Luật Tiếp cận Thông tin cho tác nghiệp báo chí: Lời khuyên cho các nhà báo

VietTimes – Ngày 30/10/2018, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Sử dụng Luật tiếp cận thông tin cho tác nghiệp báo chí: Lời khuyên cho các nhà báo". Diễn giả được mời là TS Nguyễn Thị Kim Thoa - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính Bộ Tư pháp, thành viên Ban soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin 2016.
TS Nguyễn Thị Kim Thoa - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp
TS Nguyễn Thị Kim Thoa - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp

Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, Luật Tiếp cận Thông tin 2016 chính là sự cụ thể hóa Cụ thể hóa Điều 25 Hiến pháp năm 2013. Sự ra đời của luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật Tiếp cận Thông tin được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 với 5 chương, 37 điều. Kèm theo là Nghị định số 13/2018/NĐ-CP để hướng dẫn thi hành.

Luật Tiếp cận Thông tin liên quan đến các bộ luật gồm Bộ Luật Dân sự (vì mọi công dân đều có quyền tiếp cận thông tin), Luật Báo chí (đối tượng chính yếu cần khai thác thông tin), Luật Ban hành Văn bản Nhà nước, Luật An toàn Thông tin mạng, Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước (đang xây dựng).

Ai cũng thấy, tiếp cận thông tin là nhu cầu của mọi công dân và Hiến pháp 2013 đã quy định rõ. Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm TÔN TRỌNG, GHI NHẬN, BẢO VỆ và BẢO ĐẢM quyền con người, quyền công dân (Điều 3). Việc hạn chế quyền PHẢI BẰNG LUẬT, trong trương hợp CẦN THIẾT vì LÝ DO QUỐC PHÒNG, AN NINH QUỐC GIA, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI, ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI và SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG (Điều 14, Khoản 2).

Cũng cần phải định nghĩa về khái niệm “thông tin” và về cơ bản thì thông tin là do nhà nước tạo ra. Có 3 loại thông tin là thông tin không được tiếp cận, thông tin được tiếp cận và thông tin được tiếp cận có điều kiện. Việc khai thác thông tin tùy theo yêu cầu có thể là miễn phí hoặc phải trả phí (để làm dịch vụ photocopy và chuyển phát tới tay đối tượng có nhu cầu). Theo Luật Ban hành Văn bản Nhà nước, mọi chủ trương, chính sách, pháp luật đều phải được công khai trong quá trình xây dựng dự thảo và cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải công bố trên website của mình. Người dân và báo chí hoàn toàn có thể khai thác qua kênh này để tham khảo và đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Kim Thoa lưu ý, những thông tin được cung cấp theo kênh này chưa chắc đã là văn bản mới nhất, cập nhật nhất và các nhà báo vẫn nên liên lạc trực tiếp với chủ thể của thông tin.

Cũng theo Luật Tiếp cận Thông tin, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải họp báo để cung cấp thông tin theo định kỳ cho các cơ quan báo chí. Việc này đã được các bộ ngành, địa phương ở Việt Nam chủ động thực hiện từ trước khi có Luật Tiếp cận Thông tin và qua đó, báo chí cũng nắm bắt được quan điểm của các chủ thể tổ chức họp báo về tình hình thời sự mới nhất có liên quan.

Riêng về bí mật nhà nước, Luật này đang được xây dựng và hiện tại mới chỉ có Pháp lệnh 30/2000/PL-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo dự thảo Luật này, Nhà nước có trách nhiệm ban hành danh mục về bí mật nhà nước và những gì không nằm trong danh mục thì các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp, công bố với các đối tượng có nhu cầu.

Có thể nói, việc mua sắm vũ khí, khí tài quân sự chính là bí mật nhà nước. Riêng về bí mật kinh doanh, đó là chuyện nội bộ của các doanh nghiệp và chính họ phải chủ động trong việc gìn giữ bí mật, không để lọt ra ngoài. Cũng cần lưu ý là về cơ bản, các bí mật nhà nước chỉ có thời hạn nhất định và sẽ tới một thời điểm nhất định thì các thông tin phải được giải mật để công dân được quyền tiếp cận.

Riêng về thông tin cá nhân, điều này cũng đã được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật An toàn Thông tin mạng. Theo đó, việc mua bán thông tin cá nhân trên các cơ sở dữ liệu quốc gia là hoàn toàn không được phép. Dẫu vậy, trên thực tế thì các chủ thể có nhu cầu vẫn đang sử dụng nhiều kênh khác nhau để thu thập thông tin cá nhân cho mục đích kinh doanh, tiếp thị của mình.