Hy vọng cứu sống nhiều bệnh nhân
Tế bào gốc được biết tới trên thế giới với các nghiên cứu, điều trị thành công những căn bệnh cực khó như bệnh loạn dưỡng cơ - căn bệnh kỳ quái làm tiêu huỷ các bó cơ của bệnh nhân, không cách chống đỡ. Nhiều người đau đớn chống chọi với những căn bệnh ung thư, bệnh tim, tiểu đường… cuối cùng cũng tìm được niềm hy vọng nhờ điều trị tế bào gốc, với sự tiên phong, không chịu lùi bước của "cây đại thụ” trong nghiên cứu y khoa.
Hội Tế bào gốc TP.HCM là nơi tập hợp các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp hoạt động, nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc, các trường đại học, cơ quan nghiên cứu. Kể từ khi đi vào hoạt động, Hội Tế bào gốc đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, hội thảo khoa học về chủ đề ứng dụng tế bào gốc trong y học. Hội cũng đã hợp tác nghiên cứu thử nghiệm điều trị xơ gan với BV Chợ Rẫy và điều trị tự kỷ với BV Nhi Đồng 1.
Phát triển hệ sinh thái tế bào gốc
Phòng thí nghiệm và Viện Tế bào gốc được đặt tại ĐH KHTN – ĐHQG TP.HCM đã mở ra nhiều cơ hội mới cho những nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực tế bào gốc. Đây là phòng thí nghiệm tiêu chuẩn đầu tiên của công nghệ sinh học hiện đại, đặc biệt là nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam.
GS.TS Trương Đình Kiệt - Cựu Chủ tịch Hội tế bào Gốc TP.HCM năm nay đã tròn 80 tuổi |
PGS.TS Phạm Văn Phúc – TS. tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam, Viện trưởng Viện Tế bào gốc ĐH KHTN – ĐHQG TP.HCM - tâm sự: “Những ngày đầu rất khó khăn, nhưng đến nay thì đã khác rất nhiều rồi”.
Những thành tựu nổi bật thời gian qua của ứng dụng tế bào gốc trong chữa bệnh, gồm có các nghiên cứu tế bào gốc thành công ở mức cận lâm sàng và lâm sàng của một số mặt bệnh bao gồm bệnh cơ xương khớp, tim mạch, đái tháo đường tuýp 1 và 2, bệnh về gan.
Chỉ từ 2017 đến nay, Viện Tế bào gốc đã có 1 công nghệ được thông qua bởi Bộ Y tế và ứng dụng như quy trình thường quy, sử dụng tế bào gốc trung mô tự thân có nguồn gốc từ mô mỡ, trong điều trị thoái hoá khớp. Ngoài ra, Viện cũng có 5 nghiên cứu lâm sàng khác được tiến hành, bao gồm ghép tế bào gốc trong các bệnh thoái hoá khớp, viêm tắc nghẽn phổi mạn tính, tiểu đường tuýp 1 và 2; loét bàn chân do biến chứng tiểu đường.
Phòng thí nghiệm vật liệu sinh học – Ngân hàng mô đặt tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đã triển khai quy trình công nghệ chế tạo và đảm bảo chất lượng các loại mô ghép xương, sụn, màng não, màng ngoài tim, màng ối. Sản phẩm ứng dụng cho kết quả thuận lợi tại TP.HCM và nhiều bệnh viện cả nước. Đối với mô ghép xương sọ tự thân, phòng thí nghiệm đã bảo quản khoảng 50.000 mẫu và ghép lại hơn 30.000 bệnh nhân.
Đại hội lần thứ 2 Hội Tế bào gốc TP.HCM (Ảnh: Hoà Bình) |
Đơn vị ghép tế bào gốc thuộc Khoa Huyết học, BV Chợ Rẫy có 6 phòng vô trùng áp lực dương và các phòng phụ trợ. Được sự chuyển giao kỹ thuật của BV Đại học Tsukuba (Nhật Bản), BV Chợ Rẫy đã thực hiện ca ghép tế bào gốc ngoại vi tự thân đầu tiên với kỹ thuật lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ -80 độ C hồi năm 2017. Kể từ đó tới nay, BV Chợ Rẫy đã ghép tế bào gốc máu ngoại vị bằng kỹ thuật lưu trữ này cho 77 bệnh nhân.
Bầu Ban chấp hành mới Hội Tế bào gốc nhiệm kỳ 2020-2025 |
BS. Đỗ Xuân Trường cho biết có may mắn tiếp xúc với tế bào gốc từ năm 2006 đến giờ, ông đã giành thời gian dài tìm hiểu những thành tựu của tế bào gốc trên thế giới, đầu tư phòng LAB hiện đại, tiên tiến để có điều kiện nghiên cứu, thực hành sâu về tế bào gốc, cùng nhóm cộng sự dịch cuốn sách “Tế bào gốc” để đồng nghiệp trong nước có thể cùng tham khảo.
BS Đỗ Xuân Trường phát biểu tại buổi ra mắt Ban chấp hành mới (nhiệm kỳ 2020-2025) Hội Tế bào gốc TP.HCM - Ảnh: Hoà Bình |
PGS.TS Trần Lê Bảo Hà, một trong những chuyên gia nghiên cứu về vật liệu vi sinh, dẫn đầu Trung tâm được Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) đầu tư hơn một năm nay nhưng đã có nhiều đề tài cấp quốc gia, có sở hữu trí tuệ về đề tài nhân rộng tế bào gốc từ tuỷ răng.
“Tế bào gốc là các tế bào tồn tại ở phôi, thai, phần phụ của thai hay cơ thể trưởng thành, có khả năng tăng sinh và biệt hóa thành các tế bào chuyên hóa. Trong đó, tủy răng là mô giàu tế bào gốc, có khả năng biệt hóa thành các tế bào hình thành mô cứng, tế bào thần kinh, tế bào mỡ… sau khi tổn thương. Tế bào gốc tủy răng là nguồn nguyên liệu dùng để điều trị các bệnh về răng (tủy răng, nhà chu…), tiểu đường, mạch máu, gan, cơ, nhồi máu cơ tim, mắt… đặc biệt là các bệnh về thần kinh. Đây là một vấn đề thiết thực đối với rất nhiều người dân và bệnh nhân. Chúng tôi mong rằng trong tương lai có thể có đủ điều kiện để xây dựng ngân hàng răng sữa, bảo tồn nguồn nhân rộng tế bào gốc”.
Tại đại hội Hội Tế bào gốc TP.HCM lần thứ II (nhiệm kỳ 2020-2025), các đại biểu đã bầu ra Ban chấp hành Hội gồm 24 thành viên. Trong đó, PGS.TS Trần Công Toại – Trưởng bộ môn Mô Phôi của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch được bầu làm Chủ tịch Hội Tế bào gốc.
Ba Phó Chủ tịch Hội là: PGS.TS Nguyễn Văn Thuận - ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), PGS.TS Phạm Văn Phúc (Viện Tế bào gốc – ĐH KHTN ĐHQG TP.HCM), Ths.BS Lê Thị Bích Phượng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.