Phần trung tâm của tên lửa Long March 5B do Trung Quốc phóng vào ngày 29/4/2021 đang bay quanh trái đất trong trạng thái mất kiểm soát và dự kiến sẽ rơi xuống Trái Đất vào khoảng ngày 8/5/2021 hoặc 9/5/2021.
Phần trung tâm của tên lửa này dài khoảng 30m, nặng khoảng 21 tấn. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Mike Howard ngày 4/5 cho biết: "Lực lượng Không gian Mỹ đang theo dõi vị trí của Long March 5B của Trung Quốc, nhưng điểm rơi chính xác dự kiến sẽ được xác định lại vào khoảng 8/5. Và vị trí đó chỉ có thể được xác định trước vài giờ trước khi nó tiếp xúc với bầu khí quyển". Hiện tại, không ai biết nơi các mảnh vỡ sẽ rơi xuống. Quỹ đạo chính xác của nó vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Nhà vật lý thiên văn Harvard Jonathan McDowell nói rằng tên lửa đang rơi với vận tốc gần 29.000 km/h, có nghĩa là một thay đổi nhỏ đối với quỹ đạo của nó sẽ làm thay đổi vị trí rơi một cách đáng kể. Theo Marlon Sorge, kỹ sư trưởng tại Trung tâm nghiên cứu mảnh vỡ quỹ đạo (CORDS), thì khoảng 20-40% khối lượng tên lửa sẽ rơi xuống bề mặt mà không cháy hết. Do Long March 5B nặng khoảng 21 tấn nên người ta cho người rằng một vật thể nặng khoảng 5 đến 7 tấn sẽ va chạm với bề mặt Trái Đất.
Những khu vực được cho là nơi các mảnh vỡ của tên lửa sẽ rơi xuống (Ảnh: BBC) |
Ngoài ra, có vẻ như việc các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống các thành phố và các khu vực đông dân cư và gây thiệt hại về người là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, điểm rơi của tên lửa dự kiến sẽ vào khoảng 41,5 độ vĩ Bắc đến 41,5 độ vĩ Nam, đây cũng là nơi sinh sống của phần lớn dân số thế giới nên nó đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.
"Thông thường, sau khi nhiệm vụ của tên lửa hoàn thành, động cơ được kích hoạt lại và thả xuống đại dương hoặc nơi khác và thiệt hại là rất ít. Nhưng Trung Quốc đã không làm điều đó. Trong ba thập kỷ qua, chỉ có Trung Quốc đưa một tên lửa lớn như vậy lên quỹ đạo và sau đó thả tự do cho nó rơi ở đâu", Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard Smithsonian cho biết.
Trong khi đó, Cơ quan vũ trụ Trung Quốc, đơn vị chịu tránh nhiệm chính trong việc này, vẫn tương đối giữ bí mật về các thông tin của tên lửa, khiến các nhà quan sát có rất ít cách để xác định chính xác nơi nó có thể rơi hoặc bao nhiêu phần của nó sẽ quay trở lại bầu khí quyển.
Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo trực thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính chức của chính quyền Trung Quốc nói rằng tên lửa đang "mất kiểm soát" và có thể gây ra thiệt hại là một sự cường điệu của Phương Tây. Tờ báo đã trích dẫn ý kiến của một số người trong ngành, nói rằng tình hình không có gì phải lo lắng.
Wang Yanan, biên tập viên chính của báo Kiến thức Hàng không Vũ trụ, được tờ báo này trích dẫn cho biết: "Hầu hết các mảnh vỡ sẽ bốc cháy trong quá trình quay lại Trái Đất... chỉ để lại một phần rất nhỏ có thể rơi xuống đất, có khả năng rơi vào các khu vực cách xa hoạt động của con người hoặc trong đại dương".
Global Times cũng dẫn lời chuyên gia hàng không vũ trụ Song Zhongping cho biết mạng lưới giám sát không gian của Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ các khu vực dưới đường bay của tên lửa và thực hiện các biện pháp để tránh thiệt hại cho các con tàu biển đi qua. Ông cũng nói thêm rằng nhiên liệu của Long March 5B là loại nhiên liệu thân thiện với môi trường nên khi chúng rơi xuống biển sẽ không gây ô nhiễm.
Ông Song chia sẻ: "Nói chung, đó là một sự thổi phồng khác của cái gọi là "mối đe dọa không gian của Trung Quốc được một số thế lực phương Tây áp dụng". Tuy nhiên trong những lần rơi trước, một tên lửa Long March 5B của Trung Quốc đã quay trở lại bầu khí quyển và các mảnh vỡ của nó được cho là đã rơi xuống một số ngôi nhà thuộc hai ngôi làng ở Bờ Biển Ngà.
Theo Independent