Liên quan đến quản lý mô hình kinh tế số tại Việt Nam, từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Hiện Cục Thương mại Điện tử (Bộ Công thương) cũng đang có đánh giá tổng kết 5 năm thực thi Nghị định này để điều chỉnh những vấn đề còn chưa “phủ sóng” hết.
Bà Lê Thị Hà, Phó Trưởng Phòng Pháp chế thuộc Cục Thương mại Điện tử (Bộ Công thương) cho hay những doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ để cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới như Uber, Grab hay Airbnb đều sẽ nằm trong “tầm ngắm” của các quy định mới. Ngoài ra, các quy phạm pháp luật mới cũng sẽ điều chỉnh cả những vấn đề có liên quan đến chính sách thanh toán điện tử, hạ tầng an ninh mạng, chính sách logistics cho kinh tế số…
Cũng từ những rủi ro phát sinh trong môi trường kinh tế số mà Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ thông tin khách hàng. Và theo ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng phòng Bảo vệ Người tiêu dùng thuộc Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), sắp tới cơ quan này sẽ thực hiện thanh kiểm tra việc tuân thủ các quy định bảo vệ người tiêu dùng tại doanh nghiệp, cũng như phát đi nhiều khuyến cáo để người tiêu dùng rõ hơn trách nhiệm của doanh nghiệp.
Trong khi chờ đợi bổ sung thêm hành lang pháp lý mới để “trám” chặt các “kẽ hở” thương mại điện tử, nhiều ý kiến cho rằng mọi đối tượng có liên quan như doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và cả người tiêu dùng cần có động thái cùng phối hợp đóng góp cho chính sách hay ít ra là thể hiện thái độ đối với các hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh trong thương mại điện tử.
Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (Viện Kinh tế và quản lý TPHCM) cho rằng các rào cản xã hội cần được tăng cường để uốn nắn, ngăn chặn hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng công nghệ số nhằm kinh doanh vô đạo đức, “cần tẩy chay sản phẩm của những doanh nghiệp này và công khai rộng rãi danh tính của họ trên truyền thông đại chúng”.
Đại diện cho Hiệp hội Logistics Việt Nam, tổng thư ký Nguyễn Duy Minh nhận định ứng dụng quan trọng đang làm nền tảng cho thương mại điện tử là Hải quan điện tử và Cổng thông tin một cửa Quốc gia hiện vẫn rất cần được kết nối đến nhiều bộ, ngành hơn nữa. “Chính phủ cần thúc ép các cơ quan chức năng phải tham gia kết nối vào các cổng này”, ông Minh kiến nghị.
Riêng với vấn nạn rò rỉ thông tin khách hàng khiến cơn bão tin nhắc rác hoành hành chưa có hồi kết như hiện nay, chuyên gia Duangthip Chomprang, Giám đốc Văn phòng Hợp tác và Hỗ trợ thuộc Viện Quốc tế về Thương mại và Phát triển Thái Lan tin rằng Việt nam cần có thêm Luật về Bảo vệ quyền riêng tư bên cạnh các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản luật như hiện nay, “cần xem quyền riêng tư là tài sản riêng của người tiêu dùng và không ai được buôn bán thông tin cá nhân ấy mà không có sự đồng ý của họ”, bà Duangthip Chomprang nhấn mạnh.
Còn theo đại diện Tổ chức Thống nhất và Tín thác bảo vệ người tiêu dùng Ấn Độ (CUTS International) thì khuyến nghị chính sách bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng nên tham khảo thêm khung pháp lý trong lĩnh vực này từ APEC.