Người Việt có thể dùng Internet từ trời bằng vệ tinh của Elon Musk

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Dự án phủ sóng Internet quanh Trái Đất của Elon Musk đã bắt đầu cho người dùng đăng ký thử nghiệm. Bạn có thể là một trong những người đầu tiên sử dụng dịch vụ này ngay cả khi đang sống tại Việt Nam.

Nếu là một fan của công nghệ, nhiều người sẽ biết đến Starlink. Đây là tên gọi của dự án phủ sóng Internet toàn cầu được khởi xướng bởi tỷ phú Elon Musk.

Tham vọng của Starlink là sử dụng 12.000 vệ tinh quỹ đạo thấp để phủ sóng Internet đến mọi ngóc ngách của quả địa cầu. Tính đến nay, dự án này đã thành công trong việc phủ sóng khắp châu Mỹ với tổng cộng 1.261 vệ tinh đã được đưa lên quỹ đạo.

Theo kế hoạch, Starlink sẽ hoàn thành việc phóng 12.000 vệ tinh Internet vào năm 2027.
Theo kế hoạch, Starlink sẽ hoàn thành việc phóng 12.000 vệ tinh Internet vào năm 2027.

Ít người biết rằng, dự án Internet vệ tinh của tỷ phú Elon Musk còn nhắm tới cả người sử dụng Việt Nam. Kế hoạch này vừa được hé lộ khi Starlink bắt đầu cho phép người dùng đặt hàng trước để sử dụng dịch vụ.

Theo đó, khi truy cập vào website của Starlink, người dùng có thể dễ dàng chọn những thành phố quen thuộc của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ,... để đăng ký sử dụng dịch vụ này.

Người dùng Việt Nam có thể đăng ký trước để được sử dụng dịch vụ của Starlink. Ảnh: Trọng Đạt
Người dùng Việt Nam có thể đăng ký trước để được sử dụng dịch vụ của Starlink. Ảnh: Trọng Đạt

Startlink sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh cho người sử dụng tại Việt Nam vào năm 2022. Tuy nhiên, để được là một trong những người sử dụng đầu tiên, người dùng phải trả 1 khoản phí là 99 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) để “đặt chỗ”. Việc thanh toán sẽ được thực hiện qua các loại thẻ quốc tế như VISA, Master Card.

Starlink cũng cho biết, bộ sản phẩm được cung cấp sẽ bao gồm chảo vệ tinh Starlink, bộ định tuyến WiFi, nguồn điện, cáp và giá đỡ. Trong trường hợp đổi ý, Starlink sẽ hoàn trả lại tiền đặt cọc cho người sử dụng.

Bộ sản phẩm mà người dùng nhận được sẽ bao gồm 1 chảo Starlink để thu tín hiệu. Ảnh: CNET
Bộ sản phẩm mà người dùng nhận được sẽ bao gồm 1 chảo Starlink để thu tín hiệu. Ảnh: CNET

Để nhận được tín hiệu Internet từ vệ tinh, người dùng phải gắn chảo Starlink trên mái nhà của mình. Ngay cả những vật cản nhỏ như cây xanh, cột điện,... cũng có thể làm gián đoạn dịch vụ. Do đó, chảo Starlink cần một khoảng không gian rộng để nhận tín hiệu từ không gian.

Theo Starlink, trong thời gian thử nghiệm, đơn vị này có thể cung cấp cho người dùng khả năng truy cập Internet với tốc độ đường xuống trong khoảng từ 50-150 Mbps và độ trễ từ 20-40 ms.

Đơn vị này cũng cho biết, gói dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink được ấn định cho một khu vực cố định trên mặt đất. Nếu mang chảo Startlink của mình đến một khu vực khác, người dùng sẽ không thể truy cập vào dịch vụ này.

Starlink có thể cung cấp cho người dùng khả năng truy cập Internet với tốc độ đường xuống trong khoảng từ 50-150 Mbps. Ảnh: CNET
Starlink có thể cung cấp cho người dùng khả năng truy cập Internet với tốc độ đường xuống trong khoảng từ 50-150 Mbps. Ảnh: CNET

Tại Việt Nam, nhà mạng Viettel cũng đã đề xuất việc triển khai thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh bằng chùm vệ tinh quỹ đạo thấp. Do vậy, bên cạnh dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink, nhiều khả năng tới đây người dùng Việt Nam sẽ có thêm một sự lựa chọn khác nếu muốn trải nghiệm dịch vụ này.

Theo đại diện Viettel, khó khăn của các doanh nghiệp trong nước khi phát triển dịch vụ này là tiềm lực để triển khai chùm vệ tinh quỹ đạo thấp. Nếu triển khai, rất có thể các nhà mạng trong nước sẽ phải phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh của doanh nghiệp nước ngoài.

Một vấn đề quan trọng khác khi nhắc tới dịch vụ Internet vệ tinh là những tác động tới các dịch vụ viễn thông truyền thống cũng như an ninh quốc gia. Do vậy, Việt Nam cần có những nghiên cứu, thử nghiệm cũng như theo sát các hội nghị quốc tế về quản lý và cấp phép cho dịch vụ vệ tinh để có kế hoạch trước với loại hình dịch vụ này.

Về độ khả thi, giá thành dịch vụ Internet từ chùm vệ tinh quỹ đạo thấp như của Starlink hiện vẫn cao gấp từ 7-8 lần so với giá dịch vụ Internet băng rộng cố định tại Việt Nam. Trong trường hợp được triển khai tại Việt Nam, dịch vụ Internet vệ tinh sẽ là lời giải cho bài toán phủ sóng Internet tại những khu vực có địa hình bị chia cắt như đồi núi, hải đảo,...

Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh bằng công nghệ chùm vệ tinh quỹ đạo thấp còn thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải và hàng không. Đây là những ngành kinh tế có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn gặp nhiều hạn chế về vấn đề thông tin, liên lạc.

Theo Vietnamnet