Trong đó, với các dự án quan trọng quốc gia giai đoạn này Quốc hội quyết định bố trí 80.000 tỷ đồng. Đồng thời, quyết định bố trí 5.000 tỷ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Ngoài ra, Quốc hội cũng quyết dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn và các bộ, ngành trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ theo kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch.
Cũng trong ngày 10/11, Quốc hội quyết định bố trí 72.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới (43.119 tỷ đồng) và Giảm nghèo bền vững (29.698 tỷ đồng).
Về phân bổ vốn ngân sách nhà nước, đối với nguồn vốn trong nước, không bao gồm vốn trái phiếu chính phủ, việc bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên phải pố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước; không bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản nợ đọng phát sinh sau ngày 31/12/ 2014.
Tiếp đến là bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Sau khi bố trí đủ vốn theo thứ tự ưu tiên nêu trên, trường hợp còn vốn sẽ xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới.
Về giải pháp thực hiện kế hoạch, Nghị quyết nhấn mạnh người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Chỉ quyết định chủ trương đầu tư những dự án thật sự cần thiết khi đã thẩm định, làm rõ hiệu quả của dự án, nguồn vốn, khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng chương trình, dự án, bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.