Đây là một trong những nội dung được tập trung bàn thảo về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức tại nghị trường chiều nay (24/5).
Tạo cơ hội cho nạn "nể nang"?
Về việc không nên tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay hiện còn 2 phương án. Theo đó, “không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi vì việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức” - Bộ trưởng Tân nói.
Hơn nữa, ông Tân cho rằng, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn, thì không nên tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức.
Phương án hai là giữ hình thức kỷ luật giáng chức như Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội theo phương án không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức theo phương án đầu.
Thống nhất với phương án đầu, ĐBQH Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp nêu ý kiến: “Về hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, tôi cho rằng không nên để là giáng chức, mà phải áp dụng giống như hình thức kỷ luật bên Đảng: cách chức, khai trừ, cảnh cáo, khiển trách,… Giáng chức là như thế nào? Tại sao không thay vì giáng chức thì cách chức đi. Nếu xem xét thấy việc kỷ luật cán bộ này đến mức độ không xứng đáng để giữ chức vụ, vụ trưởng vụ phó, trưởng phòng đó thì cách chức phân công người khác, hoặc là thấy chưa đến mức độ cách chức thì xử lý hình thức cảnh cáo”.
Về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, qua tổng hợp ý kiến, các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính pháp lý vì đối tượng này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm, theo đó những văn bản, quyết định của những người này ký còn hiệu lực hay không...
Tuy nhiên, do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên quá trình thực hiện có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau.
Đi ngược chủ trương thu hút người tài?
Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là chính sách đối với người có tài năng. Các ĐBQH thống nhất đây được xem là một trong những giải pháp gỡ “nút thắt” về thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân tài vẫn gặp khó là do cơ chế chính sách chưa đủ sức hút. Nhiều đại biểu cho rằng cần nhìn nhận chất xám bị chảy ngược, những người tài ở cơ quan công quyền đang bỏ ra ngoài làm, thậm chí ra nước ngoài làm việc. Do đó, thời gian tới cần có các điều khoản trọng dụng nhân tài nhằm thu hút tài năng cho đất nước.
ĐBQH Lâm Quang Đại - Đoàn TP HCM
|
“Về chính sách người có tài năng, tôi đề nghị phải làm rõ tiêu chí thế nào là người có tài năng, đồng thời phải xây dựng chiến lược để thu hút tài năng như thế nào để liên tục phát hiện và đào tạo và trọng dụng đãi ngộ tôn vinh đối với người có tài” đại biểu Lâm Quang Đại, Đoàn TP.HCM đặt vấn đề.
Đối với phương án các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn và không ký hợp đồng không xác định thời hạn, đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre) cho rằng, phương án này không thống nhất với quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành. Đó là không được ký hợp đồng xác định thời hạn quá 2 lần, đồng thời dễ tạo tâm lý không yên tâm cho đội ngũ viên chức khi đã có thời gian cống hiến lâu năm.
Ông Phong cho rằng, quy định này không những đi ngược lại với chủ trương thu hút người tài mà còn dẫn đến tâm lý bất an. Ví dụ như đội ngũ giáo viên hiện nay rất đông và đội ngũ thầy thuốc rất lớn, đa phần là viên chức.
“Ký hợp đồng lần đầu có thời hạn, làm tốt ký lần 2 có thời hạn, sau đó nếu theo Bộ Luật lao động được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đối với giáo viên miền núi vùng sâu vùng xa đây là chính sách động viên để họ bám với nghề. Bây giờ chúng ta bỏ cái này vài năm mà xét lại thì sẽ đẻ ra huệ lụy khác nên cần cân nhắc, đánh giá thêm” - đại biểu Phong nói.
Theo tìm hiểu của PV, Luật Cán bộ, công chức ban hành năm 2008 có nội dung quy định về việc giáng chức, cách chức. Theo đó, việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Giáng chức là việc công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hạ xuống chức vụ thấp hơn; còn Cách chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Cán bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. |