Văn bản cảnh báo này được gửi tới các đơn vị chuyên trách về CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Sở TT&TT; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, tổ chức tài chính và hệ thống các đơn vị chuyên trách an toàn thông tin.
"Các nhóm APT vẫn bắt đầu cuộc tấn công bằng thủ đoạn đính kèm mã khai thác điểm yếu, lỗ hổng vào các tập tin tài liệu và phát tán tập tin này qua thư điện tử. Tuy nhiên, tài liệu lợi dụng để phát tán mã độc thường ở mỗi thời điểm được lựa chọn kỹ lưỡng, thường là tài liệu được được nhiều người qua tâm hoặc người dùng mục tiêu quan tâm như: văn bản, tài liệu của các cơ quan tổ chức, gần đây là các tài liệu liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19", Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Khắc Lịch cho biết.
Để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị, góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin đề nghị đơn vị kiểm tra, rà soát và khắc phục các lỗ hổng bảo mật trên tất cả các hệ thống, bao gồm cả các máy tính cán bộ nhân viên sử dụng để làm việc. Cục cũng đặc biệt lưu ý các lỗ hổng đã và đang bị lợi dụng để khai thác cài cắm mã độc vào máy tính người dùng.
Công văn cảnh báo của Cục An toàn thông tin.
|
Các cơ quan, đơn vị cũng được đề nghị cập nhật dấu hiệu cho các giải pháp bảo mật để giám sát, phát hiện và ngăn chặn sớm các nguy cơ tấn công mạng nguy hiểm. Trong công văn cảnh báo mới gửi các cơ quan đơn vị, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cũng gửi kèm các thông tin kỹ thuật liên quan đến các nhóm APT để các đơn vị tham khảo.
Cùng với đó, Cục An toàn thông tin cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị tấn công liên quan đến các nhóm APT. Trường hợp cần thiết, các cơ quan, đơn vị có thể liên hệ với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục để được hỗ trợ.
APT (Advanced Persistent Threat) là hình thức tấn công mạng có mục tiêu cụ thể do tin tặc sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ thuật lừa đảo để đột nhập mạng mục tiêu và dai dẳng tập trung vào mục tiêu đó trong thời gian dài, cho đến khi cuộc tấn công diễn ra thành công (hoặc bị chặn đứng). Hậu quả của các cuộc tấn công APT là vô cùng nặng nề: tài sản trí tuệ bị đánh cắp (bí mật thương mại hoặc bằng sáng chế…); thông tin nhạy cảm bị xâm nhập (dữ liệu cá nhân, hồ sơ nhân viên…); cơ sở hạ tầng quan trọng của tổ chức bị phá hủy (cơ sở dữ liệu, máy chủ quản trị…) hay toàn bộ tên miền của tổ chức bị chiếm đoạt. |