TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia đã nói như vậy với Đất Việt.
Chỉ được thực hiện trong năm tài chính
Trong phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước.
"Việc cho vay này có địa chỉ có khả năng thu hồi trong thời gian ngắn thì đều có thể lựa chọn cho vay", TS Cao Sĩ Kiêm nói.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ rõ, việc cho vay này đều có quy định chứ không phải lúc nào cần cũng có thể vay ngay được. Để cho ngân sách vay, nguồn dự trữ quốc gia có số dư cần thiết, đã đảm bảo cân đối được kể cả có bất trắc gì đó xảy ra là có thể ứng phó được ngay.
"Mọi việc đều có nguyên tắc dù rằng Thủ tướng Chính phủ thấy cần đều có thể chỉ đạo ngân hàng cho vay", TS Cao Sĩ Kiêm nói.
Trên thực tế trong Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi năm 2013 có bổ sung sửa đổi một số điều có quy định Thủ tướng có thẩm quyền sử dụng dự trữ ngoại hối cho vay. Ở đây Bộ Tài chính sẽ đứng ra vay theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Hay như Nghị định số 50/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối cũng thiết kế quy định có thể dùng dự trữ ngoại hối cho ngân sách vay.
Tuy nhiên TS Cao Sĩ Kiêm cũng khẳng định: "Việc cho vay chỉ được thực hiện trong năm kế hoạch tài chính chứ không được kéo dài từ năm này sang năm khác, tức là tối đa chỉ trong thời gian 12 tháng. Việc này Ngân hàng nhà nước đã từng làm nhiều lần".
Phải có phương án cụ thể trình Quốc hội
Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, việc Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối cũng là bình thường.
"Tuy nhiên Chính phủ chỉ đạo làm như vậy phải có phương án cụ thể. Theo quy định là phải báo cáo Quốc hội. Việc này tương tự như trước đây Chính phủ đã xin ý kiến Quốc hội chi 8 tỉ USD để hỗ trợ lãi suất kích cầu cho thị trường", ông Nhã nói.
Trên thực tế ông Nhã cho rằng ngân sách đang thiếu phải đi vay mà hiện nay vay cũng rất khó khăn. Trong khi đó nguồn dự trữ còn dư, tỉ giá ổn định không có vấn đề gì phải cần can thiệp để ổn định tỉ giá nên dùng nguồn này để cân đối ngân sách cũng là bình thường", ông Nhã phân tích.
Tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh, Chính phủ vay vào mục đích gì phải rõ. Giống như trước đây Chính phủ đã xin hỗ trợ lãi suất để kích cầu đầu tư, sau đó Quốc hội đã yêu cầu phải báo cáo lại.
"Phải làm thế nào cho có hiệu quả nhất từ nguồn vốn này. Đặc biệt là phải xử lý theo thẩm quyền", ông Nhã khẳng định.
Trên thực tế các khoản cho Chính phủ vay thường được dự trù có kỳ hạn nên sẽ có nhiều khả năng xảy ra “lệch pha” khi Ngân hàng Nhà nước cần thu hồi các khoản cho vay này cho các nhu cầu can thiệp khẩn cấp của mình nhưng Chính phủ không thể thu xếp được ngay nguồn để trả nợ.
Nhìn từ góc độ này, quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ còn tác dụng trên danh nghĩa.
Theo đó cũng có ý kiến cho rằng việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối chỉ nên được coi là giải pháp cuối cùng. Ở bối cảnh này, Chính phủ cần chú ý tiết giảm chi tiêu từ ngân sách nhằm giải quyết những khó khăn trước khi nghĩ đến việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối.
Theo Đất Việt