Khoảng 800 tài liệu, gồm các file thuyết trình trước khách hàng, dữ liệu phân tích nguyên nhân sụt giảm doanh thu, thông tin quan trọng liên quan đến kỹ thuật như mã nguồn, mọi dữ liệu nhạy cảm bậc nhất của tập đoàn Nortel đều được gửi đến Trung Quốc vào một ngày thứ 7, tháng 4/2004.
Trong thời kỳ đỉnh cao của Nortel năm 2000, công ty sản xuất thiết bị viễn thông này thuê 90.000 nhân lực và có giá trị vốn hóa 250 tỷ USD theo thời giá hiện nay, chiếm hơn 35% giá trị thị trường chứng khoán Canada.
Cơ sở nghiên cứu của Nortel ở Ottawa nằm ngay trung tâm một hệ sinh thái công nghệ, bao quanh là hàng chục startup vốn đầy nhân viên cũ của họ. Nortel thống trị thị trường với hệ thống truyền dẫn cáp quang, phát minh cả thiết bị không dây màn hình cảm ứng trước iPhone 10 năm, có trong tay hàng nghìn bằng sáng chế.
Thay vì để mất các kỹ sư của mình về Thung lũng Silicon như những công ty khác, Nortel tự thân thu hút lập trình viên xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới. Công ty cũng được tin rằng có khả năng đặt nền móng phát triển cho các mạng không dây thế hệ mới, tức 4G và 5G.
Sự tăng trưởng nhanh chóng, đầy thành công của Nortel khiến họ trở thành mục tiêu. Bắt đầu từ cuối những năm 1990, Cơ quan An ninh Tình báo Canada (CSIS) nhận thấy lưu lượng truy cập bất thường cho thấy tin tặc ở Trung Quốc đang đánh cắp dữ liệu từ Ottawa.
“Chúng tôi đã đến trụ sở ở Ottawa và nói với các giám đốc điều hành rằng họ đang bị bòn rút chất xám. Nhưng họ chẳng thèm làm gì cả”, ông Michel Juneau-Katsuya, cựu nhân viên CSIS nói.
Đến năm 2004, các tin tặc đã xâm nhập vào hàng ngũ cao nhất của Nortel. Tài khoản đã gửi khoảng 800 tài liệu tới Trung Quốc là Tổng giám đốc điều hành Nortel Frank Dunn.
Bốn ngày trước khi Dunn bị sa thải do nhiều lần gian lận trong báo cáo lợi nhuận, một hacker đã dùng tài khoản ông ấy gửi những tài liệu mật đến địa chỉ IP của Shanghai Faxian, công ty không hề có giao dịch nào với Nortel.
Kẻ đánh cắp tài liệu đương nhiên không phải Dunn. Các tin tặc đã chiếm được mật khẩu của ông ấy và sáu người thuộc bộ phận quang học quan trọng bậc nhất của Nortel, vốn được đầu tư hàng tỷ USD.
Kẻ xâm nhập lấy toàn bộ nội dung quan trọng từ hệ thống của Nortel: Phát triển sản phẩm, R&D, tài liệu thiết kế, biên bản…
Brian Shields, cố vấn cao cấp bảo mật hệ thống và là thành viên của nhóm năm người điều tra sự cố lần đó so sánh "vụ hack như những cái máy hút bụi hút sạch dữ liệu của Nortel".
Nhiều năm sau, khi Brian nghiên cứu lại sự cố năm xưa, ông nhận ra cách giải quyết không thỏa đáng ngay từ đầu của công ty là khởi nguồn của kết thúc sau này.
Có lẽ mờ mắt bởi sự kiêu ngạo vì đã trở thành người dẫn đầu thị trường, hoặc phân tâm do hàng loạt thất bại trong kinh doanh, Nortel không bao giờ cố gắng tìm hiểu thông tin đã bị đánh cắp thế nào. Công ty chỉ thay đổi các mật khẩu và không nằm ngoài dự đoán, Nortel lại tiếp tục bị đột nhập.
Đến năm 2009, Nortel phá sản.
Chân tướng kẻ đứng sau vụ tấn công vẫn còn là ẩn số. Cũng không ai biết được số dữ liệu bị đánh cắp cụ thể đã được gửi đến đâu. Nhưng Shields cùng với những người theo dõi vụ việc đều nghi ngờ Huawei chính là gián điệp của chính phủ Trung Quốc.
Đứng trước làn sóng buộc tội, Huawei một mực từ chối nhận trách nhiệm, cho rằng công ty không hề liên quan đến số dữ liệu bị hack của Nortel.
“Bất kỳ cáo buộc gọi Huawei là gián điệp đều không đúng sự thật. Không có sản phẩm hay công nghệ nào của chúng tôi được phát triển bằng những phương pháp bất chính hoặc không phù hợp”, đại diện Huawei cho biết.
Nhưng không thể không phủ nhận một điều, trong khi Nortel gặp rất nhiều khó khăn, Huawei lại bất ngờ vùng lên mạnh mẽ nhờ sự giúp đỡ từ các tổ chức tư nhân, các khoản vay hào phóng từ một số ngân hàng quốc doanh. Ngoài ra, Huawei còn có khả năng chịu lỗ khổng lồ trước khi thu lời từ sản phẩm.
Hơn nữa, công ty triển khai các dự án săn đón khách hàng lớn của Nortel, cũng như thuê các nhà nghiên cứu giúp họ vượt lên dẫn đầu phát triển hệ thống mạng 5G.
Theo Shields, chính hoạt động gián điệp kinh tế đã trực tiếp hủy hoại Nortel. “Điều chúng ta cần làm là nhìn vào thực tế, hiện giờ ai đang chiếm lấy vị trí số 1 và họ đã bước lên nhanh như vậy nhờ vào đâu?”, ông đặt câu hỏi.
Tất cả biết Huawei qua những dòng điện thoại. Công ty này bắt đầu kinh doanh di động giá rẻ vào năm 2004. Sau đó, họ bắt đầu sản xuất những mẫu riêng biệt với bộ vi xử lý cao cấp, màn hình lớn và phần mềm cũng được cải tiến mượt mà hơn.
Với những nỗ lực không ngừng, Huawei vươn lên vị trí thứ 2 trong sản xuất điện thoại, chỉ xếp sau Samsung, đứng trên cả Apple.
Thế nhưng, năng lực thực sự của Huawei lại nằm ở lĩnh vực khác. Huawei bán ra những bộ định tuyến và chuyển đổi dữ liệu trực tiếp, máy chủ lưu trữ dữ liệu, linh kiện cho cáp quang truyền tín hiệu, ăng ten radio gửi dữ liệu đến các thiết bị không dây cùng với phần mềm quản lý.
Huawei tự tin có thể xây dựng hệ thống của mình ở bất cứ đâu trên hành tinh, gồm cả “nóc nhà thế giới” Everest, sa mạc Sahara hay thậm chí là Bắc Cực.
Cựu kỹ sư quân sự Nhậm Chính Phi thành lập Huawei vào năm 1987 tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Thời điểm đó, chính phủ nước này đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào thiết bị viễn thông nước ngoài.
Sự ra đời của Huawei cũng như hàng trăm công ty khác là bàn đạp để đẩy nhanh quá trình. Quan sát thấy chính phủ dần bỏ bê nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là viễn thông, ông Nhậm thúc đẩy phát triển thị trường ở những vùng sâu vùng xa và nghiễm nhiên, Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị giá rẻ, đáng tin cậy và dễ bảo trì.
Những năm 1990, Huawei bắt đầu rót tiền vào các dự án nghiên cứu và phát triển. Vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ, công ty giành được rất nhiều hợp đồng lớn.
Huawei cũng đánh bại Shanghai Bell để trở thành nhà sản xuất thiết bị chuyển mạch lớn nhất nước bằng cách cung cấp nhiều thiết bị miễn phí vào hợp đồng. Trong thị trường sản xuất bộ định tuyến, Huawei chiếm vị trí độc tôn của Cisco System bằng cách giảm 40% cho các thiết bị tương đương.
Đến những năm 2000, Huawei bắt đầu xâm nhập thị nước ngoài với sự trợ giúp lên đến 10,6 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, hạn mức tín dụng 100 tỷ USD trong thập kỷ tiếp theo.
Công ty còn cung cấp những khoản vay dài hạn, chi phí thấp cho các cơ sở dịch vụ viễn thông và mạng di động để mua thiết bị của mình.
Năm 2005, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho chính phủ Nigeria vay 200 triệu USD để mua thiết bị Huawei cho mạng không dây quốc gia với lãi suất chỉ có 1%, thấp đến mức vô lý so với chuẩn 6% tại thời điểm đó. Doanh thu từ nước ngoài của Huawei cũng từ đó tăng lên gấp 100 lần, từ 50 triệu USD năm 1999 lên đến 5 tỷ USD vào năm 2005.
Nhưng cũng trong thời gian này, các công ty viễn thông phương Tây bắt đầu lên tiếng về những hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ của Huawei. Tuy nhiên, hầu hết vẫn phớt lờ, cho rằng đây chỉ là đối thủ cạnh tranh giá rẻ, sớm muộn cũng sẽ gặp khó trên thị trường sân nhà.
Họ đã lầm, năm 2005, Huawei làm cả ngành công nghiệp viễn thông choáng váng khi thắng thầu một phần dự án trị giá 19 tỷ USD, thay thế 16 mạng điện thoại quốc gia ở Mỹ bằng một mạng kỹ thuật số duy nhất.
Nortel và Marconi Corp bị loại trên chính sân nhà. Sau đó, năm 2008, Huawei tiếp tục quật ngã Nortel, giành được hợp đồng trong một phần dự án mạng không dây trị giá 1 tỷ USD ở Canada cho Telus Corp và BCE Inc.
Phần lớn người dùng nhận định các sản phẩm của Huawei có chất lượng tốt và giá thành rất hợp lý. Nhưng cũng vì điều này lại khiến nhiều người, đặc biệt là ở Mỹ lo ngại Huawei sẽ sở hữu phần lớn cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng của thế giới nhờ sự hậu thuẫn từ chính phủ Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Huawei cũng cho rằng đối thủ của họ cũng nhận được sự ủng hộ rất lớn từ chính phủ. Nhưng trên thực tế vào năm 1990, Nortel đã phải cầm cự bằng chính ngân sách công ty, chịu tổn thất to lớn khi "bong bóng dot com" bị vỡ.
Mất các hợp đồng lớn vào tay Huawei, Nortel vẫn cho thấy những tín hiệu lạc quan vào năm 2008. Nhưng đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu buộc thị trường tín dụng đóng băng, Nortel một lần nữa lên tiếng cầu cứu.
Thay vì nâng đỡ doanh nghiệp viễn thông lớn nhất nước, Thủ tướng Canada Stephen Harper lại chi tiền vào ngành công nghiệp ôtô nhằm duy trì hoạt động các nhà máy trong nước. Tuy nhiên, mọi tính toán của ông bị chệch hướng. Canada mất 3,7 tỷ USD cho thỏa thuận trên song nhà máy lớn ở Oshawa vẫn phải đóng cửa.
Nortel rốt cuộc bị các đối thủ Ericsson, Ciena và Avaya mua lại.
Năm 2013, công ty an ninh mạng Mandiant tuyên bố hoàn thành cuộc điều tra toàn diện các vụ tấn công mạng do 141 công ty ở Mỹ, Canada và những quốc gia nói tiếng Anh khác trong 9 năm trước.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy trong mọi trường hợp, dữ liệu đều được dẫn về một quận nằm ở Thượng Hải, gần đơn vị quân đội Trung Quốc có nhiệm vụ theo dõi mạng máy tính ở Mỹ và Canada. Mandiant, hiện là một bộ phận của FireEye Inc, nói ra điều mà ai nấy cũng hoài nghi: Chính phủ Trung Quốc trực tiếp tham gia vào hoạt động gián điệp kinh tế.
Bản thân Huawei nhiều lần bị buộc tội vi phạm sở hữu trí tuệ, nối tiếng nhất là năm 2003 khi Cisco cho biết họ phát hiện một công ty Trung Quốc đánh cắp mã nguồn từ bộ định tuyến, sao chép màn hình trợ giúp, hướng dẫn sử dụng, lỗi chính tả và tất cả tính năng khác.
Trong vụ kiện khác với cáo buộc đánh cắp IP, Quintel Technology Ltd, nhà phát triển ăng ten không dây ở Rochester, New York, trích dẫn một ứng dụng của Huawei có bằng sáng chế ở Mỹ chứa thông báo bản quyền “Quintel Technology Limited 2009”.
Trong cả hai trường hợp, Huawei đều từ chối trách nhiệm và bác bỏ hoàn toàn. Vào đầu năm nay, Huawei một lần nữa bị buộc tội ăn cắp thông tin. Bộ Tư pháp Mỹ chỉ đích danh công ty này âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của 6 thương hiệu lớn trong nước.
Trung Quốc nhiều lần thay mặt chính các công ty trong nước phủ nhận việc gián điệp mạng. Song, quan chức tình báo, giới lãnh đạo công nghệ phương Tây, tất nhiên chẳng màng lắng nghe.
Tháng 6, cựu Chủ tịch Google Eric Schmidt nhắc lại cáo buộc Huawei đã tạo ra các cửa hậu xâm nhập vào công nghệ của công ty.
“Không còn gì nghi ngờ việc Huawei có dính líu tới một số hoạt động không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia. Chúng tôi chắc chắn những thông tin mà công ty này có được từ các bộ định tuyến hãng kinh doanh đã tới tay chính quyền”, ông Eric ví von Huawei như một cơ quan gián điệp.
Trước đó, hồi đầu năm nay, Ủy viên Truyền thông Liên bang Mỹ Brendan Carr cũng tuyên bố Trung Quốc và Huawei có dính líu với nhau.
Năm 2018, bà Mạnh Vãn Châu, con gái lớn của ông Nhậm bị bắt ở Canada theo lệnh của Mỹ vì tội lừa đảo. Trung Quốc ngay lập tức bỏ tù 2 người Canda để trả đũa.
Bà Mạnh tạm thời được tự do ở Canada trong khi chờ phán quyết cuối cùng có bị dẫn độ sang Mỹ hay không.
Huawei trong nỗ lực chứng minh không có bất kỳ dính dáng nào đến chính phủ Trung Quốc, nhiều lần mời phóng viên nước ngoài đến trụ sở ở Thâm Quyến để kiểm tra danh sách cổ đông.
Tuy nhiên, giới phê bnh cho rằng chỉ bấy nhiêu là không đủ để chứng minh Huawei “vô tội”. Bởi luật pháp Trung Quốc bắt buộc mọi công ty phải hợp tác với nhà nước trong công tác tình báo an ninh quốc gia, đồng thời giữ bí mật chuyện này.
Các công ty Mỹ cũng bị cáo buộc có hoạt động tương tự, đặc biệt sau scandal của cựu nhân viên CIA Edward Snowden.
Cuộc tấn công vào Nortel ở khía cạnh nào đó, thậm chí còn tồi tệ hơn so với những vụ gián điệp mạng lớn nhất. Bởi nó kéo dài ít nhất từ năm 2000 đến 2009, gấp đôi thời gian so với bất kỳ vụ đột nhập nào trong thống kê của hãng an ninh mạng Mandiant.
Shields cho biết các kỹ thuật hack rất tinh vi, không một hacker tư nhân nào có thể làm được trừ những tin tặc cấp độ nhà nước.
Trong khi Nortel đang sụp đổ, Huawei đã lặng lẽ thuê khoảng 20 nhà khoa học phát triển công nghệ không dây 5G của Nortel về làm việc cho mình.
Điển hình như Wen Tong, từng là nhà phát minh tài năng nhất của Nortel, nay là Giám đốc công nghệ mảng kinh doanh không dây của Huawei.
Năm 2016, tại hội nghị thiết lập tiêu chuẩn cho thế hệ cơ sở hạ tầng không dây tiếp theo, các công ty viễn thông Trung Quốc đều lên tiếng ủng hộ Tong, đồng thời chống lại phương pháp cũ mà Qualcomm đã phát triển.
Sau nhiều nỗ lực, dự án trên cũng được thông qua và Huawei chính thức trở thành hạt nhân trong phát triển mạng 5G đến ngày nay.