Bệnh nhân nhập viện do nghiện Facebook tại BV Tâm thần Trung ương 1. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Ngoài những trường hợp người trưởng thành, các bác sĩ thời gian gần đây khá đau đầu khi tình trạng trẻ nghiện Facebook tăng nhanh. Điển hình gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân TQT, nam, 11 tuổi, ngụ Hà Nội, được cha mẹ mua cho điện thoại từ sớm và tham gia Facebook khá sành sỏi. Theo mẹ T. kể lại, mọi dịp hè gia đình đều cho T. về Nghệ An chơi với ông bà hai tháng, thế nhưng năm nay dù khuyên bảo nhiều đến thế nào T. vẫn không chịu về quê mà nhất quyết ở lại TP vì sợ về quê thì không có Internet chơi điện thoại. Gia đình cứ ngỡ cháu thích công nghệ nên đành cho cháu học các lớp văn hóa hè ở TP thay vì về quê. Nào ngờ cháu trốn học liên tục, giả ốm để về nhà nằm ôm điện thoại. "Thời gian sau hè tính tình con trai tôi kỳ lạ hẳn, cháu hay nổi cáu, còn thường xuyên đánh bạn ở lớp. Vợ chồng tôi có tham khảo ý kiến các bác sĩ, sau đó ngắt Internet, cấm điện thoại cháu thì đúng hai ngày sau cháu co giật, ngất xỉu. Chúng tôi phải vội vàng đưa cháu vào BV Bạch Mai điều trị" - bà Lệ Chi, mẹ T. kể.
Trước đó, Viện Sức khỏe tâm thần BV Bạch Mai cũng đang điều trị cho trường hợp bệnh nhân 14 tuổi do có tình trạng co giật, thường có hoang tưởng ảo giác khi bị cha mẹ cấm sử dụng Facebook.
Điều trị "trần ai khoai củ"
Nói về những trường hợp nghiện Facebook nặng phải nhập viện, BS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1, chia sẻ hiện nay có rất nhiều người trẻ ngày đêm cắm cúi nhìn vào điện thoại, thậm chí họ bị ảo giác, phản ứng tiêu cực khi bị ngăn chặn sử dụng Facebook. Và cũng ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện vì Facebook, cũng như nhiều bệnh nhân mắc chứng trầm cảm do nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại.
Tần suất thể hiện bệnh từ thấp lên cao, ban đầu người bệnh chỉ thích chơi duy nhất chiếc điện thoại, xa lánh thế giới bên ngoài. Trong sáu tháng đầu, người bệnh ở giai đoạn cấp tính và điều trị cần ít nhất sáu tháng. Nếu để nghiện lâu trên sáu tháng thì bệnh sẽ chuyển sang mạn tính và thời gian điều trị có thể kéo dài 3-5 năm.
Theo BS Nguyễn Hoài Sa, BV Tâm thần Hà Nội, nghiện Facebook sẽ gây tác động tiêu cực đến đời sống, công việc và học tập. Nhiều học sinh tiêu tốn quá nhiều thời gian vào thế giới ảo. Đắm mình trong thế giới ảo, các em trở nên tách biệt, cô đơn trong cuộc sống. Chính điều này ảnh hưởng nặng nề đến việc học hành, tâm lý, thậm chí các em trở nên vô cảm, sống thiếu trách nhiệm với gia đình và bản thân. Nhiều em hoang mang, lo lắng, rơi vào trạng thái khủng hoảng, trầm cảm khi thế giới ảo được phơi bày. Đây là thực trạng đáng báo động nhưng với trào lưu sử dụng mạng xã hội như hiện nay, việc cấm đoán trẻ không phải là giải pháp hữu hiệu. Vì một khi cha mẹ phát hiện ra con mình có biểu hiện lạ do dùng mạng xã hội, họ thường cấm đoán nhưng càng bị cấm đoán các em càng tò mò và thích thú với Facebook.
Qua đây, BS Sa cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ, khi thấy con cái có những biểu hiện bất thường về tâm lý thì nên đưa con đến cơ sở y tế chuyên khoa kiểm tra, không nên giấu giếm dễ làm tình trạng bệnh nặng nề thêm.
Nghiện Facebook gây tai nạn giao thông
Hiện mỗi ngày có đến hơn 68% trẻ sử dụng Facebook bất cứ lúc nào khi rảnh và sử dụng mỗi ngày. Địa điểm sử dụng Facebook chủ yếu là ở nhà. Nhưng đáng chú ý, có gần 3% trẻ sử dụng Facebook trong lúc di chuyển. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến sự an toàn trong quá trình sử dụng Facebook. Nếu như trong lúc di chuyển mà các em sử dụng Facebook thì rất dễ gây ra tai nạn giao thông.
Nghiện Facebook nặng có thể tử vong
Có rất nhiều người gặp khó khăn trong kiểm soát thời gian sử dụng Facebook, ảnh hưởng đến việc duy trì mối quan hệ trong gia đình, bạn bè ngoài cuộc đời thật, gây rối loạn ăn uống, giấc ngủ… và làm trầm trọng thêm các dấu hiệu về tâm thần. Đó là ở mức độ nhẹ, còn nếu mọi người tiếp tục tình trạng chủ quan, lạm dụng quá mức mạng xã hội thì cái chết ập đến là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
BS NGUYỄN HOÀI SA, BV Tâm thần Hà Nội
Theo PLO