Thông tin tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2015, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm 2011-2014.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2015 ước đạt 162,4 tỷ USD tăng 8,1% so với năm 2014 loại trừ yếu tố giá tăng 12,4% (chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá giảm 3,8%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá năm 2015 ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98 tỷ USD, tăng 16,4%, khu vực kinh tế trong nước đạt 67,6 tỷ USD, tăng 6,3%.
Trong khi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước mới tăng 0,63%, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05%. Đây là mức tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 đến nay.
Lý giải về con số lạm phát thấp kể trên, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân do giá các mặt hàng thiết yếu như y tế, giáo dục, giá dầu thô giảm liên tục đã khiến CPI cả năm tăng thấp.
Về các mục tiêu của năm 2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng của năm 2016 là 6,7%, lạm phát dưới 5%, tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu 10%.
"Năm 2016 Tổng cục Thống kê nhận thấy nền kinh tế có những điểm thuận lợi và khó khăn như giá dầu thô có thể tiếp tục giảm theo đó, khó khăn trực tiếp là ảnh hưởng đến thu ngân sách nhưng thuận lợi là thúc đẩy sản xuất, tăng thu của nền kinh tế", ông Lâm phân tích.
Đặc biệt, ông Lâm nhấn mạnh, năm 2016 nhiều khả năng các Bộ ngành liên quan và Chính phủ sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục và có khả năng điều chỉnh giá điện tiến tới giá theo cơ chế thị trường.
"Điều chỉnh này để các ngành sản xuất dịch vụ công và điện tiến tới cơ chế thị trường và không phải bù lỗ nhưng chúng tôi đánh giá không hẳn thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế vì điều chỉnh không kích thích thu và điều chỉnh như vậy người dân chi tiêu nhiều hơn cho các loại dịch vụ. Điều chỉnh này cần lường được thuận lợi khó khăn tác động đến chỉ số giá, tăng trưởng kinh tế", ông Lâm lưu ý.
Vị Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng phân tích thêm, điều chỉnh dịch vụ công không kích thích bên cung, bên sản xuất, làm tăng CPI, khiến các chi phí đắt đỏ. Hộ dân cư trong trường hợp khám bệnh, bỏ chi phí cao hơn cho việc học hành, sẽ dành ít thu nhập cho các chi tiêu khác.
Theo Bizlive