Ngành du lịch giải quyết chuyện "người Việt xấu xí"?

Ngày 16-4-2016 vừa qua tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức "chiến dịch" nâng cao hình ảnh du khách người Việt. Nếu không đặt kỳ vọng vào các giải pháp tức thời từ ngành du lịch, thì có thể nói đây là một sự đánh động cần thiết.
Những tấm biển kêu gọi cảnh giác, nhắc nhở về tình trạng du khách Việt Nam sai phạm đã xuất hiện ngày càng nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: vietnamnet.vn
Những tấm biển kêu gọi cảnh giác, nhắc nhở về tình trạng du khách Việt Nam sai phạm đã xuất hiện ngày càng nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: vietnamnet.vn

Thời gian qua, dư luận trong nước liên tục thông tin về những công dân Việt Nam khi du lịch đã vi phạm pháp luật và những thông lệ văn hóa cơ bản ở nước ngoài.

Nhiều ý kiến phê phán, gắn vấn đề hành vi cá nhân với hình ảnh quốc gia. Điều đó cũng hợp lý, vì trong bối cảnh toàn cầu hóa, một công dân không chỉ chịu trách nhiệm về hình ảnh của mình mà về phương diện văn minh, anh ta không thể tự tách khỏi mối dây liên đới với cộng đồng, uy tín của căn cước quốc gia mà mình đang mang.

Nếu như ngày trước, thời chưa có công nghệ thông tin, những thông tin xấu như nói trên có thể không được nhiều người biết. Những cá nhân đi ra bên ngoài, nếu có hành vi xấu thì tự chịu lấy trách nhiệm với nước sở tại, hoặc sự việc có trầm trọng thì cũng ít bị "khuếch đại" bởi truyền thông như hôm nay. Nhưng trong thời buổi “thế giới là một ngôi làng” câu chuyện những tin xấu phát tán, tạo hiệu ứng mạnh hơn, tầm ảnh hưởng từ đó cũng nặng nề hơn rất nhiều lần.

Một điều nữa, ngày trước, trong bối cảnh xã hội còn khép kín,  cá nhân có thể nương náu vào cộng đồng để tìm cách lẩn tránh trách nhiệm bản thân, có thể được chính cộng đồng đó bảo bọc, dung dưỡng, xuê xoa cho qua vì thế, có những thói xấu cứ việc tồn tại, phát sinh, cộng đồng tự xử lý bằng hương ước, bằng các quy phạm, luân lý riêng. Còn ngày nay, trong thế giới mở, thì không thể có chuyện “đóng cửa bảo nhau", mà một công dân khi bước ra bên ngoài quốc gia của mình cần phải đủ kỹ năng và nhận thức để đối diện với những quy ước, thông lệ chung ở tầm quốc tế. Vì vậy, chính từ trong cộng đồng phải nhìn vào căn bệnh đang lây lan trong cơ thể mình để tìm cách nội trị, nếu không sẽ thiếu khả năng thích ứng và hạn chế năng lực phát triển.

Việc công dân Việt Nam tham lam, gian dối (ăn cắp vặt, ăn uống theo lối “mắt to hơn bụng”), không tuân thủ phép lịch sự nơi cộng cộng – những nguyên tắc thông thường của một xã hội văn minh - như xả rác, ưa chen lấn, không biết xếp hàng và giữ trật tự… được nêu lên qua các sự việc xảy ra trong ngành du lịch thời gian qua, cần được hiểu thế nào?

Đầu thế kỷ XX, cụ Phan Kế Bính, thông qua việc phân tích về phong tục, cũng đã nói phần nào những mặt hạn chế trong tâm tính văn hóa người Việt. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã làm một cuộc phẫu thuật về những thói hư tật xấu người Việt trong xã hội truyền thống. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu hôm nay cũng đã dồn tâm sức để tìm hiểu, khảo cứu, kiến giải những thói tật người Việt hiện đại.

Trên lý thuyết, sự phản tư văn hóa trong cộng đồng thời nào cũng có. Nhưng sự tác động vào nhận thức cộng đồng chẳng là bao. Không cần phải đi ra nước ngoài, ngay trong nhà, trong nước, trong hành xử  với đồng bào mình, có quá nhiều hiện tượng cho thấy người Việt ngày càng vị kỷ, hẹp hòi và ít tinh thần thượng tôn pháp luật.

Vì sao vậy? Nếu coi con người là sản phẩm được nhào nặn từ những điều kiện, cơ chế xã hội, thì có thể tìm ra ngay nguyên do, cấu hình phát triển con người của chúng ta một thời và ngay cả hôm nay cũng đang mang quá nhiều khiếm khuyết, thậm chí, có quá nhiều lỗi. Sự giả dối, thói ích kỷ, bệnh thành tích một khi còn đi thẳng vào nhà trường, vào đời sống công quyền, những cá nhân thay thực hành sự chính trực thì lại phải tìm đủ cách đối phó, thậm chí lươn lẹo để tồn tại, sự thiếu minh bạch tồn tại trong cách quản lý xã hội cho đến công sở, thì nói gì đến niềm tin vào công bằng, văn minh hay tôn trọng phép tắc.

Thói quen hành xử như thế trong cộng đồng khi áp dụng ra bên ngoài, sao tránh khỏi lệch pha với chuẩn mực văn minh chung?

Rất nhiều giải pháp được các nhà lữ hành đề nghị, như cần có xử phạt khi du khách vi phạm pháp luật trong khi du lịch ở nước ngoài, hay áp dụng theo cách của hàng không, các công ty lữ hành nên cấm cửa những du khách có “tiền sử” vi phạm làm xấu hình ảnh người Việt… Tất nhiên, đó là kiến nghị của những nhà làm du lịch, trong quyền hạn nhất định của mình. Nhưng liệu ngành du lịch có giải quyết triệt để tình trạng đáng buồn trên?

Không. Tất cả chỉ được giải quyết khi việc nội trị tâm tính công dân được xây dựng lại từ nền tảng đạo lý được coi trọng và pháp lý được thượng tôn. Nền giáo dục cũng cần nhanh chóng kiện toàn để tạo ra một cộng đồng có những cá nhân độc lập, làm chủ bản thân thực sự trong mọi hoàn cảnh, và quốc gia được  tạo nên bởi những quốc dân đủ năng lực để sống tốt với đồng bào mình và đủ hiểu biết để sống hòa nhập với thế giới trong tư cách công dân toàn cầu.

Theo TBKTSG