Mập mờ quản lý chung cư

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, đợt kiểm tra các chung cư trên địa bàn thành phố vừa qua cho thấy nổi lên tình trạng rất nhiều ban quản trị (BQT) chung cư hoạt động hết sức rối rắm, mập mờ, khiến cư dân bức xúc, xảy ra tranh chấp thường xuyên. 
Trưởng Ban Quản trị chung cư Miếu Nổi thường không có mặt để giải quyết bức xúc của cư dân
Trưởng Ban Quản trị chung cư Miếu Nổi thường không có mặt để giải quyết bức xúc của cư dân

Mấu chốt trong chuyện căng thẳng giữa cư dân và BQT chung cư Bàu Cát 2 là việc người dân không đồng tình cách thu chi và thông tin tài chính không minh bạch. Kết luận thanh tra của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy BQT vừa bị bãi nhiệm chi không hợp lý đến hơn 1,7 tỉ đồng phí vận hành.

Theo một cựu thành viên BQT chung cư, nhiều người khi được bầu vào BQT vẫn xem đây là “mối hời” bởi được ưu tiên nhiều thứ. Nhiều vị trong BQT chung cư suốt ngày chỉ làm việc riêng, không tập trung theo sát công tác vận hành, bảo trì..., gây bức xúc cho cư dân.

Anh Hà Thanh Nguyên - ngụ tại chung cư Miếu Nổi, quận Phú Nhuận - bức xúc: “Nơi tôi ở, trưởng BQT khi cần tìm thì chẳng thấy đâu. Vị này hộ khẩu vẫn còn ở chung cư nhưng đã chuyển sang nơi khác sinh sống”.

Trong khi đó, nhiều chung cư dù đã bàn giao nhà rất lâu nhưng vẫn không có BQT. Anh Nguyễn Văn Thân mua căn hộ chung cư An Hòa, quận 7 đã lâu nhưng đến nay, khu chung cư này vẫn không có BQT. “Mọi hoạt động của khu chung cư đều do một công ty dịch vụ do chủ đầu tư lập ra vận hành, thu tiền hằng tháng. Vì một mình một chợ nên đơn vị vận hành thỉnh thoảng vẫn chưa tôn trọng khách hàng dẫn đến mâu thuẫn thường xuyên. Còn quỹ bảo trì thì vẫn không biết nằm đâu” - anh ngao ngán.

Theo anh Vũ Đình Tứ - ngụ tại một chung cư trên đường Vĩnh Viễn, quận 11 - chung cư này hiện vẫn do Công ty Dịch vụ công ích quận vận hành, quản lý. Các dịch vụ như thang máy, giữ xe… đều được xé lẻ ra và tính phí trên đầu người từng tháng. “Khu chung cư khi họp tổ dân phố hầu như chỉ thông báo tin tức và đóng phí nên dần tôi cũng ngán, không muốn tham dự. Nhiều dịch vụ đã xuống cấp như thang máy nhưng đến nay vẫn chưa thấy bảo trì, nâng cấp” - anh cho biết.

Cần người năng lực, nhiệt tình

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng BQT chung cư Nguyễn Ngọc Phương, quận Bình Thạnh - cho rằng hiện nay, vấn đề đặt ra là chất lượng BQT chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị các tòa chung cư hiện đại với nhiều hệ thống phức tạp. Từ đó dễ dẫn đến việc nhiều người vào BQT chỉ nhằm mục đích riêng.

“Tôi từng hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực xây dựng nhưng nhiều khi cũng lúng túng khi đứng trước những vấn đề phát sinh của các hệ thống vận hành tự động, như thang máy của tòa nhà” - ông Sơn thừa nhận.

Thêm nữa, việc quản lý quỹ bảo trì các chung cư và các loại quỹ khác, theo ông Sơn, cần có sự giám sát từ chính quyền địa phương. Bởi lẽ, nhiều chung cư hiện nay có nguồn quỹ rất lớn. Đặt trường hợp nếu BQT chung cư thông đồng và không minh bạch, việc thất thoát hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế, đã có nhiều BQT chung cư “nhúng chàm”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng những tranh chấp, lộn xộn thời gian qua liên quan đến các BQT chung cư là do hệ thống quy định về hoạt động của họ chưa được rõ ràng, cũng không có biện pháp nào chế tài cụ thể. Với việc Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực và dự thảo quy định mới về quản lý vận hành nhà chung cư, hoạt động BQT chung cư sẽ có cơ hội đi vào nền nếp, chuyên nghiệp hơn. Yêu cầu đặt ra là các thành viên BQT phải có kiến thức chuyên môn, phải trải qua các khóa đào tạo bắt buộc về kiến thức vận hành chung cư. Hơn thế, việc có pháp nhân và con dấu riêng sẽ buộc BQT chung cư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu về hoạt động của mình.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, điểm cốt lõi vẫn là việc hội nghị nhà chung cư phải làm sao tìm ra được những người thực sự có năng lực, có uy tín để quản trị. BQT chung cư nên hoạt động theo mô hình công ty cổ phần hay mô hình ban chủ nhiệm HTX, nghĩa là phải trên cơ sở lấy ý kiến chung, đặc biệt là từ hội nghị nhà chung cư.

Có một thực tế là hiện nay, nhiều hội nghị chung cư rất khó tập hợp chủ sở hữu hay cư dân tham dự, gây khó khăn cho việc thống nhất các quy chế, mức phí, giá cả dịch vụ...

“Nói hội nghị chung cư khó huy động được người dân tham gia cũng không hẳn. Nhiều BQT chung cư hoạt động không thực sự nhiệt tình, chưa kể họ có tính toán lợi ích riêng nên người dân không hưởng ứng. Nếu BQT có năng lực, nhiệt tình với cái chung thì chắc chắn người dân sẽ hưởng ứng và tham gia các quyết sách chung cho chung cư. Đó mới là cách thức lâu dài để chung cư hoạt động ổn định và tránh các mâu thuẫn, tranh chấp” - ông Hậu nhìn nhận.

Gấp rút tháo gỡ

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc dai dẳng thời gian qua, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó quy định chi tiết hơn về hội nghị chung cư và quy chế hoạt động của BQT.

Trong khi đó, Sở Xây dựng TP HCM cũng vừa đưa ra các kiến nghị liên quan đến quyền hạn và hoạt động của BQT chung cư, bao gồm việc các thành viên phải qua tập huấn chuyên môn và trách nhiệm giám sát của địa phương. Mức phụ cấp trách nhiệm cho các thành viên BQT cũng được quy định rõ ràng, hợp lý để họ có điều kiện và động lực thực hiện công việc.

Theo NLĐ