Mảng tối điện mặt trời, nguy cơ ô nhiễm từ pin hết hạn sử dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Điện mặt trời đang được phát triển ồ ạt nhằm thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Nhưng hiện hữu nguy cơ gây hại cho môi trường do những tấm pin hết hạn sử dụng được thải ra thường chứa chì, cadmium và các chất độc hại.

Nguy cơ ô nhiễm từ pin mặt trời hết hạn sử dụng
Nguy cơ ô nhiễm từ pin mặt trời hết hạn sử dụng

Năng lượng mặt trời có thực sự sạch?

Năng lượng mặt trời được xem là sạch hơn và là giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Thế nhưng một nghiên cứu năm 2009 của Silicon Valley Toxics Coalition (SVTC) - tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về các tác động của chất thải độc hại từ các ngành công nghiệp công nghệ cao đối với sức khỏe con người cho rằng, năng lượng mặt trời có thể không sạch. Điều này nằm ở vòng đời của những tấm pin quang điện, khi chúng được tạo ra và khi được thải bỏ.

Hoạt động sản xuất pin năng lượng mặt trời sử dụng các hóa chất nguy hiểm, thải ra khí nhà kính. Không chỉ cần đến các kim loại nặng độc hại, hoạt động sản xuất những tấm quang điện còn cần đến một lượng lớn nước và điện. Những thứ này tất nhiên được lấy từ các nhà máy dùng nhiên liệu hóa thạch.

Mảng tối điện mặt trời, nguy cơ ô nhiễm từ pin hết hạn sử dụng ảnh 1

Mảng tối điện mặt trời, nguy cơ ô nhiễm từ pin hết hạn sử dụng

Các nghiên cứu cho thấy hoạt động sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời làm tăng đáng kể lượng khí thải nitrogen trifluoride (NF3), loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính gấp 17.200 lần so với khí carbon dioxide (CO2) trong giai đoạn 100 năm.

Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm quốc gia Argonne tại Illinois và ĐH Northwestern đã phát hiện ra rằng lượng carbon thải ra từ các nhà máy sản xuất tấm quang điện tại Trung Quốc cao gấp đôi so với các nhà máy tại châu Âu. Nếu như các tấm quang điện này được sản xuất tại Trung Quốc và được lắp đặt tại Trung Quốc thì hàm lượng carbon thải ra từ năng lượng được sử dụng và năng lượng tiết kiệm từ pin quang điện sẽ được cân bằng. Nhưng những tấm quang điện sản xuất tại Trung Quốc lại được bán ra thị trường thế giới. Điều này có nghĩa hàm lượng carbon thải ra từ hoạt động sản xuất ở Trung Quốc không được cân bằng.

Theo TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), trong các tấm pin quang điện có một số chất gọi là kim loại nặng, tuy chỉ 3 - 5% nhưng không phân hủy được, khi ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước giống tro xỉ từ các bãi than thải khi sử dụng nhiệt điện than.

Ông Lu Fang, đại diện Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Trung Quốc, ước tính tới năm 2040, khối lượng các tấm pin mặt trời quá hạn sử dụng tại nước này dự kiến sẽ lên tới 20 triệu tấn - tương đương gấp 2.000 lần trọng lượng của tháp Eiffel. Thế nhưng nước này chưa chuẩn bị kế hoạch xử lý các tấm pin cũ.

Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) ước tính tới năm 2050 toàn thế giới có tới 78 triệu tấn pin mặt trời hết hạn sử dụng, từ mức vào khoảng 250.000 tấn cuối năm 2016.

Một nghiên cứu mới cho thấy Toshiba Environmental Solutions sẽ phải mất tới 19 năm để hoàn tất việc tái chế toàn bộ lượng pin năng lượng mặt trời mà Nhật Bản sản xuất vào năm 2020.

Việc xử lý, lấy lại những vật liệu giá trị tái sử dụng từ một tấm pin quang điện đòi hỏi những giải pháp tái chế chuyên biệt. Theo trang Wired, nếu không thể phát triển được những giải pháp này đồng thời với những chính sách ủng hộ nhân rộng khai thác, sử dụng điện mặt trời, nhân loại sẽ gánh nhận hậu quả nặng nề.

Chưa có giải pháp

Năm 2011, Trung Quốc cũng đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn yêu cầu các công ty tái chế ít nhất 98,5% chất thải silicon tetrachloride. Châu Âu cũng đã ban hành các điều luật khuyến nghị các công ty cắt giảm và thải bỏ hợp lý các loại chất thải điện tử nguy hiểm.

Những nhà sản xuất với định hướng xâm nhập thị trường bằng sản phẩm giá rẻ thường sẽ không quan tâm nhiều đến các tác động môi trường. Họ thường từ chối cung cấp mọi dữ liệu về môi trường cũng như dữ liệu bền vững về chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất.

Tại Việt Nam, số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, đầu tư điện mặt trời đã bùng nổ tăng cấp số nhân trong vài năm trở lại đây. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016 mục tiêu điện mặt trời đạt 850 MW vào năm 2020, lên 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.Tốc độ phát triển điện mặt trời như vũ bão nhưng vấn đề xử lý pin năng lượng mặt trời khi hết hạn sử dụng lại chưa được quan tâm thỏa đáng.

Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp tại nghị trường Quốc hội mới đây đưa ra câu hỏi “Pin điện mặt trời hết hạn sử dụng thì để làm gì? Được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng?...”. Nhưng giải đáp thắc mắc này của đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ có thể trả lời, trách nhiệm xử lý pin hết hạn sử dụng thuộc về chủ đầu tư các dự án điện mặt trời.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ những tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng
Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ những tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng

Trả lời phỏng vấn của Vovgiaothong về việc xử lý những tấm pin mặt trời sau khi hết hạn sử dụng, ông Võ Viết Cường - PGS. TS tại Trường Đại học Sư phạm TP. HCM cho biết: "Mặc dù tấm Panel tới 20 năm nữa mới hư. Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta nên có những quy định ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất, nhà cung ứng tấm Panel để họ có trách nhiệm thu hồi, hoặc khuyến khích những nhà đầu tư tái chế".

Trên thế giới, theo luật EU, các nhà sản xuất được yêu cầu phải đảm bảo những tấm pin mặt trời của họ tái chế đúng cách. Còn tại Nhật, Ấn Độ và Úc, các yêu cầu về tái chế pin mặt trời vẫn đang được bàn thảo, xây dựng cơ chế.

Tại Mỹ, hiện mới chỉ bang Washington có luật buộc các nhà sản xuất pin mặt trời phải cung cấp cho công chúng một cách thuận tiện, an toàn về môi trường để tái chế tất cả các tấm pin quang điện họ mua từ sau ngày 1/7/2017.

Ông Sam Vanderhoof, CEO Công ty Recycle PV Solar, một trong những công ty duy nhất ở Mỹ chuyên tái chế tấm pin mặt trời, cho biết, hiện tại có khoảng 10% tấm pin mặt trời được tái chế, phần còn lại sẽ mang ra bãi rác hoặc được xuất khẩu đi nước ngoài để tái sử dụng ở những nước đang phát triển có các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thấp hơn.

Theo Vietnamnet