Nhà làm phim nước ngoài cuối cùng gặp Tướng Giáp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  "Phim Điện Biên Phủ mà thiếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như bức tranh vẽ rồng mà thiếu mắt", Matsumoto Takeaki, đạo diễn bộ phim tài liệu về Điện Biên Phủ nhận xét.  
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn hãng tin NDN năm 2004. Copyright NDN.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn hãng tin NDN năm 2004. Copyright NDN.

Matsumoto Takeaki là đạo diễn nổi tiếng của Nhật về đề tài chiến tranh. Nhất là từ đầu những năm 1990, khi ông làm những bộ phim tài liệu về cuộc xâm lăng của quân đội Nhật xuống các nước châu Á, trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

"Điện Biên Phủ - cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới"

Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, Matsumoto làm một bộ phim nhan đề "Điện Biên Phủ - cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới", dài 90 phút, với vai trò dẫn truyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã gây tiếng vang lớn. Bộ phim được phát trên Đài Truyền hình NHK vào tháng 7/2004, và sau đó được phát 2 lần nữa trên NHK Worldwide.

Sau khi nhận được băng của Hãng Sản xuất Chương trình Truyền hình Nihon Denda News (gọi tắt là NDN), hãng đứng tên sản xuất bộ phim trong hợp đồng bán lại cho NHK phát sóng, gửi tặng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét, thông qua thư ký Trịnh Nguyên Huân, với NDN rằng: "Đây là bộ phim tài liệu hay nhất, trung thực nhất, công bằng nhất và khách quan nhất về Điện Biên Phủ, với cái nhìn của các nhân chứng lịch sử cả từ hai phía".

Đạo diễn Matsumoto đã cùng các cộng sự sang tận Pháp, tìm gặp các nhân chứng phía Pháp để hỏi về phản ứng của họ. Ví dụ, khi quân đội Việt Nam tổng tấn công từ các chiến hào, được đào dày đặc quanh Điện Biên Phủ.

"Không ai nhìn thấy pháo, và cũng không đoán được chúng nằm ở đâu. Một sĩ quan pháo binh của chúng tôi đã hốt hoảng tự sát. Thật quá kinh ngạc", cựu trung tá Bizon, chỉ huy binh đoàn dù của Pháp ở Điện Biên Phủ, hồi tưởng.

Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với đạo diễn Matsumoto rằng kinh nghệm đào giao thông hào là Việt Nam học từ cố vấn Trung Quốc.

“Sự giúp đỡ của Trung Quốc, ngoài trang thiết bị ở đây, chính là chiến thuật đào hệ thống giao thông hào, được họ rút kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh với Mỹ ở bán đảo Triều Tiên (1950-1953). Nhờ có hệ thống giao thông hào chằng chịt này mà bộ đội Việt Nam bí mật vận chuyển một số lượng lớn vũ khí đến vị trí ngay trước mặt quân Pháp mà Pháp không hề biết”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với đạo diễn Matsumoto.

Nhưng quan trọng nhất, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với đạo diễn Matsumoto rằng chủ trương “đánh chắc – tiến chắc” là kết luận của riêng ông, sau khi tham khảo ý kiến của các sỹ quan dưới quyền. Chủ trương “đánh nhanh – thắng nhanh” là lời khuyên ban đầu của cố vấn Trung Quốc.

“Trong cuộc phỏng vấn, Tướng Giáp đã cho chúng tôi biết rằng ông đã cho trinh sát kiểm tra lại tình hình Điện Biên Phủ, nhất là việc di chuyển của quân Pháp, để đi đến kết luận rằng, chỉ có "đánh chắc - tiến chắc" thì mới thắng được quân Pháp”, Matsumoto nói với phóng viên VietTimes.

Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

Đằng sau chiến thắng Điện Biên Phủ

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ là đến Hội nghị Geneva, quyết định việc chia cắt Việt Nam từ vĩ tuyến 17. Đó là theo ý đồ của Trung Quốc muốn duy trì 2 miền Việt Nam làm bước đệm với Mỹ, sau khi họ thất bại với cường quốc này trong Chiến tranh Triều Tiên.

Theo GS.TS Vũ Dương Huân, nhà lịch sử ngoại giao hàng đầu Việt Nam, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với Thủ tướng Chu Ân Lai, Trưởng Phái đoàn Trung Quốc tại Geneva, tại Liễu Châu (Trung Quốc), có sự chứng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng “nếu cho chúng tôi đánh tiếp 3 năm nữa, sau Điện Biên Phủ, chúng tôi sẽ thống nhất đất nước”.

Chu Ân Lai nói rằng nếu Việt Nam không nhượng bộ với Pháp, thì Mỹ sẽ can thiệp. Vậy là, Việt Nam phải 21 năm sau mới thống nhất đất nước. Mặc dù, theo GS.TS Vũ Dương Huân, Mỹ phải qua rất nhiều thủ tục ở Quốc Hội và người dân Hoa Kỳ mới có thể có quyết định đưa quân vào miền Nam.

Ông Lê Văn Triết (Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch giai đoạn 8/1991 -10/1992 và Bộ trưởng Bộ Thương mại giai đoạn 10/1992 - 1997) kể với phóng viên VietTimes rằng năm 1984 ông, với tư cách thứ trưởng, có việc phải đến gặp Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo một vấn đề thương mại. Khi đến nhà Đại tướng, ông đã thấy Thượng tướng Lê Trọng Tấn và 3-4 vị tướng khác đang ngồi ở đó, mặt mũi hầm hầm.

Hóa ra, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, La Quý Ba, cố vấn Trung Quốc trong chiến dịch này, đã có bài viết trên báo Trung Quốc nói rằng chính chủ trương “đánh chắc – tiến chắc” là lời khuyên với với Tướng Giáp của ông ta, và rất may là Tướng Giáp nghe theo nên thắng lợi.

Các tướng khẩn thiết đề nghị Đại tướng phải lên tiếng làm rõ sự thật. Đại tướng trầm ngâm hồi lâu, rồi thốt lên: “Bây giờ còn được ngồi nói chuyện với nhau là quí lắm rồi.”

Thượng tướng Lê Trọng Tấn và mấy tướng khác ngẩn ngơ khi nghe câu nói đó. Tự nhiên, tất cả chào Đại tướng , rồi tất cả ra về.

Lúc đó, Đại tướng đã không còn là Ủy viên Bộ Chính trị (từ Đại hội V, 1982). Tuy ông vẫn giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật…

Cựu Bộ trưởng Lê Văn Triết. Ảnh Internet.

Cựu Bộ trưởng Lê Văn Triết. Ảnh Internet.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ - những tướng khác nói về vai trò Đại tướng

Tiếp theo sau bộ phim “Điện Biên Phủ - cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới", cuối năm 2004, đạo diễn Matsumoto lại bắt tay vào chuẩn bị cho 2 tập phim “Chiến tranh Việt Nam”, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước Việt Nam. Ông cũng đề nghị được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông vẫn còn nhớ câu nói cuối cùng khi kết thúc bài phỏng vấn về Điện Biên Phủ của Đại tướng: “Lúc chúng tôi chuẩn bị đánh Mỹ, những người bạn lớn của Việt Nam lúc đó đều băn khoăn rằng "làm sao đánh được Mỹ".

Tôi đã trả lời rằng "nếu chúng ta đánh Mỹ theo cách của những người bạn đó, chắc chẳng chịu được một tiếng đồng hồ. Nhưng theo cách đánh của Việt Nam thì chiến thắng là điều có thể."

Nhưng chờ đợi tới 2 tháng, đạo diễn Matsumoto được trả lời rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuổi cao, sức khỏe không tốt, và yêu cầu phỏng vấn không thực hiện được. Ông nhớ lại lần gặp trước đó gần một năm…

Đạo diễn Matsumoto Takeaki. Ảnh Huỳnh Phan.

Đạo diễn Matsumoto Takeaki. Ảnh Huỳnh Phan.

… Lần đó, ông thấy “một người già lắm, bước ra phòng khách. Vẻ mặt ông già có vẻ hơi mệt, và hơi thở không đều.” Đạo diễn Matsumoto rất lo, vì chương trình nhất thiết phải có phần phỏng vấn Tướng Giáp, nếu không coi như "xong phim".

Thế nhưng, trái với những lo ngại, thậm chí lo sợ của đạo diễn Matsumoto, khi câu hỏi đầu tiên được đặt ra, mắt Tướng Giáp bỗng sáng lên.

Vẻ mặt ông tự nhiên linh động, nếu không nói là lanh lợi. Ông nói rất dõng dạc, khúc chiết. Ông nhớ từng chi tiết, mà không cần phải có liếc qua giấy tờ gì cả. Đoàn làm phim NDN đã đi từ sự ngạc nhiên đến cảm giác yên tâm hoàn toàn về bộ phim của mình.

Buổi phỏng vấn kéo dài hai tiếng. Lúc đó Đại tướng đã 93 tuổi…

… Hiểu được tình thế, đạo diễn Matsumoto cùng với Trưởng văn phòng NDN tại Hà Nội Trần Huy Công tìm đến các vị tướng khác có tham gia trong chiến dịch Mùa Xuân 1975. Từ đoạn này, bài báo được viết theo lời kể của ông Trần Huy Công, người móc nối các cuộc phỏng vấn kiêm phiên dịch.

Người đầu tiên NDN gặp là Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND thời đó, kiêm Quyền Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên ông trả lời một hãng báo chí quốc tế.

Đạo diễn Matsumoto có một câu hỏi canh cánh trong lòng khi làm bộ phim này: Đó là sách báo lịch sử thế giới có viết là cuối năm 1974, một nguyên soái Liên Xô sang thăm Việt Nam. Vậy chuyến thăm đó có vai trò gì trong Chiến dịch Mùa Xuân 1975? Đạo diễn này đặt câu hỏi này đầu tiên với Tướng Lê Ngọc Hiền.

Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Ảnh Internet.

Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Ảnh Internet.

Tướng Lê Ngọc Hiền nói: “Lúc đó, Bộ Chính trị cũng đang họp để đưa ra kế hoạch giải phóng miền Nam, tôi cũng dự họp, ngồi hàng thứ 2. Chuyến thăm của nguyên soái Liên Xô hoàn toàn ngẫu nhiên, vì mục đích khác. Chúng tôi giữ bí mật hoàn toàn, vì chúng tôi biết ai đó, vì những lý do khác nhau, đều không muốn cho chúng tôi giải phóng miền Nam”.

Tướng Lê Ngọc Hiền nói rằng chiến thắng trong chiến dịch Mùa Xuân đầu tiên đến từ quyết định sáng suốt của Tổng Chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi quyết định mở màn tấn công quân đội Việt Nam Cộng hòa từ Ban Mê Thuột.

Tướng thứ hai NDN phỏng vấn là Nguyễn Quốc Thước, thời gian đó là Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên và Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên. Tướng Nguyễn Quốc Thước nói rằng, từ giữa năm 1974, Bộ Tư lệnh Tây Nguyên nhận được lệnh phải chuẩn bị để tấn công mở màn từ Pleiku (Bắc Tây nguyên). Sau đó, lại chuyển xuống Gia Nghĩa.

Đùng một cái, gần Tết năm 1975, Tướng Nguyễn Quốc Thước được lệnh ra Hà Nội, và nhận được lệnh đổi từ chiến trường Gia Nghĩa sang chuẩn bị chiến trường Ban Mê Thuột. Một câu hỏi của NDN, ai là người quyết định chọn Ban Mê Thuột.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh Internet.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh Internet.

Tướng Nguyễn Quốc Thước nói đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tướng Nguyễn Quốc Thước sau khi nhận nhiệm vụ của Bộ Tổng tham mưu đã được Đại tướng mời cơm, và trong bữa cơm, Đại tướng đã kể cho thuộc cấp nghe rằng Đại tướng đã ra quyết định đó trên cơ sở đề xuất của Tư lệnh Chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên Hoàng Minh Thảo.

Tướng Nguyễn Quốc Thước nói hiểu chiến trường Tây Nguyên, hiểu sức mạnh địch – ta, không ai giỏi hơn Tướng Hoàng Minh Thảo, người được Đại tướng điều vào làm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên từ năm 1968. Tướng Hoàng Minh Thảo đã chỉ huy thắng các chiến dịch Tây Nguyên năm 1972.

Tướng Hoàng Minh Thảo, trong khi trả lời đạo diễn Matsumoto, đã nói rằng trong các cuộc tấn công, khâu hậu cần bao giờ cũng quan trọng nhất. “Tôi luôn phải hỏi ý kiến anh Đồng Sỹ Nguyên (Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn) xem hậu cần có chuẩn bị đầy đủ không, rồi mới lên kế hoạch tác chiến”, Tướng Hoàng Minh Thảo nói.

Tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết trong chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên sự bài binh bố trận chiếm một vai trò quan trọng. Bộ Tư lệnh dự định dùng sư đoàn 316 từ ngoài Bắc vào để đánh trận đầu, giải phóng Ban Mê Thuột, nhưng lại dùng sư đoàn 10, đóng chốt ở Tây Nguyên, đánh đâu thắng đó, để đánh phản kích.

Chuyện dùng sư đoàn 10 chờ đánh phản kích cũng gặp khó khăn, bởi Đại tướng Văn Tiến Dũng, người chỉ huy chính trong Chiến dịch Tây Nguyên, phản đối. Tướng Văn Tiến Dũng chủ trương dùng sư đoàn 10 trong trận mở màn.

Coi đánh phản kích mới là khâu quan trọng, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên phải cáng Tư lệnh trưởng Hoàng Minh Thảo, vốn đang sốt cao từ nơi khác, đến gặp Tướng Văn Tiến Dũng để phân tích lại tình hình, và giải thích tại sao lại dùng sư đoàn 10 chờ đánh phản kích.

Tướng Nguyễn Quốc Thước kể rằng họ phải mất hai ngày mới thuyết phục được Tướng Văn Tiến Dũng. Tướng Hoàng Minh Thảo, trong buổi phỏng vấn sau đó, cũng xác nhận như vậy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp với Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Ảnh Internet.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp với Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Ảnh Internet.

Trận đánh Ban Mê Thuột diễn ra hoàn toàn theo kịch bản như vậy. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố rút khỏi Tây Nguyên, và cũng là kết thúc tập đầu của bộ phim “Chiến tranh Việt Nam”…

Đặc biệt, trong các bức điện của Quân ủy Trung ương điện vào trong miền Nam trong Chiến dịch Mùa Xuân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi thảo xong, đều cho mang sang chỗ Tổng Bí thư Lê Duẩn xem lại và ký, với tư cách Bí thư Quân ủy Trung ương. TBT Lê Duẩn nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “anh cứ ký, với tư cách Tổng Tư lệnh, nếu cần viết thêm là đã đưa tôi xem rồi”.

Nhưng đến 2.1980, Võ Nguyên Giáp thôi chức Bộ trưởng Quốc phòng, kết thúc vai trò Tổng Tư lệnh Quân đội mà ông nắm giữ từ khi lập nước, để Đại tướng Văn Tiến Dũng lên thay. Ông chuyển sang phụ trách về khoa học kỹ thuật với vai trò phó thủ tướng...

Còn nhớ, năm 2013, trong lễ tang Đại tướng tại Thành phố Hồ Chí Minh (lúc này ông Lê Văn Triết đã nghỉ hưu, trở về sống tại thành phố), có một phóng viên CNN đã đề nghị được phỏng vấn ông. Phóng viên này nói: “Xin ông nhận xét một câu về cuộc đời Tướng Giáp.”

Ông Lê Văn Triết trả lời ngắn gọn: “Tôi xin chỉ nói một chữ, thay vì một câu, được không?”

Phóng viên CNN: “Càng tốt, ông ạ.”

Ông Lê Văn Triết nói: “Một chữ Nhẫn!”