Một cậu bé 15 tuổi phải vào viện điều trị chứng nghiện game PUBG, vấn đề này lớn đến mức nào?

VietTimes – PUBG là cơn bão đang lấy đi thời gian của nhiều người trẻ tuổi. Trò chơi dạng sinh tồn (battle royale) này đang khiến thanh thiếu niên mắc kẹt với nó. Ở Ấn Độ, một cậu bé 15 tuổi đã phải vào viện điều trị. Nhưng PUBG có thực sự là một chứng nghiện hay nhiều hơn thế?
(ảnh minh họa: Global Times)
(ảnh minh họa: Global Times)

PUBG Mobile đang làm mưa làm gió tại nhiều quốc gia trên thế giới. Kể từ khi ra mắt vào tháng 3 năm 2017, chỉ trong vòng 4 tháng đầu, người chơi đã thực hiện 10 triệu vòng chơi. Trong 3 ngày đầu tung ra, nhà phát hành game đã thu về số tiền 11 triệu USD từ những người chơi trả tiền để được tải game về máy.

Tính đến tháng 12/2018, số lượng người chơi PUBG trung bình hàng tháng là 200 triệu, còn số lượng người chơi trung bình ngày là 30 triệu.

Mỗi khi tôi đăng nhập vào PUBG bằng tài khoản Facebook của mình, tôi có thể thấy lúc nào cũng có khoảng từ 15-20 người chơi vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, thậm chí vào đêm khuya. Nội dung trò chơi rất đơn giản, bạn sẽ là 1 trong số 100 người nhảy dù xuống hòn đảo có rải rác vũ khí và các thiết bị khác. Khi bạn tiếp đất, bạn sẽ tranh giành vũ khí và sau đó giết những người khác trong một bản đồ thu nhỏ để trở thành người tồn tại cuối cùng. Bạn có thể chơi một mình, chơi đội 2 người hoặc đội 4 người.

Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) đưa tin rằng một cậu bé 15 tuổi đã được đưa vào viện điều trị chứng nghiện PUBG. Cậu bé chơi tới tận đêm khuya và thường xuyên nghỉ học. Cậu có tới hơn 10.000 người bạn trực tuyến và chỉ có vài người bạn ở ngoài đời thực. Vấn đề trở nên tồi tệ khi cậu bé không muốn thoát ra khỏi thế giới ảo.

Trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê nghiện game là một dạng rối loạn trong bảng phân loại bệnh quốc tế. Các triệu chứng của nghiện game khá rõ ràng. Người nghiện luôn ưu tiên game hơn các hoạt động khác và tiếp tục chơi game bất chấp hậu quả tiêu cực. Trường hợp của cậu bé 15 tuổi đều mang những triệu chứng đã được WHO liệt kê.

Theo một bài viết được đăng tải trên tờ The Independent vào năm 2018, một bác sỹ trị liệu nói rằng việc tặng con bạn một chiếc điện thoại thông minh giống như cho chúng uống một gram cocaine. Thanh thiếu niên dành gần như toàn bộ thời gian cho mạng xã hội hay các game online được coi là một dạng nghiện giống như nghiện ma túy và rượu. Các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cần là người giúp trẻ thoát khỏi tình trạng nghiện game.

Đã có những báo cáo về trường hợp các thiếu niên chỉ 13 tuổi đã phải đi điều trị tâm lý vì nghiện phương tiện kỹ thuật số. Hơn một phần ba thiếu niên ở Anh từ 12-15 tuổi thừa nhận họ không có sự cân bằng tốt giữa việc sử dụng điện thoại và các hoạt động khác.

Các trò chơi điện tử như PUBG luôn thu hút người chơi vì nó giúp họ đắm chìm vào một thế giới mà họ không bao giờ được thấy trong đời thực. Càng chơi nhiều, trình độ của game thủ càng được nâng cao, vật phẩm cũng nhiều hơn và họ nhận được sự thán phục của những người chơi cấp dưới. Ngày càng có nhiều game thủ gắn bó với thế giới trực tuyến để đạt được sự thỏa mãn về tâm trí thay vì tạo dựng các mối quan hệ ngoài đời thực.

Nghiện mạng xã hội và game đang tàn phá các gia đình. Bàn ăn không còn tràn ngập những cuộc thảo luận và tiếng cười. Các thành viên trong gia đình thường mải mê với điện thoại của họ trong khi ăn. Thói quen ngủ cũng đã thay đổi. Một nghiên cứu của Đại học Bocconi (Ý) và Đại học Pittsburgh (Mỹ) đã phát hiện ra rằng người dùng Internet ở Mỹ ngủ trung bình ít hơn 25 phút so với trước đây.