Người đi đầu nghiên cứu tế bào gốc giúp điều trị nhiều bệnh nan y

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày xuân, Ths. Phan Kim Ngọc – người sáng lập Viện Tế bào gốc (trực thuộc Đại học KHTN - ĐHQG TP.HCM) đã dành cho VietTimes một cuộc trò chuyện.
Ths. Phan Kim Ngọc – người sáng lập Viện Tế bào gốc (trực thuộc Đại học KHTN - ĐHQG TP.HCM) say sưa với công nghệ tế bào gốc (Ảnh: Hoà Bình)
Ths. Phan Kim Ngọc – người sáng lập Viện Tế bào gốc (trực thuộc Đại học KHTN - ĐHQG TP.HCM) say sưa với công nghệ tế bào gốc (Ảnh: Hoà Bình)

Đi đầu trong ngành khoa học tế bào gốc

Ths. Phan Kim Ngọc không tự nhận mình là người đầu tiên gây dựng nên ngành khoa học tế bào gốc ở Việt Nam, màc hỉ tự nhận là một trong số những người say sưa với công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam mà thôi. Nhưng giới khoa học cả nước đều biết tên tuổi thầy.

Hồi năm 2007, có một công trình nghiên cứu tế bào gốc khiến cả nước xôn xao, 12 con cá ngựa vằn trong phòng thí nghiệm công nghệ sinh học của trường Đại học KHTN vừa nở đã phát sáng, do đặc tính của một protein có trong con sứa mà nhóm nghiên cứu đã chuyển gen vào phôi trứng cá ngựa vằn. Ths. Phan Kim Ngọc với các học trò của mình đã ghi tên Việt Nam trong nhóm ít ỏi các nước có thể chuyển gen động vật.

Một công trình khác được thầy Phan Kim Ngọc và nhóm nghiên cứu tiến hành tại TP.HCM là 3 con bò sữa ở Củ Chi mang thai mà phôi của chúng được tạo ta từ các ống nghiệm của phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học Trường Đại học KHTN. Việc thụ tinh trong ống nghiệm sau đó cấy vào tử cung con bò cái khác có ý nghĩa khoa học to lớn, bởi trứng động vật chỉ thụ tinh trong thời kỳ động dục, mà còn ngăn ngừa được bệnh tật, nhân nhanh giống tốt.

Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học ĐH KHTN TP.HCM đã ứng dụng tốt và hoàn chỉnh nhiều kỹ thuật gene: Kỹ thuật thu nhận tế bào gốc từ máu cuống rốn, tế bào gốc trung mô (cuống rốn, tủy xương) tế bào gốc rìa giác mạc, tế bào gốc từ mô mỡ, mô biểu bì da; Kỹ thuật nuôi cấy, nhân lên và bảo quản các loại tế bào gốc trên; Kỹ thuật biệt hóa tế bào gốc thành mô mỡ, tạo cốt bào, tế bào thần kinh, tinh trùng; Kỹ thuật nuôi tế bào gốc trên màng ối; Kỹ thuật nhận và phát triển tế bào gốc phôi thai từ phôi nang người và động vật…

Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phòng thí nghiệm cấp quốc gia. ThS Phan Kim Ngọc còn là một trong những người tiên phong sáng lập Viện Tế bào gốc (năm 2007), trực thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM.

Học trò của thầy Phan Kim Ngọc nhiều người đã trở thành phó giáo sư, tiến sĩ

Học trò của thầy Phan Kim Ngọc nhiều người đã trở thành phó giáo sư, tiến sĩ

Học trò của thầy Ngọc nhiều người đã trở thành phó giáo sư, tiến sĩ ở tuổi còn rất trẻ. Có những người nổi tiếng và được bạn bè quốc tế biết đến, nhưng sau khi nhận bằng hay bảo vệ thành công luận án, tất cả đều quay về thăm ông và ký tên mình lên tấm bảng “Tri ân”. PGS.TS Phạm Văn Phúc - Viện trưởng Viện Tế bào gốc đương nhiệm, từng trả lời trên báo chí rằng “không có thầy Ngọc là không có Phúc”.

Đam mê và nhiệt huyết, nhưng vì sức khỏe không cho phép nên Ths. Phan Kim Ngọc sau khi nghỉ hưu, ngưng việc dạy học, đã chạy đua với thời gian và bệnh tật để viết hàng chục cuốn sách khoa học.

Điều trị nhiều bệnh nan y

Là một trong những người đầu tiên xây dựng công nghệ tế bào gốc tại Việt Nam, đồng thời cũng là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam tự đem bản thân mình ra làm thí nghiệm điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bằng tế bào gốc, Ths. Phan Kim Ngọc cho biết: “Lúc sinh ra, con người ta có khoảng 6 tỷ tế bào gốc và sẽ suy giảm khi về già”.

Ths. Phan Kim Ngọc kể hồi năm 2005, khi phát hiện mắc bệnh COPD thì bệnh đã ở giai đoạn bốn. “Các bác sỹ lúc đó bảo, gần như không thể can thiệp được gì nữa. Đến tháng 11/2013 tôi quyết định tự lấy bản thân mình ra làm thí nghiệm điều trị COPD bằng tế bào gốc” - Thầy kể.

Ths. Phan Kim Ngọc báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân (Ảnh tư liệu do NVCC)
Ths. Phan Kim Ngọc báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân (Ảnh tư liệu do NVCC)

Sau khi thử nghiệm cấy tế bào gốc, sức khỏe của thầy Ngọc đã tốt hơn. Trong suốt 18 tháng liên tiếp, thầy không còn bị điều trị cấp, dễ thở hơn. Kể từ sau ca cấy ghép thành công của Ths. Phan Kim Ngọc, đến nay Bệnh viện Vạn Hạnh (TP.HCM) đã thực hiện điều trị thành công bằng tế bào gốc cho nhiều bệnh nhân COPD (trong chương trình được cấp phép của Bộ Y tế). Đây cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên cả nước được phép của Bộ Y tế sử dụng phương pháp cấy ghép tế bào gốc điều trị bệnh COPD.

Ths. Phan Kim Ngọc cho biết, trước đây, để có được tế bào gốc cấy ghép thì rất phức tạp và tốn kém, nhưng giờ công nghệ đã phát triển, nguồn tế bào gốc không phải là khó kiếm. Tế bào gốc cấy ghép có thể lấy từ cơ thể của chính người bệnh hoặc lấy từ máu cuống rốn của trẻ sơ sinh. Để việc cấy ghép thành công, không bị thải loại thì trước khi cấy ghép phải thực hiện các biện pháp sàng lọc, lựa chọn xem có phù hợp với miễn dịch cơ thể của người bệnh không.

ThS Phan Kim Ngọc cho biết: “Ưu điểm và cũng là những đột phá về y học mà phương pháp này đem lại đã cứu sống hàng triệu người trên thế giới không may mắc các bệnh hiểm nghèo”.

Thầy Phan Kim Ngọc tại nhà riêng (Ảnh: Hoà Bình)

Thầy Phan Kim Ngọc tại nhà riêng (Ảnh: Hoà Bình)

Ths. Phan Kim Ngọc say sưa với các nghiên cứu tế bào gốc (Ảnh: Hoà Bình)

Ths. Phan Kim Ngọc say sưa với các nghiên cứu tế bào gốc (Ảnh: Hoà Bình)

Công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam đã phát triển khá tốt, nhưng còn cách quá xa so với các nước phát triển, nguồn nhân lực thiếu và yếu. Bên cạnh đó, việc đầu tư các trang thiết bị đòi hỏi rất lớn, đa phần là các loại đắt tiền. May mắn là ở Việt Nam, Nhà nước cũng đã đầu tư một phòng thí nghiệm trọng điểm về tế bào gốc. Cuối cùng là vấn đề hành lang pháp lý đang không theo kịp. Như những phóng sự đã đưa nhiều lần trên các phương tiện truyền thông, trên thực tế, tế bào gốc không được sắp xếp vào hạng mục điều trị nào, là thuốc, mô ghép, thiết bị, dược… đều không phải.

Dẫu thế, một số trị liệu từ ứng dụng tế bào gốc đã có hiệu quả: “Hiện ở Việt Nam, công nghệ tế bào gốc đã được sử dụng để điều trị cho một số bệnh như một số dạng ung thư máu (Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP.HCM đã thực hiện thành công), các bệnh về da, khớp, mắt, phổi, bại não… Đặc biệt, tế bào gốc lấy từ mô mỡ cho trị liệu khớp gối, nghẽn đường hô hấp; trị liệu ung thư cổ tử cung bằng xạ trị…” – Ths. Phan Kim Ngọc cho hay.