Mua laptop mới, đừng bao giờ để “giá khởi điểm” làm mờ mắt!

Khi đang tìm mua một chiếc laptop mới, hẳn bạn sẽ thấy nhiều đơn vị bán lẻ hoặc website của nhà sản xuất liệt kê nó với mức "giá khởi điểm" hoặc "giá từ…"thường khá hấp dẫn. Tuy nhiên hãy cẩn thận!
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giống như mua một chiếc xe hơi đời mới mà không có máy lạnh hay đầu đĩa, mức "giá khởi điểm" thực sự không đáng một chút nào cả.

Hãy lấy ví dụ với Microsoft Surface Pro, chiếc máy tính có giá bán "dễ gây hiểu lầm nhất". Mẫu tablet này được quảng cáo là "thay thế laptop" có giá bán từ 799 USD (18,1 triệu đồng) và được làm nổi bật trên trang chủ của Microsoft. Tuy nhiên cái giá đó lại không đi kèm bàn phím Type Cover, thứ giúp biến Surface Pro thành laptop như những gì Microsoft nói. Nó được bán riêng với giá 129 USD (khoảng 3 triệu đồng).

Chưa dừng lại ở đó. Mức giá trên là của phiên bản Surface Pro rẻ nhất với CPU Intel Core m3 không mấy mạnh mẽ cùng 4GB RAM, chỉ đủ cho các nhu cầu văn phòng cơ bản. Ổ cứng SSD trên chiếc máy này cũng chỉ là 128GB và sẽ nhanh chóng bị đầy nếu cài nhiều phần mềm hoặc lưu dữ liệu sau một thời gian sử dụng. Để có một chiếc Surface Pro phù hợp với đa số người dùng hiện nay thì ít nhất phải là CPU Core i5, RAM 8GB và SSD 256GB với giá 1.429 USD (32,4 triệu đồng), cao hơn 79% so với mức giá khởi điểm trên website.

Với cách để giá này, một người có thể mua phiên bản Surface Pro 799 USD và dùng nó như một chiếc tablet để giải trí, giống như một chiếc xe Jeep có 2 bánh vậy.

Không chỉ Microsoft mà nhiều nhà sản xuất khác cũng làm nổi bật giá bán khởi điểm rất hấp dẫn cho phiên bản thấp nhất của một dòng máy nào đó. Dell XPS 13 có giá từ 799 USD (18,1 triệu đồng) nhưng chỉ với CPU Core i3, RAM 4GB và SSD 128GB. Nếu muốn có CPU nhanh hơn, RAM và SSD nhiều hơn cho nhu cầu cần thiết thì bạn phải bỏ ra số tiền nhiều hơn 56% để mua về phiên bản có giá 1.249 USD (28,3 triệu đồng).

Theo trang công nghệ LaptopMag, đây cũng là một "chiêu thức" đánh vào tâm lý người dùng. Bạn thích một sản phẩm nào đó và quyết định mua nó vì cho rằng giá bán của nó quá tốt. Tuy nhiên khi biết rằng trải nghiệm của mình cần nhiều hơn thế thì bạn phải "cắn răng chịu đựng" bỏ ra thêm vài triệu, thậm chí là trên 10 triệu để lựa chọn phiên bản cao hơn. Tệ hơn là nếu không rành công nghệ, bạn có thể mua phiên bản thấp nhất, cho rằng đó là quyết định đúng đắn để rồi hối hận vì sao nó không hoạt động như quảng cáo (dành cho phiên bản cao hơn với giá mắc hơn).

Vì vậy, đừng bao giờ bị cái "giá khởi điểm" làm mờ mắt. Dưới đây là những cách giúp bạn đỡ hoang mang khi lựa chọn laptop trong quá nhiều mẫu hoặc đã "lỡ lầm" thích một chiếc laptop với giá rẻ cho phiên bản thấp nhất:

1. Tìm kiếm cấu hình phù hợp với nhu cầu: Thay vì chằm chằm vào giá rẻ nhất, hãy tìm kiếm mức giá cho cấu hình phù hợp với nhu cầu của mình. Một chiếc laptop đồng hành cùng bạn trong vài năm tới nên có cấu hình ít nhất là CPU Core i5, RAM 8GB, SSD 256GB và màn hình Full HD.

2. Lựa chọn giữa nhiều dòng máy: Bạn có thể thích Dell XPS 13 hay Surface Pro, nhưng không có điều kiện trả gần 30 triệu cho phiên bản với cấu hình phù hợp. Thay vì "chịu lỗ" giảm cấu hình để có giá rẻ hơn, hãy tham khảo một vài lựa chọn đến từ các thương hiệu khác.

3. Chờ giảm giá: Không ít dịp để các hãng hoặc nhà bán lẻ thực hiện chương trình ưu đãi giảm giá, lúc này bạn sẽ mua được phiên bản phù hợp với giá hợp lý hơn.

Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư
http://vnreview.vn/tin-tuc-thi-truong/-/view_content/content/2310395/mua-laptop-moi-dung-bao-gio-de-gia-khoi-diem-lam-mo-mat