Tôi đã đọc những dòng tin, bài viết trên các trang mạng, báo điện tử tại Việt Nam ngay ngày hôm sau, và được biết trong bài phát biểu được Mark tự đánh giá là không mang tính chuẩn mực kéo dài 30 phút đề cập tới nhiều vấn đề, như về bước đường anh khởi nghiệp với dự án Facebook, về sự biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, nhập cư, về mục đích trong cuộc sống và công việc, và một quãng đời thời thiếu niên với kí ức ùa về khiến anh cảm động rơi nước mắt.
Và như một lẽ đương nhiên là, nhiều bài báo tôi đọc đã giật những kiểu tít đại loại như: Mark khóc trong ngày trở lại Đại học Harvard nhận bằng tốt nghiệp; Mark Zuckerberg khóc khi trò chuyện với sinh viên Đại học Harvard… Vâng, Mark Zuckerberg - tỉ phú giàu thứ 5 thế giới, tỉ phú trẻ nhất và giàu nhất trong độ tuổi của anh, đã có lúc khóc và không ít bài viết online đã kiếm được views từ những dòng nước mắt ấy…
Gần đây khi gặp một người quen là Việt kiều Mỹ làm công tác văn hóa, ông chia sẻ: Bạn có biết thông điệp chính, lớn nhất Mark muốn truyền tải, truyền cảm hứng cho sinh viên Harvard là gì không? Là mục đích sống, là ước mơ. Tạo mục đích và ước mơ cho chính mình và thực hiện đến cùng đã không dễ. Cấy mục đích và ước mơ cho bao người khác càng khó hơn. Nhưng không thể không làm…
Tôi cũng làm báo online vì thế càng hiểu được những kiểu giật tít câu views là như thế nào, trong đó có những áp lực và cũng có những cách đưa tin đi lệch bản chất hay thông điệp chính của một sự kiện. Câu được views ư? Cũng tốt thôi. Trong trường hợp Mark khóc và các tin bài câu views được xuất bản, đâu có gì sai. Nhưng rồi tôi ngẫm nghĩ: vấn đề là người đọc nhận được gì, hấp thụ được gì và có gì hữu ích giúp cho họ nâng cao nhận thức hoặc cảm thấy được truyền cảm hứng qua một bài báo?
Diễn văn 30 phút của Mark đã thực sự truyền cảm hứng và bản thân vị CEO giàu thứ 5 thế giới cũng rất muốn truyền cảm hứng sống, cảm hứng khởi nghiệp và làm giàu cho sinh viên. Nhưng "tam sao thất bản", những bài báo tôi đã đọc có lẽ không tiếp tục đóng được vai trò truyền tải những thông tin đầy cảm hứng đó một cách đầy đặn nhất đến cho người đọc. Bởi tình tiết Mark khóc ư, người giàu cũng khóc ư, chúng ta cũng tò mò đấy nhưng thực sự thông tin ấy chỉ thỏa mãn sự tò mò của chúng ta, nếu có giúp chúng ta "mua vui" thì cũng chỉ được vài phút giây mà thôi, còn lại chẳng còn có gì khác bổ ích.
Nhưng ở tầm một CEO như Mark Zuckerberg với mạng xã hội kết nối khoảng 1,7 tỉ người dùng, anh muốn truyền tải những thông điệp lớn hơn. Việc anh bỏ học Harvard danh tiếng nhiều người thèm muốn mà không được để lao vào làm Facebook là vì đã nuôi trong mình một mục đích và hoài bão lớn. Con người không chỉ cần phải sống có mục đích, mà còn cần có mục đích lớn cùng với hoài bão, và sống đến cùng với nó, thì may ra mới có thể đi được đến những bến bờ mình mong muốn. Khi Mark nói "bạn cần phải tạo ra mục đích cho những người khác nữa" có nghĩa là anh đang muốn truyền cảm hứng sống có mục đích từ trên bục phát biểu đến hàng trăm, hàng ngàn người đang lắng nghe. Có mục đích Mark mới vượt qua những sóng gió tranh cãi đòi bán ngay Facebook khi nó còn non trẻ để dựng nên một đế chế mạng xã hội trị giá gần 500 tỉ USD như ngày hôm nay. Có mục đích, Mark mới dám lao theo "lối mòn" bỏ học giữa chừng Harvard mà Bill Gates đã đi hàng chục năm trước đó mà không sợ thất bại. Có mục đích, ngày nay chúng ta mới có một Facebook kết nối thế giới một cách đầy mạnh mẽ.
Tôi không đánh giá hay/dở về khả năng, cao/thấp.v.v… về trí tuệ trong việc đưa tin giật tít câu views từ những giọt nước mắt của Mark Zuckerberg trong ngày trở lại Đại học Harvard. Tôi muốn nói rằng ngay cái cách chúng ta đưa tin, viết bài cũng cần có sự chọn lựa về mục đích. Cái tít câu views với nước mắt của vị tỉ phú trẻ có thể hút được sự tò mò. Song nếu chúng ta đưa những thông điệp mà Mark thực sự muốn gửi gắm đến giới trẻ, muốn truyền lửa vào giới sinh viên, thì có lẽ chí ít cũng giúp cho họ hiểu thêm về một người nổi tiếng và thành công như Mark, qua đó có thể giúp họ rút ra được gì và học được gì. Họ có thể cảm thấy được tiếp lửa, được hun đúc cho những dự định, ước mơ và thêm ý chí để theo đuổi đến cùng những kế hoạch của mình. Và hẳn nhiên, truyền tải được thông điệp rất nhân bản của Mark là muốn thôi thúc mỗi người trẻ đứng dậy nắm lấy cuộc đời mình, và trở thành một người có ích, thành công trong xã hội, là một cách đưa tin bổ ích và cũng đầy nhân bản.
Mark đã mang theo cả gia đình trong chuyến trở lại Đại học Harvard. Và tất nhiên, trong câu chuyện, những xúc động trào dâng khiến anh không kìm được nước mắt, cũng là điều rất bình thường của một con người khi trở về nơi mà mình có nhiều kỉ niệm. Nhưng câu chuyện của Mark hôm nay, không phải chỉ là gợi lại câu chuyện nước mắt, mà là thông điệp anh muốn nói: Hãy sống có mục đích. Hãy sống có khát vọng!
Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu