Nhận định trên được anh Trần Trung Hiếu, Giám đốc điều hành đồng thời là nhà sáng lập của TopCV Việt Nam cho biết tại tọa đàm "Đọc vị nhà tuyển dụng" diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi “nhà tuyển dụng cần gì ở một bạn ứng viên, hay rõ hơn là một sinh viên mới ra trường?”, anh Nguyễn Đức Hải, Giám đốc đào tạo Học viện VietFounder cho biết, hoàn hảo nhất là một ứng viên có thể bắt tay vào làm việc được ngay. Nhưng những người như vậy rất ít, và họ thường có sự chuẩn bị hoàn hảo từ thời sinh viên: tìm hiểu về công việc, đi làm thêm,…
Vì vậy, anh Hải cho biết ,nhà tuyển dụng sẽ nhìn về tiềm năng của các ứng viên. Tiềm năng ở đây bao gồm sự đam mê công việc, tố chất ứng viên và có phù hợp với công việc hay không, các mặt ưu nhược trong tính cách ứng viên…
“Tương lai, trong 1 đến 2 tháng, các bạn sẽ phải bắt nhịp được với công việc, đấy là điều nhà tuyển dụng mong muốn nhất”, anh Hải kết luận.
Còn anh Trần Anh Tú, Giám đốc điều hành Tổ hợp Tư vấn Tiếp thị Truyền thông Interstellar nhận định, nhà tuyển dụng nhìn nhận ứng viên ở 2 điểm. Thứ nhất là thái độ cầu thị của ứng viên và thứ hai là mức độ hòa đồng với văn hóa nơi tuyển dụng.
Về thái độ, anh Tú lấy ví dụ, các bạn sinh viên thuộc các trường top đầu thường có sự am hiểu nhất định về công việc, thương đặt những yêu cầu về đãi ngộ quá cao so với một ứng viên mới vào làm việc.
Về văn hóa nơi tuyển dụng, chính là sự hòa nhập của các ứng viên với cơ quan, hay rõ hơn là sự hòa đồng, giao tiếp với nhau trong cơ quan, bao gồm cả tính cách mỗi cá nhân. “Không phải cứ năng lực tốt là phù hợp với công ty”, anh Tú kết luận.
Bà Nguyễn Cẩm Chi, người sáng lập, Giám đốc của Công ty TNHH Đào tạo và Tư vấn Unity Academy cho biết thêm, riêng với nghề kế toán kiểm toán, với đặc thù của mình, sẽ yêu cầu các bạn ứng viên phải có tìm hiểu về công ty của mình, “như trong tình yêu hai bên phải tìm hiểu nhau”, bà Chi ví von.
Hay rõ hơn, bà Chi đưa ra lời khuyên, các bạn ứng viên nên tránh trường hợp nộp CV tràn lan nhưng không tìm hiểu về vị trí mình muốn làm việc cũng như công ty mình nộp đơn xin việc.
Thứ nữa, các bạn phải tìm hiểu về nghề, nghĩa là phải tìm hiểu rõ mình sẽ làm gì trong công ty, “như nghề kế toán kiểm toán đâu chỉ là làm mỗi kế toán và kiểm toán, mà còn làm được nhiều việc khác”, bà Chi cho biết.
Thứ ba là thái độ công việc, đam mê cống hiến cho công ty, muốn nhìn công ty lớn lên. Các bạn phải đặt câu hỏi sau 5, 10 năm nữa, các bạn đã đóng góp gì được cho công ty?
“Tốt nhất, các bạn hãy so sánh tuyển dụng cũng như tìm người yêu”, bà Chi ví von.
Anh Nguyễn Thạc Thắng, Giám đốc chi nhánh tại Hà Nội của công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự First Alliances, với đặc trưng "săn người", tuyển dụng những nhân sự cấp cao cho các công ty lại cho biết, vấn đề về nhân sự, nhân tài đang là vấn đề được các nhà lãnh đạo công ty quan tâm nhất hiện nay.
Thông thường, sinh viên Việt Nam thường đầu tư vào điểm số và bằng cấp và thực tế là sinh viên có điểm số và bằng cấp rất tốt. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng sẽ mong muốn các ứng viên có những trải nghiệm thực tế hơn, như tham gia các câu lạc bộ, các công việc bán thời gian hay các hoạt động bên ngoài khác.
“Các nhà tuyển dụng không chỉ muốn một người chỉ thuần về học thuật, mà họ cần một nhân sự có thể học hỏi được, thích ứng được và cầu tiến trong công ty”, anh Thắng cho biết.
Tất nhiên, tùy vào đặc thù nghề nghiệp mà các nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn nhân sự năng động với điểm số trung bình hay lựa chọn nhân sự thuần về học thuật với bằng cấp và bảng điểm tốt.
Điển hình, với đặc thù ngành maketing, truyền thông tiếp thị, anh Trần Anh Tú sẽ thường lựa chọn ứng viên năng động. Lý do rất đơn giản, các bạn ứng viên học tốt thường sẽ phải đi trên lối mòn được nhà trường định hướng sẵn, như vậy rất khó để yêu cầu các ứng viên này có được sự sáng tạo nhiều như các ứng viên năng động.
Tuy nhiên, anh Tú cũng cho biết thêm, với các bạn sinh viên có điểm số tốt, nghĩa là các bạn có được nền tảng tốt và đấy là động cơ để cấc bạn bứt phá.
Còn bà Chi, trong nghề kế toán kiểm toán, bà sẽ lựa chọn một sinh viên điểm cao. Đơn giản vì đặc thù nghề nghiệp yêu cầu học thuật cao và khả năng chịu áp lực làm việc trong nghề.
“Như vậy, các bạn nên cân bằng tất cả các kỹ năng. Muốn làm được điều đó, các bạn tốt nhất hãy học tốt ở trên trường, trước khi tham gia các hoạt động xã hội” bà Chi đưa ra lời khuyên.