Dư luận xã hội lâu nay râm ran nhiều chuyện về chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển,…Từng có nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra vấn đề này để chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các thành viên Chính phủ trên nghị trường.
Ngày 29/1/2015, tại hội nghị Cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra vấn đề này và khẳng định công tác tổ chức xây dựng Đảng là lĩnh vực rất khó và cực kỳ va chạm, phức tạp vì đụng chạm con người, là công tác con người liên quan đến tâm tư, tình cảm, nhận xét đánh giá, bố trí, chế độ thế nào rất thiết thân.
“Tôi nêu ra vấn đề này để chúng ta cùng thảo luận xem có hay không thông tin này. Đáng nói chuyện này khá phổ biến, không chỉ ngành tổ chức đâu mà lĩnh vực đào tạo cũng có. Cứ nghe bao nhiêu tỷ để vào chức nọ chức kia mà xót cả ruột! Nếu có thì chúng ta phải tìm xem ở đâu chứ cứ để râm ran thế này mà không có thì oan. Ai chạy, chạy ai phải làm rõ nếu không đổ hết cho công tác cán bộ thì oan cho anh em", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị Trung ương lần thứ 11
Tháng 5 vừa qua, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu vấn đề “chạy chọt” trong bài phát biểu bế mạc: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay”.
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, ông Phạm Thế Duyệt, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng những người có ý thức đúng đắn thì ít khi chạy chọt, xu nịnh. “Về trách nhiệm lựa chọn Trung ương, giới thiệu vào Bộ Chính trị, tôi muốn đề xuất đối với cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ngoài người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm, còn có tổ chức, cá nhân cấp trên chịu trách nhiệm. Chẳng hạn, người theo dõi nhân sự của tỉnh nào, họ phải có trách nhiệm về việc theo dõi nhân sự được giới thiệu và Trung ương và Bộ Chính trị trước toàn Đảng. Nếu chọn sai, thì tổ chức, cá nhân theo dõi, kể cả khi đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về nhân sự ấy. Như thế công tác nhân sự mới nghiêm, không đi vào con đường chạy chọt, đổ trách nhiệm cho dưới”.
PGS.TS Phạm Xanh (khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) thì cho rằng trong xã hội hiện nay, đa số cán bộ xác định vào Đảng đều nhằm tới một mục đích rõ ràng trong tương lai, đó là “phấn đấu” tới cái đích quyền lực, để được cất nhắc từ vị trí thấp lên vị trí cao. Dư luận nhân dân hiểu rất rõ vấn đề người ta có thể mua chức, mua quyền, chạy chức, chạy quyền. Khi đã “mua” được một vị trí rồi, người ta phải làm mọi cách để “thu hồi vốn”. Vì vậy, nếu không có sự minh bạch, không công khai, dân chủ chắc chắn tệ nạn mua bán chức quyền, sử dụng quyền lực cho mục đích cá nhân sẽ làm hủy hoại niềm tin của người dân vào các cấp lãnh đạo.
Theo ông Lê Quang Thưởng, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, chạy chức, chạy quyền là hệ quả của quản lý kém và là hệ quả của mặt trái cơ chế thị trường tác động vào hệ thống chính trị và công tác cán bộ.
“Cơ chế thị trường định hướng XHCN là đúng đắn và phải làm như thế mới khiến cho sự nghiệp đổi mới của chúng ta tiến lên được, nhưng đằng sau nó rất phức tạp, là mối quan hệ hàng hóa, vật chất làm lu mờ tai mắt của người cán bộ. Phải làm sao để khắc phục được mặt trái cơ chế thị trường trong công tác cán bộ, đây là một câu chuyện rất phức tạp nhưng chúng ta phải kiên quyết làm”.
Ông Lê Quang Thưởng đề xuất Đảng và Nhà nước phải thường xuyên bổ sung chính sách, cơ chế để quản lý cho tốt, để khắc phục những lệch lạc, thiếu sót trong công tác lãnh đạo và quản lý. Bên cạnh đó, kỷ luật trong Đảng và Nhà nước phải thật nghiêm minh; những người có công phải được khen thưởng đúng mức; người có tội, có khuyết điểm phải xử lý nghiêm túc. “Hiện nay, việc quản lý của ta chưa chặt chẽ, khen thưởng, kỷ luật chưa đúng mức, chưa nghiêm. Phát hiện tiêu cực chậm, phát hiện được nhưng xử lý cũng chậm và chưa công bằng nghiêm túc. Vấn đề này cần phải sửa”.
Tại hội nghị Trung ương lần thứ 12 đang diễn ra tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã trình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự qua 2 vòng của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương để thảo luận và đóng góp ý kiến. Căn cứ vào kết quả Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, hoàn chỉnh các hồ sơ, xem xét những trường hợp cụ thể, hoàn thiện thêm các phương án về nhân sự để Trung ương xem xét, quyết định vào các hội nghị tiếp theo.
Có thể nói, công tác nhân sự khóa XII được Bộ Chính trị, BCH Trung ương khóa XI đang được chuẩn bị hết sức chu đáo, kỹ càng, cẩn trọng với mong muốn có được những Ủy viên Trung ương Đảng “có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước…”.
Theo VOV