hoạt động quản lý, chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương trên toàn quốc; tăng cường nhân lực và nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý, thanh kiểm tra, kiểm nghiệm vệ sinh thực phẩm; thực hiện nghiêm ngặt việc thanh tra, kiểm tra, xét nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cửa khẩu, ở các cơ sở nhà hàng, cửa hàng ăn uống; thiết lập và phổ biến rộng rãi trong nhân dân về đường dây nóng chuyên phản hồi về các sai phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý thật nghiêm minh với tất cả các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm.