Được biết, nguyên đơn khởi kiện là Tập đoàn Whirlpool (Mỹ). Theo đó, Whirlpool đã cáo buộc các sản phẩm máy giặt nhập khẩu vào Mỹ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012 - 2016, từ 1,6 triệu chiếc lên 3,21 triệu chiếc. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất máy giặt của Mỹ.
Theo trình bày của Whirlpool, hai hãng công nghệ là Samsung và LG đã dùng nhiều biện pháp không chính đáng để bán máy giặt vào Mỹ với giá thấp. Chẳng hạn, hai công ty này đã chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Thái Lan để làm giảm đơn giá sản xuất và tránh thuế.
Hồi đầu năm 2016, hãng Samsung đã vận hành nhà máy trị giá 2 tỷ USD chuyên sản xuất đồ gia dụng như tivi, điều hòa, máy giặt... tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Tại Việt Nam, LG hiện vận hành 3 chi nhánh và 2 nhà máy nhà máy sản xuất đồ gia dụng, điện tử, trong đó có máy giặt.
Trước đó, vào đầu năm 2017, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm máy giặt xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế được áp ở mức rất nặng, lên tới 32,1 đến 52,5%, kéo dài trong 5 năm. Quyết định này được đưa ra sau đơn khởi kiện cũng của Tập đoàn Whirlpool và cuộc điều tra kéo dài hơn một năm của Bộ Thương mại Mỹ.
Xa hơn, từ năm 2011, Whirlpool đã nộp đơn kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm máy giặt của Samsung và LG có xuất xứ từ Hàn Quốc và Mexico. Cuộc điều tra sau đó của Bộ Thương mại Mỹ xác nhận các máy giặt Samsung và LG được sản xuất ở Hàn Quốc và Mexico được bán dưới giá thành ở Mỹ và được hưởng những khoản trợ cấp không công bằng. Sau đó, các công ty Hàn Quốc sau đó đã chuyển hoạt động sản xuất cho thị trường Mỹ sang Trung Quốc.
Với vụ kiện máy giặt xuất xứ từ Việt nam mới được phát động này, dự kiến Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ sẽ ra kết luận cuối cùng về thiệt hại vào tháng 10-2017, và nộp báo cáo lên tổng thống Mỹ để ra quyết định về việc có áp dụng biện pháp tự vệ hay không vào tháng 12/2017.