Đó là khẳng định của Bộ trưởng Thương mại và các vấn đề EU của Thụy Điển - bà Ann Linde, trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn liên quan đến các vấn đề về việc cấp phép 4G, phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh....
Bà Ann Linde chia sẻ, từ một quốc gia nghèo nhất châu Âu cách đây 100 năm, Thụy Điển đã trở thành một quốc gia tiên phong về đổi mới sáng tạo nhờ mối quan hệ đối tác thành công giữa ba bên là nhà nước, doanh nghiệp và các trường đại học, cơ sở nghiên cứu.
Sẽ sớm cấp giấy phép 4G
Giới thiệu khái quát về tình hình phát triển BCVT, CNTT của Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Ngành TT&TT tiếp tục phát huy vai trò vừa là ngành kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, dịch vụ vừa là ngành kinh tế - xã hội thực hiện nhiệm vụ chính trị mũi nhọn quan trọng của đất nước, đã giữ vững tốc độ phát triển nhanh, bền vững đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Lĩnh vực bưu chính đã phủ rộng toàn bộ 63 tỉnh, thành cả nước với 12.738 điểm phục vụ bưu chính công cộng. Doanh thu dịch vụ bưu chính đạt hơn 700 triệu USD.
Về viễn thông, hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet được duy trì hoạt động ổn định, thị trường dịch vụ viễn thông và internet cạnh tranh mạnh. Số lượng thuê bao di động đạt khoảng 131 triệu thuê bao, mật độ điện thoại đạt khoảng 140 máy/100 dân. Toàn quốc có 58 triệu người sử dụng Internet, đạt trên 50% dân số. Doanh thu viễn thông đạt 16 tỷ USD trong năm 2015. Hiện tại Việt Nam có trên 40 triệu người sử dụng Facebook, trong đó khoảng 21 triệu người dùng Facebook truy cập hàng ngày vào mạng xã hội thông qua thiết bị di động.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi tiếp |
Bộ trưởng cho biết, Bộ TT& TT đã tiến thành thử nghiệm công nghệ và mạng 4G và sẽ sớm cấp giấy phép chính thức cho các doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ 4G trong năm 2016.
CNTT đã trở thành ngành kinh tế quan trọng có tốc độ phát triển hàng năm cao so với các lĩnh vực khác. Doanh thu công nghiệp CNTT đạt gần 40 tỷ USD, đóng góp 25% GDP Việt Nam. Tỷ lệ máy tính kết nối internet đạt hơn 90%.
Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, cả nước hiện có 845 cơ quan báo chí với trên 1.000 ấn phẩm, 98 báo điện tử; 66 đài PTTH phủ sóng 99,5% lãnh thổ, 77 chương trình phát thanh và quảng bá; 63 nhà xuất bản, 1.500 cơ sở in. Việt Nam đang thực hiện số hóa mạng truyền hình dự kiến sẽ hoàn thành việc chuyển đổi vào năm 2020.
Việt Nam có 26 doanh nghiệp viễn thông được cấp phép, trong đó có một số doanh nghiệp viễn thông, CNTT đạt tầm khu vực và quốc tế có tiềm lực mạnh cả về vốn, công nghệ, đội ngũ nhân lực và kinh nghiệm quản lý, khai thác như Tập đoàn Viettel , VNPT, Mobifone, FPT, VTC...
Đánh giá về hợp tác thông tin và truyền thông giữa hai nước, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, năm 2014 đã phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển đồng tổ chức Hội thảo sáng tạo với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp của 2 nước, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước Việt Nam và Thụy Điển tìm hiểu cơ hội của kỷ nguyên công nghệ số và mở ra cơ hội phù hợp cho Việt Nam.
Xây dựng thành phố thông minh gắn chặt với an toàn thông tin
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định: Điển hình cho mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực TT&TT là quan hệ hợp tác giữa Ericsson, tập đoàn viễn thông hàng đầu của Thụy Điển với Việt Nam. Đây là tập đoàn viễn thông nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Việt Nam, cung cấp thiết bị GSM, 3G cho các doanh nghiệp viễn thông ở Việt Nam. Trong thời gian tới, Ericsson sẽ tiếp tục tham gia hợp tác trong các dự án xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam và các lĩnh vực khác như di động băng rộng, truyền hình, số hóa báo chí, các dự án xây dựng thành phố thông minh.
Đối với kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Viettel hiện đang triển khai dự án tại Đà Nẵng, VNPT hợp tác với TP.HCM và ký với Lâm Đồng để xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh. Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2020, sẽ xây dựng được 5 thành phố thông minh trên cả nước. Thành phố thông minh ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp cải thiện hạ tầng đô thị, giải quyết vấn đề cấp bách, nền tảng CNTT hiện đại giúp tăng năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng cũng đề nghị phía Thụy Điển hỗ trợ đào tạo phát triển báo chí, viễn thông, tổ chức các hội thảo TT&TT tại Việt Nam và cấp học bổng đào tạo bồi dưỡng phóng viên báo chí, kỹ sư viễn thông, phát triển mạng băng rộng, IoT, thành phố thông minh.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Thụy Điển, là quốc gia hàng đầu ở Bắc Âu sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh, kinh nghiệm sử dụng năng lượng bền vững, giảm thiểu chất thải, tái sử dụng và tái chế.
Bộ trưởng Thương mại và các vấn đề EU của Thụy Điển phát biểu tại buổi tiếp |
Đối với các đề nghị của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Tham tán thương mại Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của Việt Nam trong việc xây dựng thành phố thông minh đến năm 2020 là trong tầm tay. Việt Nam là thành viên tích cực trong Liên minh viễn thông châu Á Thái Bình Dương, còn Thụy Điển có nhiều công ty tiên phong trong việc xây dựng thành phố thông minh. Bà Tham tán thương mại cam kết Thụy Điển sẵn sàng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện các công ty Thụy Điển cũng quan tâm đến việc Việt Nam đang xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thông tin như thế nào để tiến tới xây dựng thành phố thông minh.
Liên quan đến an toàn thông tin, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Việt Nam đặc biệt quan tâm đến đảm bảo an toàn thông tin và sự bảo mật cho các thành phố thông minh, nhất là sau vụ Vietnam Airlines bị tin tặc tấn công. Bộ trưởng cho rằng bên cạnh các giải pháp tối ưu để xây dựng Thành phố thông minh thì bảo mật cũng đặc biệt cần được lưu ý.
Đối với các đề nghị và đề xuất từ phía Bộ TT&TT Việt Nam, Bộ trưởng Anne Linde cam kết Thụy Điển sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng thành phố thông minh gắn chặt với đảm bảo an toàn thông tin. Bà cũng tin tưởng rằng các giải pháp sáng tạo của Thụy Điển có thể giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề đang nổi cộm như giao thông, năng lượng....