Lừa đảo trực tuyến - Bài 1: Vấn nạn chưa có lời giải

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đánh cắp dữ liệu, lừa đảo trực tuyến đang trở thành một vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đối phó với loại tội phạm này cần nhiều biện pháp đồng bộ.

Lừa đảo trực tuyến - Bài 1: Vấn nạn chưa có lời giải

Tỷ lệ lừa đảo trực tuyến ở Việt Nam gần bằng tỷ lệ của tất cả các quốc gia Đông Nam Á cộng lại

Theo thống kê mới nhất của Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), 6 tháng đầu năm 2023 số lượng các vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Cục An toàn Thông tin đã thống kê được 24 hình thức lừa đảo khác nhau đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Ngoài ra, tháng 10 vừa qua, Cục cũng đã liệt kê 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất trong thời gian qua gồm:

Thứ nhất, lừa đảo giả mạo website. Kẻ xấu lợi dụng sự kiện ra mắt của Apple để lập các website giả mạo, quảng cáo bán iPhone 15 với khuyến mãi hấp dẫn, đề nghị người mua đặt cọc tiền, hay giả mạo website nền tảng Ticketbox lừa đảo bán vé concert Westlife…

Nghiên cứu của Pew Research Center chỉ ra người Việt trung bình dành 7 tiếng mỗi ngày để sử dụng Internet, trong đó có 2,5 tiếng lướt mạng xã hội. Thậm chí có nhiều người chỉ sử dụng mạng xã hội để giao tiếp, liên lạc với bạn bè. Đây chính là tiền đề để những kẻ lừa đảo "tấn công" người dùng trên mạng xã hội và các nền tảng số.

Thứ hai, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén thông qua việc thu thập và đánh cắp thông tin cá nhân của học sinh bằng những đường link "khảo sát"; phát tán mã giới thiệu ứng dụng siêu thị trực tuyến có chứa mã độc...

Thứ ba, lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR. Mã QR này dẫn tới các trang web giả mạo ngân hàng, qua đó yêu cầu người dùng nhập thông tin cá nhân, mã OTP. Hoặc mã QR dẫn tới các trang quảng cáo cờ bạc để cài mã độc vào thiết bị của người dùng. Mã QR lừa đảo thường được kẻ xấu dán ở nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email.

Đối với hình thức lừa đảo giả mạo website, Cục An toàn Thông tin cho biết thêm, riêng trong tháng 9 hệ thống của Cục đã chặn được 441 website lừa đảo trực tuyến. Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục tiếp tục giám sát, cảnh báo và phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ngăn chặn các tên miền và website giả mạo.

Dù lừa đảo dưới hình thức nào thì kẻ xấu cũng chỉ có 2 mục đích chính: đánh cắp thông tin cá nhân và lừa đảo tài chính. Việc đánh cắp thông tin cá nhân thực chất là bước đệm để kẻ xấu thực hiện lừa đảo tài chính.

Đánh giá về vấn nạn lừa đảo trực tuyến, ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Tổng Giám đốc Kaspersky Labs Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar - cho biết, nếu như ngày xưa những kẻ lừa đảo chỉ "quăng lưới" một cách đơn giản, thì ngày nay chúng đầu tư hơn cho những lần lừa đảo.

"Kẻ xấu có thể lừa được cả những người có am hiểu, có phòng bị. Đây là xu hướng nguy hiểm diễn ra trong những năm gần đây và trong tương lai sẽ còn nguy hiểm hơn nữa. Lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á thì chiếm tỉ lệ cao nhất, gần bằng các quốc gia kia cộng lại", ông Khanh nhấn mạnh.

Một số trường hợp bị lừa đảo với số tiền lớn

Ngày 25/7/2023 vừa qua, chị L.T.N ở phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là công an tỉnh. Đối tượng này cáo buộc chị là đồng phạm của một nhóm rửa tiền, buôn lậu ma túy.

Đối tượng này sau đó yêu cầu chị N khai báo thông tin cá nhân, lịch trình di chuyển trong các tuần trước và số tiền hiện có trong tài khoản ngân hàng. Sau khi tiến hành các thủ thuật đe dọa khiến nạn nhân lo sợ, đối tượng yêu cầu chị N cài đặt trên điện thoại một phần mềm có logo của Bộ Công an - thực chất đây là phần mềm đánh cắp thông tin.

Kẻ xấu sau đó yêu cầu chị N đổi mật khẩu ngân hàng. Sau khi nắm được mật khẩu và mã OTP, chúng đã âm thầm truy cập vào tài khoản của chị và chuyển toàn bộ số tiền sang tài khoản của chúng. Số tiền bị kẻ xấu chiếm đoạt là hơn 400 triệu đồng.

c.jpg
Làm giả website cũng là cách mà đối tượng xấu sử dụng để thu thập thông tin người dùng nhằm đánh cắp tài chính

Ngày 8/3/2023, bà L.T.N.P (sinh năm 1975, ngụ tại phường Bình Trưng Đông, Thủ Đức, TP.HCM) nhận được cuộc gọi từ 2 số điện thoại lạ. Người gọi xưng là công an thành phố Hà Nội và nói bà P liên quan đến một đường dây mua bán trẻ em và rửa tiền. Đối tượng yêu cầu bà P chuyển hết tiền vào tài khoản cá nhân để phục vụ công tác điều tra.

Bà P sau đó đã đến ngân hàng BIDV chuyển 1,3 tỉ đồng vào tài khoản (1.306.687.000 đồng). Bà P cũng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho đối tượng.

Ngày 15/3/2023, bà P ra ngân hàng BIDV kiểm tra thì được biết số tiền hơn 1,3 tỉ đồng đã bị chuyển đi. Lúc đó, bà P nhận ra mình đã bị lừa.

Một trường hợp khác là anh Đ.V.C ở phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long. Mới đây, Anh C đã đến công an tỉnh Quảng Ninh tố giác mình bị các đối tượng không rõ lai lịch chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng khi tham gia đầu tư chứng khoán tại ứng dụng Diamond Asia.

Anh C kể lại, vào ngày 15/5/2023, một phụ nữ gọi điện mời anh C tham gia đầu tư chứng khoán. Người này sử dụng nick Zalo là Nhật Hạ Nguyễn để kết bạn với anh. Đối tượng yêu cầu anh C tải ứng dụng Diamond Asia để thực hiện giao dịch chứng khoán.

Sau khi anh C tải ứng dụng, đối tượng tiếp tục hướng dẫn anh mở tài khoản trên ứng dụng với tên và số điện thoại cá nhân của anh. Theo hướng dẫn của Nhật Hạ Nguyễn, từ ngày 26/5 đến ngày 5/6/2023, anh C đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản này để đầu tư chứng khoán, với số tiền là 370 triệu đồng. Ban đầu, anh liên tục đầu tư thắng và có lãi. Tổng số tiền trong tài khoản lên tới 600 triệu đồng.

Khi thấy có lãi, anh C tiến hành rút tiền trong tài khoản nhưng không được. Lúc này đối tượng Nhật Hạ Nguyễn nói rằng anh phải nạp thêm tiền vào tài khoản thì mới rút được tiền lãi. Anh C sau đó đã chuyển 800 triệu vào tài khoản để rút tiền nhưng không thực hiện được. Đối tượng lúc này vẫn tiếp tục yêu cầu anh C chuyển khoản để rút tiền ra. Nhận thấy bản thân đã bị lừa đảo, anh C đã đến trình báo cơ quan công an.

Qua thống kê của Cục An toàn thông tin, các trường hợp bị lừa đảo trực tuyến diễn ra ở khắp mọi nơi trên cả nước. Nạn nhân không chỉ ở các thành phố lớn mà cả các huyện, xã, tỉnh thành nhỏ. Kẻ xấu lợi dụng việc thiếu thông tin của người dân để lừa đảo. Điển hình như tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay công an tỉnh đã nhận được 18 trường hợp phản ánh, số tiền thiệt hại hơn 18 tỉ đồng. Hoặc như tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2022 đã xảy ra 47 vụ lừa đảo, số tiền thiệt hại lên tới 30 tỉ đồng.

Vậy, làm thế nào để ngăn chặn và hạn chế tình trạng lừa đảo trực tuyến đang trên đà gia tăng khi mà công nghệ cũng như thanh toán điện tử đang trở nên quen thuộc với người dân? VietTimes đã đi tìm câu trả lời qua góc nhìn của luật sư, chuyên gia bảo mật và nhà quản lý...

(Còn tiếp)

cac hinh thuc lua dao.png