"Hãy tượng tưởng, kết nối tốc độ cao 5G đối với người dân giống như đang đi đường làng nay chuyển sang đường cao tốc. Không phải ai cũng đủ thời gian, khả năng để hiểu hết các qui định về tốc độ, biển báo để giữ an toàn cho mình và tránh gây tai nạn cho người khác", ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quản Trị và An ninh mạng Athena nói về những rủi ro của người dùng trong kỷ nguyên mạng 5G.
Sức mạnh 5G nằm ở khả năng kết nối hàng triệu thiết bị với độ trễ thấp, tốc độ cao nhưng cũng mang đến nhiều rủi ro tiềm tàng.
|
5G đang phủ bóng toàn cầu và sẽ thương mại hóa trong năm 2020. Việt Nam cũng đã thử nghiệm thành công những cuộc gọi 5G đầu tiên và thể hiện rõ quyết tâm không bị bỏ lại trong cuộc đua này. Bên cạnh những tác động không thể phủ nhận, mạng 5G cũng tồn tại những mặt trái khiến nhiều người lo ngại.
Bảo mật
Sức mạnh của 5G không chỉ nằm trên những chiếc smartphone. Thế hệ mạng mới với độ trễ thấp, tốc độ truyền nhanh sẽ mở ra thời kỳ mới của IoT. Hàng triệu thiết bị thông minh có thể kết hợp với nhau để vận hành nhà thông minh, các khu công nghiệp và thậm chí là các thành phố thông minh.
Nhưng đây cũng là mối lo ngại hàng đầu của các chuyên gia bảo mật. Chỉ cần lỗ hổng từ một thiết bị nhỏ, tin tặc có thể tấn công vào cả hệ thống để đánh cắp dữ liệu, chiếm quyền điều hành hoặc chờ ngày đánh sập tất cả.
Trong tương lai, các cuộc tấn công bằng mã độc cũng sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn trên phạm vi rộng. Nếu không chuẩn bị kỹ hệ thống bảo vệ, các công ty, tổ chức sẽ phải trả giá đắt trước những làn sóng tấn công của hacker.
Sức khỏe
Những tác động của sóng 5G lên sức khỏe con người vẫn là đề tài gây tranh cãi. Mặc dù FCC (Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ) nhiều lần khẳng định mạng 5G không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn lo ngại rằng tần số vô tuyến càng cao thì tác động của nó lên sức khỏe con người sẽ càng lớn. Cụ thể những dải tần vô tuyến (RF) của 5G sẽ cao hơn nhiều so với 4G, từ 3 đến 30 GHz, thậm chí 300 GHz.
Sóng vô tuyến trong thử nghiệm 5G bị cáo buộc là phủ phạm làm cho 150 con chim chết cùng lúc tại Hà Lan.
|
Hà Lan thậm chí phải trì hoãn 5G khỏi cuộc đấu giá các tần số quốc gia sau sự kiện hơn 100 con chim đồng loạt gục chết tại thành phố Hague, thủ phạm bị nghi ngờ là do cột buồm với các ăng-ten 5G mới được dựng lên. Thụy Sĩ cũng từng 2 lần từ chối điều chỉnh mức giới hạn về độ bức xạ cho đến khi xác định rõ tác động từ 5G đến sức khỏe con người.
Để 5G đạt được tốc độ truyền lý tưởng, các trạm phát sóng phải được xây dựng với mật độ dày trong khoảng cách ngắn. Điều này sẽ làm cho tần số sóng vô tuyến phủ kín khắp nơi. Cùng với hàng triệu thiết bị IoT được kết nối thì những lo ngại về tác động của 5G đến sức khỏe con người không phải thiếu cơ sở. Tuy nhiên người dùng cũng không cần quá lo lắng vì đến nay chưa có nghiên cứu chính thức nào được công bố về vấn đề này.
Tin giả và Deepfake
Sự trỗi dậy của bóng ma Deepfake đang khiến cả thế giới phải khiếp sợ. Trong kỷ nguyên 5G, Deepfake có thể sẽ bùng nổ theo những cách thức hoàn toàn mới. Không đơn giản là những video ghép mặt. Tốc độ truyền cực nhanh với độ trễ thấp có thể thay đổi khuôn mặt, giọng nói trong những video trực tuyến.
Viễn cảnh này có thể đưa ngành tin tức đến cuộc khủng hoảng mới. Trong khi người dùng còn chưa thể phân biệt đâu là tin giả, đâu là video Deepfake thì một hình thức lừa đảo mới, tinh vi hơn đã nhen nhóm xuất hiện với sự hỗ trợ đắc lực của 5G.
Từ 2020, 5G sẽ chính thức thương mại hóa. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng các nhà mạng đã đổ rất nhiều tiền để nghiên cứu, xây dựng hệ thống mạng mới nên các gói mạng 5G sẽ không hề rẻ. Một chiếc iPhone 5G chắc chắn sẽ đắt tiền hơn bản 4G.
Bên cạnh những mặt trái của 5G, ông Võ Đỗ Thắng và các chuyên gia bảo mật hàng đầu Việt Nam như CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng, ông Michael MacDonald - Giám đốc Kỹ thuật số, Tư vấn trưởng của Huawei Đông Nam Á sẽ nói về viễn cảnh 5G và những cảnh báo về những nguy cơ bảo mật, cách hạn chế rủi ro trong kỷ nguyên kết nối tại diễn đàn Tech Talks với chủ đề "5G và bảo mật.
Theo VnExpress