Luật BHYT sửa đổi sẽ giải quyết tối đa vướng mắc, bất cập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự luật sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế tập trung vào 4 chính sách cơ bản, trong đó sửa đổi, giải quyết tối đa những vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách.

VT_ Chủ trì.jpg
Bộ Y tế lấy ý kiến về Luật BHYT sửa đổi

Chiều nay, 16/4, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế và ông Lê Văn Phúc, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết công tác BHYT đã có nhiều kết quả quan trọng: Tỷ lệ bao phủ BHYT gia tăng nhanh, từ 58% dân số vào năm 2009, tới năm 2023, đã đạt 93,35%, tức là đã có hơn 93 triệu người tham gia. Đến hết 2023, có 174,8 triệu lượt người khám, chữa bệnh (KCB) BHYT với số tiền chi trả khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, tiếp cận dịch vụ KCB BHYT ngày càng thuận lợi.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ: Luật BHYT hiện hành đã có những quy định không còn phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, những thay đổi trong Luật KCB 2023 đòi hỏi phải đánh giá và sửa đổi, bổ sung Luật BHYT để bảo đảm quyền bình đẳng trong KCB BHYT của người dân.

Vì thế, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan, thống nhất hoàn thiện hồ sơ theo hướng tập trung sửa đổi tối đa một số vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, một số vấn đề đã có đầy đủ thông tin, dữ liệu và đạt được sự đồng thuận cao. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới việc thay đổi về tiền lương và chuyên môn kỹ thuật của Luật KCB có hiệu lực từ 01/01/2025.

Trước mắt, Bộ Y tế tập trung vào 4 chính sách cơ bản nhận được sự đồng thuận cao, trong đó, quan trọng là điều chỉnh các quy định về BHYT liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu và KCB BHYT.

VT_ Thuấnb4.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu

Theo Thứ trưởng Thuấn, một số chính sách về tăng phạm vi quyền lợi cho chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh có chi phí hiệu quả cao, bảo hiểm bổ sung, tăng cường công tác giám định và hợp đồng BHYT, nâng mức đóng… cần tiếp tục truyền thông tạo sự đồng thuận cao và sửa toàn diện Luật.

Bốn chính sách cơ bản trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT được bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết là:

Chính sách điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.

Chính sách điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu CSSK trong từng giai đoạn.

Chính sách điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật KCB và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong CSSK ban đầu và KCB BHYT.

Chính sách phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

VT_trang.jpg
Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế).

Theo bà Trang, mục tiêu của việc sửa đổi chính sách BHYT lần này còn nhằm bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp và bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong CSSK, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ KCB BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến CSSK ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT; đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan tới BHYT.

"Khắc phục đ­ược các tồn tại, bất hợp lý mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT; cụ thể hóa, kế thừa chọn lọc những quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện KT-XH, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT", bà Trang nhấn mạnh quan điểm sửa đổi Luật BHYT.

Tại hội nghị, các chuyên gia lâm sàng và chuyên gia kinh tế đã đánh giá tác động của một số giải pháp chính sách trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm y tế.