Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tăng nhiệt, doanh nghiệp EU lãnh đủ

VietTimes -- Các công ty của châu Âu đang "đứng giữa làn đạn" trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và rất nhiều công ty quan ngại về tương lai hoạt động của họ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - theo một nghiên cứu về hoạt động kinh doanh công bố hôm đầu tuần.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu (Nguồn: AFP)
Xung đột thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu (Nguồn: AFP)

Theo Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington sẽ không có lợi cho các công ty châu Âu, ngược lại với những gì mà người ta từng hy vọng khi cuộc đối đầu này bắt đầu bùng nổ vào năm ngoái.

"Giờ thì căng thẳng thương mại được xem là tín hiệu đầy bất ổn đối trong môi trường kinh doanh, là vấn đề sẽ khó có thể được giải quyết một cách nhanh chóng, dù là có một thỏa thuận hay không" - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại EU ở Trung Quốc Charlotte Roule nhận định - "Theo các thành viên của chúng tôi, căng thẳng thương mại ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của họ".

Theo nghiên cứu mà Phòng Thương mại EU công bố, cuộc chiến thương mại là một trong những mối quan ngại hàng đầu của các công ty châu Âu đang hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc (23%), tiếp đến là sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc (45%), nền kinh tế toàn cầu (27%) và chi phí nhân công tăng ở Trung Quốc (23%).

Nghiên cứu trên được thực hiện trên 585 công ty khác nhau, bắt đầu từ tháng 1 năm nay, trong lúc mà căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tạm lắng. Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng sau đó bùng phát trở lại vào đầu tháng 5, khi mà Mỹ và Trung Quốc tăng cường các đòn áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của nhau.

Ngay từ đầu năm, có tới 1/4 tổng số doanh nghiệp của EU hoạt động ở Trung Quốc nói rằng họ đang chịu ảnh hưởng từ việc Mỹ tăng thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Nhiều công ty châu Âu chế tạo ra các sản phẩm của họ ở Trung Quốc sau đó xuất khẩu ra thị trường toàn cầu. Trong bối cảnh căng thẳng tăng nhiệt trở lại, một số lượng nhỏ (6%) các công ty châu Âu đã lựa chọn dời, hoặc có kế hoạch dời các nhà máy sản xuất của họ sang châu Âu hoặc một nước khác ở châu Á.

Nhiều công ty châu Âu cho rằng, sự khó khăn mà họ đang gánh chịu đến từ chính chiến dịch chống lại Bắc Kinh mà chính quyền Trump áp dụng.

"Các vấn đề cơ bản khuấy động cuộc chiến thương mại cần phải được giải quyết, bằng cách gỡ bỏ các rào cản tiếp cận thị trường và các rào cản quy định, cùng lúc thúc đẩy cải cách các doanh nghiệp nhà nước, giải quyết vấn đề về chuyển giao công nghệ ép buộc" - ông Roule nhấn mạnh.

Có khoảng 20% số doanh nghiệp châu Âu tham gia nghiên cứu nói rằng họ bị ép buộc phải chuyển giao công nghệ cho một đối tác Trung Quốc - tăng gấp đôi so với cách đây 2 năm - trong khi 24% số doanh nghiệp trên nói rằng họ việc chuyển giao ép buộc đang diễn ra. Những hoạt động này là "không thể chấp nhận", ông Roule nói.

Theo bản nghiên cứu, có hơn một nửa số doanh nghiệp châu Âu hoạt động ở Trung Quốc nói rằng việc bảo vệ tài sản trí tuệ ở nước này "không thỏa đáng", 45% nói rằng họ bị "đối xử không công bằng" so với các đối tác Trung Quốc.

(ảnh Insurance Business America)
(ảnh Insurance Business America)

Các công ty quốc doanh cùng các chi nhánh của chúng chính là nguyên nhân của vấn đề này. Nhiều công ty châu Âu cáo buộc các công ty nhà nước và chi nhánh của họ đang được đối xử thiên vị, trong đó 62% nói rằng các công ty trên được tiếp cận nhiều hơn với các hợp đồng kinh doanh.

Và viễn cảnh còn đang trở nên mở mịt hơn, khi chỉ có 45% doanh nghiệp EU nói rằng họ có quan điểm lạc quan về dự báo tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của họ trong 2 năm tới ở Trung Quốc - trong khi con số này trong năm ngoái là 62%. Một nửa số doanh nghiệp nói rằng họ không thể hy vọng vào một sân chơi bình đẳng ở Trung Quốc trong vòng 5 năm tới, thậm chí xa hơn.

53% số doanh nghiệp EU nói rằng việc làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn trong năm ngoái, tăng từ mức 48% cách đó 1 năm. Nhiều công ty chỉ ra rằng "các quy định và luật lệ nhập nhằng" ở Trung Quốc chính là nhân tố chính gây cản trở hoạt động làm ăn kinh doanh.

Khó khăn trong việc tiếp cận Internet - đang được chính quyền Bắc Kinh kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ - là yếu tố gây cản trở hoạt động làm ăn của khoảng 51% số doanh nghiệp châu Âu. Nhưng bất chấp những vấn đề trên, Trung Quốc vẫn là một trong ba điểm đến hàng đầu mà 61% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn đầu tư trong tương lai, tăng nhẹ so với năm ngoái, trong khi 52% nói rằng họ có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc trong năm nay.