Người Trung Quốc căng thẳng vì mã vạch kiểm soát Covid-19

Một hệ thống sử dụng phần mềm để quyết định ai nên cách ly, ai được phép dùng tàu điện ngầm, vào trung tâm thương mại... đang gây tranh cãi.

Trung Quốc khuyến khích người dân quay lại làm việc, bất chấp dịch bệnh vẫn ở mức cao. Để kiểm soát, chính phủ bắt đầu một thử nghiệm trên diện rộng, sử dụng dữ liệu để điều chỉnh sinh hoạt của người dân, bằng việc yêu cầu họ dùng một ứng dụng trên điện thoại. 

Mã Y tế Alipay xuất hiện lần đầu ở thành phố Hàng Châu. Đây là dự án do chính quyền thành phố triển khai, với sự hậu thuẫn của Ant Financial - một chi nhánh của Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba.

Người dân phải đăng ký ứng dụng nổi tiếng của Ant - Alipay, và được cấp một mã màu gồm xanh, vàng hoặc đỏ - tương ứng với tình trạng sức khỏe của họ. Sau khi người dùng điền một biểu mẫu thông tin cá nhân, phần mềm sẽ tạo ra mã QR với một trong ba màu. Mã xanh cho phép người dùng tự do di chuyển. Người có mã vàng bị yêu cầu ở nhà 7 ngày. Mã đỏ nghĩa là cách ly 2 tuần. 

Hệ thống này đến nay đã được sử dụng ở 200 thành phố và sắp tới là cả nước.

Ant và nhà chức trách Trung Quốc đều chưa giải thích chi tiết cách hệ thống này đánh giá người dân. Điều đó gây nên sự sợ hãi và hoang mang cho những người bị bắt buộc cách ly mà không hiểu tại sao.

Mã QR hiển thị màu xanh lá cây nghĩa là được phép đi lại tự do.

Mã QR hiển thị màu xanh lá cây nghĩa là được phép đi lại tự do.

Ở Hàng Châu, gần như đi đến đâu cũng phải giơ mã Alipay. Những khẩu hiệu tuyên truyền nhắc nhở mọi người: "Mã xanh, tự do đi lại. Mã đỏ hoặc vàng cần được báo cáo lập tức" được nhìn thấy khắp nơi.

Ở một số thời điểm, mã vạch khiến tình hình trở nên căng thẳng. Hai nhân viên bảo vệ ga tàu điện ngầm cho biết, những hành khách lớn tuổi cảm thấy phiền phức vì bị kiểm tra điện thoại nên đã chửi và mắng nhiếc họ. Khi một người đàn ông trung niên lao qua chốt kiểm soát, bảo vệ phải chạy theo để bắt ông ta...

Nhân viên bảo vệ tàu điện ngầm ở Hàng Châu kiểm tra mã vạch điện thoại.

Nhân viên bảo vệ tàu điện ngầm ở Hàng Châu kiểm tra mã vạch điện thoại. 

Trong cuộc họp ngày 24/2, chính quyền cho biết hơn 50 triệu người Chiết Giang, tương đương với 90% dân số cả tỉnh, đã đăng ký mã y tế. 98.2% trong số đó có mã là xanh, nghĩa là gần một triệu người có mã vàng hoặc đỏ.

Một trang web hỏi đáp về dịch vụ cho biết, mã vàng hoặc đỏ được cấp cho người từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh, từng tới một điểm nóng về virus hay báo cáo có triệu chứng về bệnh... Điều này cho thấy hệ thống sử dụng thông tin về các ca nhiễm nCoV, kết hợp dữ liệu của chính phủ về việc đặt chuyến trên máy bay, tàu hỏa và xe buýt. Phân tích cho thấy mỗi lần mã của một người bị quét, địa điểm của người đó sẽ được gửi về máy chủ của hệ thống, cho phép chính quyền theo dõi động thái của người dân.

Khi người dùng cho phép ứng dụng quyền truy cập thông tin cá nhân - một phần của chương trình "reportInfoAndLocationToPolice" (báo cáo thông tin và vị trí cho cảnh sát) - nó sẽ gửi vị trí, tên thành phố và mã nhận diện của người dùng này tới một máy chủ. Phần mềm không thông báo với người dùng về sự liên kết này với cảnh sát. Nhưng theo hãng thông tấn Xinhua, lực lượng hành pháp là một đối tác quan trọng trong việc phát triển hệ thống này.

Zhou Jiangyong, Bí thư thành ủy Hàng Châu, gọi hệ thống mã y tế là "một bước quan trọng của thành phố trong việc quản trị trên nền tảng kỹ thuật số". Ông nói thêm rằng thành phố sẽ mở rộng việc sử dụng những công cụ thế này, truyền thông nhà nước đưa tin.


Người dân quét mã QR trên điện thoại của họ, trong khi các tình nguyện viên kiểm tra thân nhiệt trước khi vào chợ ở Côn Minh, phía nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

"Sự giám sát kỹ lưỡng như vậy sẽ tạo nên tiền lệ", Maya Wang - một nhà nghiên cứu của tổ chức Theo dõi Nhân Quyền - cho biết. Trung Quốc từng sử dụng những sự kiện lớn như Olympic Bắc Kinh 2008, Triển lãm World Expo 2010 ở Thượng Hải... để giới thiệu những công cụ giám sát mới vượt xa mục đích ban đầu. "Dịch Covid-19 đang tự chứng tỏ là một cột mốc lịch sử trong việc giám sát trên diện rộng của Trung Quốc", Wang nói.

Trong một tuyên bố, cố vấn chung của Ant Financial - Leiming Chen - cho biết công ty yêu cầu tất cả nhà phát triển là bên thứ ba phải tuân thủ những yêu cầu về bảo mật dữ liệu. Trong đó, họ phải có được sự đồng ý của người dùng trước khi cung cấp dịch vụ. Ông Chen nói: "Sự hợp tác giữa tư nhân và nhà nước trong kiểm soát dịch bệnh là cách làm phổ biến trên thế giới".

Ant Financial từ chối trả lời các câu hỏi về cách vận hành hệ thống, cho biết các cơ quan chính phủ đặt ra luật lệ và kiểm soát dữ liệu. Hiện Alipay có hơn 900 triệu người sử dụng khắp Trung Quốc. Alipay một phần thuộc sở hữu của Alibaba, công ty có mã cổ phiếu ở New York và được nhiều nhà đầu tư quốc tế rót vốn.

Tencent, một công ty công nghệ khổng lồ khác - sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat - có hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng, cũng đang làm việc với chính quyền để xây dựng hệ thống dữ liệu y tế riêng.

Leon Lei (29 tuổi) đăng ký dùng Alipay trước khi rời quê nhà An Khánh để quay lại làm việc ở Hàng Châu. Ban đầu, mã của anh màu xanh, nhưng một ngày trước khi đi, mã chuyển màu đỏ và anh không biết tại sao. An Khánh chưa bị dính virus dù nằm bên cạnh tâm dịch Hồ Bắc. Trên đường đến Quảng Châu, các nhân viên ở hai trạm kiểm soát cao tốc thấy mã đỏ nên chặn anh lại. Đến trạm thứ ba anh mới ra được. Lei cho biết: "Những quy định này không công khai. Cách chỉ định màu cũng không được công khai. Và không rõ phải làm sao để biến mã của bạn thành màu xanh".

Cả Alibaba và Ant Financial đều có trụ sở ở Hàng Châu. Khi hệ thống này được sử dụng trên cả nước, những nơi khác có thể sẽ không tuân thủ bởi nó quá nghiêm ngặt. Theo Xinhua, 100 thành phố đã sử dụng hệ thống này chỉ một tuần sau khi Hàng Châu áp dụng, ngày 11/2. 

Và những lời phàn nàn ngập trên mạng xã hội. 

Vanessa Wong, 25 tuổi, làm việc ở Hàng Châu nhưng đang bị kẹt hàng tuần liền ở quê nhà ở tỉnh Hồ Bắc. Cô không có triệu chứng song mã vạch hiển thị màu đỏ. Cả công ty lẫn chung cư của cô ở Hàng Châu đều yêu cầu mã xanh mới được đi vào. Đến giờ, cô vẫn chưa thấy phản hồi từ chính quyền cho biết khi nào mã của cô mới chuyển lại màu xanh. Cô đoán mã này màu đỏ chỉ vì mình đang ở Hồ Bắc.

Hướng dẫn về Mã y tế trước lối vào tàu điện ngầm ở Hàng Châu

Hướng dẫn về Mã y tế trước lối vào tàu điện ngầm ở Hàng Châu

Biểu ngữ kiểu tuyên truyền nhắc nhở mọi người các quy tắc về màu mã vạch

Biểu ngữ kiểu tuyên truyền nhắc nhở mọi người các quy tắc về màu mã vạch

Giới chức Hàng Châu thừa nhận sự bất tiện mà hệ thống gây ra. Trong một buổi họp báo gần đây, họ thúc giục người dân báo cáo những trục trặc và sự thiếu chính xác. Dongshan - Phó bí thư thành ủy thành phố cho biết: "Ngay cả khi mã vàng hay đỏ xuất hiện, bạn cũng không nên lo lắng".

Bị kẹt ở nhà và không thể tập trung làm việc, Wong cảm thấy khá vô vọng. Cô không thể không nghĩ rằng hệ thống này đang tạo ra định kiến vùng miền. Cô nói : "Nó chia rẽ người dân dựa trên nơi họ xuất thân. Không phải như vậy là phân biệt đối xử à?".

Với nỗi sợ virus vẫn hiện hữu, nhiều người vẫn cảm thấy ổn với việc đề phòng bằng công nghệ cao, ngay cả khi chúng trục trặc. Doo Wang (26 tuổi) cho biết mã của cô có màu đỏ trong một ngày, trước khi tự nhiên chuyển sang màu xanh lá cây. Gọi tổng đài không có ích gì, tuy vậy cô vẫn ủng hộ hệ thống.

Wang nói: "Nếu chúng ta phải sử dụng thứ này mãi mãi, điều đó sẽ rất điên rồ. Nhưng trong dịch bệnh thì cũng có lý. Alipay đằng nào cũng đã có toàn bộ thông tin của chúng ta. Vậy thì sợ gì nào? Tôi nói thật đấy".

Theo VnExpress