Băng tần các thế hệ mạng di động của các nhà mạng viễn thông Hàn Quốc sắp hết hạn vào năm tới. Lúc này, Bộ Khoa học & CNTT-TT Hàn Quốc và 3 nhà mạng lớn nước này đang tranh luận khá gay gắt về mức giá phân bổ lại băng tần, theo hãng tin Yonhap ghi nhận.
Bộ Khoa học & CNTT-TT Hàn Quốc và 3 nhà mạng lớn nước này đang tranh luận khá gay gắt về mức giá phân bổ lại băng tần, với cả điều kiện đi kèm về số lượng trạm gốc 5G. |
Chính phủ Hàn Quốc cho biết, họ muốn thu được ít nhất 3,2 nghìn tỷ won (2,88 tỷ USD) từ các nhà mạng, gồm SK Telecom, KT và LG Uplus, cho băng tần mạng 2G, 3G, 4G trong đợt phân bổ lại năm tới. Mức phí này gần gấp đôi đề xuất của các nhà mạng, vào khoảng 1,65 nghìn tỷ won (1,5 tỷ USD).
Mức giá trên thực ra còn đi kèm điều kiện, đó là nhà mạng cần có trên 150.000 trạm gốc 5G vào cuối năm 2022. Nếu không đạt yêu cầu, mức giá phân bổ lại có thể lên tới 3,9 nghìn tỷ won (3,51 tỷ USD).
Bộ Khoa học & CNTT-TT Hàn Quốc giải thích: “Sau khi mạng 5G ra mắt, doanh số bán hàng 4G LTE đã giảm, dẫn đến nhu cầu về băng tần 4G LTE ít hơn. Vì thế, cần có mức giá kèm điều kiện dựa trên quy mô lắp đặt mạng 5G".
Thông báo của cơ quan quản lý Hàn Quốc đã gây ra phản ứng dữ dội. Các nhà mạng nước này cho rằng, mức giá của chính phủ là quá đắt và không thực tế, nhất là nếu xét đến số lượng trạm gốc 5G hiện tại.
Tính đến tháng 8, mỗi nhà mạng mới lắp đặt khoảng 40.000 đến 50.000 trạm gốc 5G sau 2 năm qua. Với tốc độ lắp đặt tương tự, các nhà mạng này chỉ có thể xong khoảng 100.000 trạm gốc vào năm 2022.
Thậm chí, các nhà mạng được cho là đang cân nhắc đấu tranh pháp lý với mức giá đề nghị của chính phủ. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích dự báo, các nhà mạng vẫn sẽ sẵn sàng chi mạnh cho băng tần.
Nếu đúng như kế hoạch, chính phủ Hàn Quốc sẽ chốt giá băng tần vào cuối tháng này, để bắt đầu nhận đơn xin phân bổ lại vào tháng sau.
Theo Vietnamnet