Ở “Thủ phủ” lợn miền Bắc
10h ngày 2/5/2017 chúng tôi có mặt tại “Chợ Đầu mối gia súc - Gia cầm Hà Nam”, nơi mà người dân quen gọi là “Thủ phủ” lợn miền Bắc. Đây là nơi “tập kết” lợn từ các tỉnh lân cận Hà Nam và của khu vực quanh vùng chợ này. Cũng từ nơi đây đàn lợn được đưa tới các lò mổ của các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các thành phố lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội.
Trên đường ra chợ, ông Linh, “Hướng dẫn viên” của đoàn nhà báo chúng tôi, nói, Chợ lợn này lớn nhất miền Bắc. Lợi thế của dân nuôi lợn vùng này là gần chợ nên giá lợn luôn đắt nhất miền Bắc khi giá lợn lên, nhưng lại cũng thiệt thòi nhất khi giá lợn giảm.
Khác với hình dung của chúng tôi, chợ lợn không đến nỗi quá tiêu điều trong cơn “bão” lợn. Các xe chở lợn – loại xe lôi, vẫn tấp nập ra vào chợ. Trên xe nào, cũng chật cứng lợn.
Ở một góc chợ, mấy chiếc xe tải chất đầy lợn đang được “tắm gội” trước khi được đưa đi. Một chủ xe cho biết, số lợn trên 2 xe chừng 100 con sẽ được đưa về Cửa Lò (Nghệ An) tiêu thụ. “Giá rẻ, nhưng được cái may mắn là chúng tôi lâu nay vẫn cung cấp thịt cho các khách sạn, nhà hàng ở Cửa Lò, nên vẫn cứ đều đều hàng ngày xuất đi trăm con. Chủ yếu là lấy công làm lãi.
Tuy nhiên không phải “tay lái lợn” nào ở cái chợ đầu mối này đều có được cái may mắn “lấy công làm lãi” như ông chủ xe kia.
Ông Đỗ Văn Hưng (An Nội – Bình Lục) là “tay lái lợn” 2 vai. Vừa là người buôn lợn, đồng thời cũng là người nuôi lợn.
“Tôi nuôi 100 con lợn thịt. Với giá này thì tôi đang lỗ khoảng 2,5 triệu mỗi con. Lợn tôi cũng chưa dám xuất, tính riêng chi phí cám thì mỗi tháng mất khoảng 100 – 150 triệu đồng. Hy vọng là nhà nước có chính sách gì chứ không thì cũng chết”- ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, về nghề buôn lợn, nếu may mắn ra, gặp được đàn rẻ và có được mối tốt, ông có thể “ăn” được 2 giá (2.000 đồng/kg). “Tôi vừa mua 1 đàn giá 15, nhưng xuất ra đây được 17”, người đàn ông nói đầy hứng khởi.
Giá lợn rớt thê thảm: vì sao?
“Hướng dẫn viên” của chúng tôi thì cả quyết rằng, 60-70% số đầu lợn ở cái chợ đầu mối này được “đưa đi” Trung Quốc. Để chứng minh nhận định của mình, ông Linh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của một “tay lái lợn” chuyên “đánh hàng” đi Trung Quốc. “Mỗi ngày hắn đưa lên biên giới 2 xe tải. Lên đến đó giao cho một “Cai chuyển lợn” coi như xong việc. “Tay cai” này (cùng với các “đệ tử”) “dắt” cả bày lợn trèo đèo, lội suối, sang đến bên kia biên giới thì giao lại cho một “tay cai” người bản xứ, coi như xong chuyện. “Tay cai” lại “dắt” đàn lợn đến nơi tập kết giao cho Chủ thầu"- ông Linh kể.
Có phải một trong những nguyên nhân chính của việc rớt giá là do thị trường tiểu ngạch Trung Quốc đóng cửa không? Đó là câu hỏi mà chúng tôi đã đặt ra với ông Nguyễn Thế Trinh, một trong những cán bộ chủ chốt của Ban Quản lý chợ. Ông Trinh thừa nhận là trước đây, mỗi ngày chợ xuất đi các nơi khoảng 2.000 đầu lợn. Nhưng thời gian này, chỉ quanh quẩn trên dưới 1.000 con, nhưng ông không dám chắc có bao nhiêu con trong số lợn này được đưa đi Trung Quốc.
Trả lời VietTimes về vấn đề này, cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Huy Ngọ nói, bà con nông dân ta lâu nay nói chung vẫn xem Trung Quốc là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên đây cũng là thị trường có rất nhiều rủi ro. Thương lái Trung Quốc mua lợn từ Việt Nam hiện nay (cũng như mua các nông sản khác trước kia như dưa hấu, hành tím, tỏi…) theo hình thức mua bán tiểu ngạch. Vì vậy, nếu họ có chính sách khác như cấm biên, hay chủ động ngưng giao dịch để ép giá là bà con ta lao đao ngay.
Vậy, có phải do nhập khẩu thịt góp phần làm giá thịt lợn trong nước giảm không? Câu trả lời của đại diện Bộ Công thương với VietTimes là không! Đại diện Bộ Công Thương cho biết, các ý kiến khẳng định thịt lợn nhập khẩu là nguyên nhân khiến giá lợn hơi trong nước giảm sâu và duy trì ở mức thấp là không có cơ sở do thịt nhập chỉ chiếm 1,13% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Còn người đứng đầu ngành nông nghiệp- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (tại hội nghị ngành NN&PTNT để tìm lối ra khẩn cấp cho tình trạng rớt giá lợn) thì chỉ ra hai nhóm nguyên nhân chính.
Một là, thị trường đang rơi vào tình trạng cung lớn hơn cầu và đây được xem là nguyên nhân chính. Số lượng thống kê cho thấy trong 20 năm qua, riêng về sản lượng thịt tăng khoảng 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn.
Hai là, tổ chức ngành hàng thịt heo chưa tốt. Trong tổ chức sản xuất, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô hộ nhỏ lẻ với 3 triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ khiến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi, dẫn đến khi có sự cố thị trường thì rất thiệt thòi cho nông dân sản xuất nhỏ. Khâu chế biến là khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi bởi mới chỉ có một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn có năng lực này, còn lại phần lớn thịt heo vẫn tiêu thụ theo cách truyền thống.
Đâu là lối ra?
Để giải bài toán giá thịt lợn giảm sâu, Bộ Công Thương (tại hội nghị giao ban thường kỳ ngày 27/04 vừa qua) đề xuất Chính phủ cần giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch, điều chỉnh lại vùng nuôi và sản lượng nuôi. Thậm chí cần hạn chế mở mới các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp và tăng cường giám sát quy hoạch tại các địa phương.
Còn Bộ trưởng Cường thì đề nghị từ nay đến 2019 phải giảm đàn nái từ 4,2 triệu con xuống còn 3 triệu con, nhưng sức sinh sản vẫn phải đảm bảo như 4,2 triệu con. Phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra, củng cố kỹ thuật. Phát triển đối tượng khác thay thế, không nhất thiết cứ nuôi lợn, có thể thay bằng: thịt trâu, bò, thịt dê… Trước mắt cần giảm ngay các yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y…
Trong khi đó không ít các chuyên gia còn kiến nghị việc xem xét xây dựng nhà máy giết mổ lợn trong năm nay để nâng cao năng lực chế biến thực phẩm; đề xuất Bộ NN-PTNT xây dựng hệ thống thông tin thị trường để cảnh báo cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp….
Vâng, đề xuất, đề nghị thì như vậy, nhưng xem ra việc giải bài toán này vẫn còn hết sức nan giải!