Tin tức

Mỹ sẽ tiếp tục ra tay trừng phạt thêm 5 công ty Trung Quốc nữa

VietTimes -- Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang nóng lên hàng ngày. Mỹ có vẻ quyết đẩy nhanh tiến độ đánh phá các công ty công nghệ Trung Quốc. Sau Huawei, sẽ có thêm 5 công ty nữa “lên thớt”. Phía Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ...
Sau Huawei, đến lượt Hikvision bị Mỹ ra tay trừng phạt trong cuộc chiến mậu dịch đang ngày càng nóng lên
Sau Huawei, đến lượt Hikvision bị Mỹ ra tay trừng phạt trong cuộc chiến mậu dịch đang ngày càng nóng lên

Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 22.5 đưa tin, chính phủ Donald Trump đang xem xét chặt đứt  việc cung ứng công nghệ cho 5 công ty Trung Quốc, trong đó có 2 công ty chuyên sản xuất các thiết bị giám sát là Hikvision (Hải Khang Uy Thị) có trụ sở ở Hàng Châu và Zhejiang Dahua (Đại Hoa Chiết Giang), 3 công ty còn lại chưa được nêu rõ tên. Tuy nhiên, theo truyền thông Mỹ thì các công ty bị đánh có thể là Tencent (Đằng Tấn), iCarbonX (Khôi Vân) và SenseTime (Thương Thang).

The New York Times ngày 22.5 đưa tin, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang xem xét việc hạn chế hãng chuyên sản xuất thiết bị giám sát Hikvision của Trung Quốc mua công nghệ của Mỹ. Báo này viết, chính phủ Mỹ có kế hoạch đưa Hikvision vào bản danh sách đen. Lý do trừng phạt Hikvision được cho là vì Hikvision đã tham gia vào việc kiểm soát, bắt bớ người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo ở Tân Cương.

Hikvision là một trong những hãng sản xuất thiết bị giám sát lớn nhất trên thế giới; nếu họ bị đưa vào danh sách đen thì bất cứ công ty nào bán thiết bị hay linh kiện cho Hikvision cũng phải xin phép Bộ Thương mại Mỹ, được phê chuẩn mới được bán.

Tranh biếm của Đa Chiều về việc Mỹ trừng phạt công ty Huawei
Tranh biếm của Đa Chiều về việc Mỹ trừng phạt công ty Huawei

Ngay sau khi tin này được lan ra, giá cổ phiếu của Hikvision trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị mất đứt 10% trong phiên giao dịch ngày 22.5 – theo Reuters.

Theo Đa Chiều, Hikvision là công ty đi đầu trên thế giới cung cấp thiết bị để giải quyết phương án cốt lõi liên kết mạng bằng hình ảnh, hiện Hikvision có các công ty chi nhánh tại 34 thành phố của Trung Quốc và có các công ty 100% vốn hoặc chung vốn tại Hongkong, Ấn Độ và Los Angeles (Mỹ), công ty đang tiếp tục kế hoạch thiết lập nhiều chi nhánh trên toàn cầu. Hiện Hikvision có 34 ngàn nhân viên ở trong, ngoài nước.

Tính đến năm 2018, Hikvision liên tục 7 năm liền đứng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị giám sát, hiện chiếm thị phần 22,61% toàn thế giới; từ 2018, Hikvision bắt đầu phát triển các nghiệp vụ mới sản xuất người máy và dữ liệu thông minh. Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 22.5 cho biết, doanh thu ở nước ngoài của Hikvision năm 2018 chiếm 28,47% tổng doanh thu của công ty, trong đó thị trường Mỹ chiếm 20% nghiệp vụ ở bên ngoài Trung Quốc.

Là công ty internet lớn nhất của Trung Quốc, Tencent hiện vẫn chưa thấy có động tình gì, nhưng ông Mã Hóa Đằng, người sáng lập công ty hôm 21.5 đã lên tiếng tại Bắc Kinh về việc Mỹ trừng phạt Huawei. Ông nói: Trung Quốc đã ở phía trước của sự phát triển, không gian còn lại ngày càng trở nên hạn hẹp; ông lúc nào cũng quan tâm đến sự kiện Huawei và ZTE, chú tâm đến việc va chạm mậu dịch liệu có biến thành chiến tranh công nghệ hay không?

Công ty chuyên về trí tuệ nhan tạo iCarbonX sẽ là nạn nhân tiếp theo của ông Donald Trump
Công ty chuyên về trí tuệ nhan tạo iCarbonX sẽ là nạn nhân tiếp theo của ông Donald Trump

Ông chủ Tencent này nhấn mạnh: Trung Quốc cần bỏ nhiều công sức hơn vào việc nghiên cứu hạ tầng và công nghệ then chốt, nếu không nền kinh tế số sẽ là ngôi nhà cao tầng xây trên đụn cát, rất khó khăn.

iCarbonX và Sense Time đều là các công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI). Sense Time cũng bị phía Mỹ cho là đã vi phạm nhân quyền khi sử dụng công nghệ của họ ở Tân Cương.

 Phản ứng trước những thông tin về vệc Mỹ đang xem xét trừng phạt công ty Hikvision, ngày 22.5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung Quốc Lục Khảng đã lên tiếng tại cuộc họp báo thường kỳ, nhắc lại lập trường của Trung Quốc: quan hệ mậu dịch giữa các quốc gia cần phải bình đẳng.

Ông Lục Khảng nói: “Gần đây Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ rõ lập trường phản đối cách làm của Mỹ lạm dụng sức mạnh quốc gia, tùy tiện bôi đen và áp chế các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty của Trung Quốc. Thái độ của Trung Quốc là rất rõ ràng và nhất quán”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng: Mỹ đã lạm dụng sức mạnh quốc gia, tùy tiện bôi đen và áp chế các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty của Trung Quốc
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao  Trung Quốc Lục Khảng: Mỹ đã lạm dụng sức mạnh quốc gia, tùy tiện bôi đen và áp chế các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty của Trung Quốc

Ông nói, phía Trung Quốc luôn yêu cầu các công ty của mình triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài trên cơ sở tuân thủ quy luật thị trường và quy tắc quốc tế; đồng thời cũng luôn yêu cầu các nước khác đối xử công bằng, không kỳ thị với các công ty Trung Quốc. Lục Khảng nhấn mạnh: quan hệ mậu dịch và đầu tư giữa các quốc gia phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng cùng có lợi.

Về phía Hikvision, là một công ty lớn chuyên sản xuất các thiết bị giám sát, lúc đầu Hikvision đã lên tiếng tuyên bố, các hãng cung ứng chip cho họ chủ yếu là của Trung Quốc, nên dù Mỹ có chặt đứt việc các công ty Mỹ cung ứng thì cũng không ảnh hưởng lắm.

Tuy nhiên sau đó, Hikvision lại ra tuyên bố: “Chúng tôi đã chú ý tới các thông tin liên quan và mong công ty được đối xử công bằng, công chính. Là một công ty thương mại, Hikvision luôn giữ bổn phận công ty thương mại của mình”.

Trụ sở của công ty Hikvision ở Hàng Châu
Trụ sở của công ty Hikvision ở Hàng Châu

Hikvision cũng phủ nhận thông tin của phía Mỹ chỉ trích các thiết bị của họ được sử dụng vào việc giám sát, khống chế người Hồi giáo ở Tân Cương.Tuyên bố viết: “Công ty chưa từng bị bất cứ chính phủ nào hay tổ chức nhân quyền nào điều tra về cái gọi là vấn đề nhân quyền ở Tân Cương; cũng chưa từng có cơ quan truyền thông nước ngoài nào đưa tin chân thực, toàn diện về vấn đề này liên quan đến Hikvision. Chúng tôi là hãng cung ứng sản phẩm, chưa từng có bất cứ hành vi không thích hợp nào ở Tân Cương. Trước đây, hiện nay và sau này, công ty cũng sẽ không dùng xâm phạm nhân quyền làm điều kiện để tiến hành nghiệp vụ kinh doanh. Công ty cũng đã chủ động mời các nhân sĩ chuyên môn của Mỹ tiến hành thẩm tra độc lập về nghiệp vụ của công ty tại Tân Cương; sau khi các nhân sĩ này có được chứng cứ đầy đủ sẽ trả lời sự quan tâm của các bên liên quan ở nước ngoài”.