Đi lên từ… lợn
Thoạt nhìn, thôn Hàn Mạc (Xã Hưng Công – Bình Lục – Hà Nam) có nét hao hao của một phố huyện: Đường bê tông kiên cố, đủ chỗ cho hai ô tô lưu thông đồng thời; những ngôi nhà hai tầng, ba tầng ôm sát mặt đường; những tường bao, dậu sắt cao ngang mặt người; những vòm cổng hiên tây, cánh inox sáng bóng; không có lũy tre và cũng hầu như không thấy ao hồ…
Tuy nhiên, Hàn Mạc có cái “phong vị” mà chắc chắn chẳng phố huyện nào có. Một cái mùi nồng nồng, khăm khẳm. Mà thật ra, chưa cần vào làng, cái mùi đặc trưng đã bắt đầu phảng phất ngay từ khi rẽ vào tỉnh lộ 975. Đi quá lên, ra sát bờ sông Châu Giang, mùi oi nồng càng trở nên gắt hơn trong cái nắng đầu hè. Thật chẳng dễ chịu và dễ quen với khách phương xa!
“Mùi lợn đấy, bác ạ. Phân lợn. Cũng làm mọi cách rồi, hết đệm lót sinh học đến bio-gas, rồi thì chuồng nuôi khép kín. Nhưng cũng chả lại nổi. Thôi thì riết cũng thành quen”, ông Linh vừa dắt đứa cháu ngoại lên 4 tuổi, vừa chỉ vào một ngôi nhà mới xây, còn tươi màu nước xi măng. Chủ nhà, một đôi vợ chồng ngoài 30 tuổi, cũng là một người nuôi lợn như ông.
“Tiếng eng éc thế kia, chắc đang cho lợn ăn sau nhà. 11 rưỡi rồi, giờ này là phải đi đổ cám”, ông Linh nói như muốn giải thích cho mấy câu gọi cửa mà vẫn chưa thấy hồi âm.
Thật ra, ông Linh không phải người Hàn Mạc. Nhà ông cách Hàn Mạc tới cả 20 phút đi xe, bên xã Vũ Bản. Người đàn ông này, đã bỏ dở cả buổi việc, để dẫn chúng tôi đi tìm hiểu về câu chuyện chăn nuôi. “Nhà tôi, so với làng thì nuôi nhiều. Nhưng quy mô dưới trăm con thế này thì cũng là quảng canh thôi. Các bác muốn tìm hiểu, thì đợi tôi rửa chân tay, tôi dẫn các bác lên Hưng Công, Ngọc Lũ. Đấy mới là thủ phủ lợn. Nuôi nhiều lắm, nhà nào cũng nuôi. Ít thì vài trăm con, không thì cả nghìn”.
Theo như lời kể của người đàn ông này, thì phong trào nuôi lợn bắt đầu nở rộ từ khoảng chục năm trở lại đây. Chính cái nghề chăn nuôi này đã giúp vùng đồng quê chiêm trũng và gần như chẳng có nghề phụ nào khác như quê ông thay da đổi thịt. “Nói thật là non vốn, với cả cũng nhát, nên ban đầu tôi chỉ dám nuôi vài chục con. Nhưng hồi ấy, nuôi được lắm, đàn nào được giá thì lúc bán, trừ giống vốn, được khoảng một triệu mỗi con. Còn không thì mỗi con cũng được vài trăm – coi như lấy công làm lãi. Năm hai lứa gối đầu, nhiều bù ít, mỗi đàn được khoảng vài chục triệu. Chia trung bình ra thì tháng cũng được 7, 8 triệu”.
“Ấy công thế là cũng cao. Ở quê này, làm gì ra đâu. Đi thợ xây từ tinh mơ tới tối, cũng chỉ được 150 nghìn – 180 nghìn một ngày, mà chắc gì việc đã đều. Nuôi lợn thì tốn đầu tư chuồng trại, giống vốn nhưng kể ra cũng nhàn. Chỉ là xịt nước, dọn rửa chuồng trại, cho ăn 3 bữa – nhưng cũng chỉ là đổ cám ăn sẵn chứ không phải đun nấu, rau bèo gì. Định kỳ thì mua vắc-xin về tự tiêm cho lợn. Tính ra mỗi ngày cũng chỉ mất khoảng 3, 4 tiếng; còn ở nhà, muốn làm gì thì làm. Hồi ấy nuôi được lắm. Nói thật, là không có lợn thì tôi cũng chả đào đâu ra tiền, nuôi 3 đứa con học đại học ngoài Hà Nội”, ông Linh thủng thẳng kể trên đường lên Hàn Mạc.
Cũng chính vì các sự “được” trên, theo người đàn ông này, nhà nọ học nhà kia, nhà nào cũng xây chuồng, nhà nào cũng bỏ lợn. Dân trông nhau, bỏ cả xây, bỏ đi công ty để ở nhà nuôi lợn. “Bên Văn An, ngay cạnh làng tôi, có nhà cả vợ, cả chồng đều làm giáo viên, thế mà vừa rồi vẫn ham, đầu tư cả một hệ thống chuồng khép kín, làm 50 lợn nái, để chuyên cấp giống cho bà con”.
Kiếp lợn sống mòn
“Ấy nhưng mà giờ thì khác rồi, bác ạ. Thời giá này thì khối nhà sạt nghiệp. Càng nuôi to, càng nuôi nhiều càng chết. Ấy, tôi dẫn bác đi rồi bác thấy. Thua lỗ, nợ nần, rồi vợ chồng đánh chửi nhau”, ông Linh, “hướng dẫn viên” cho chuyến thị sát của chúng tôi, giọng chùng xuống.
Hộ chăn nuôi đầu tiên mà chúng tôi ghé qua khi tới Hàn Mạc là gia đình chị Lã Thị Ngoan. “Nhà cháu mới nuôi vài năm nay. Cháu vẫn đi làm công ty (công nhân may - NV), còn nhà cháu ở nhà chăn nuôi”, người phụ nữ bộc bạch, tay bấm điện thoại gọi anh chồng đang đánh bi-a ở cách đó mấy nhà.
Người phụ nữ ngoài 30 tuổi này cho biết, gia đình chị kết hợp nuôi cả lợn thịt và cả lợn nái (lợn đẻ). Khu chăn nuôi, ngay sát phía sau nhà chị Ngoan, theo quan sát, thấy có khá nhiều chuồng bị bỏ không.
Chị Ngoan chỉ vào khu chuồng giữa, thờ dài: “50 con lợn siêu nạc này đáng ra phải xuất cách đây cả tháng rồi. Mỗi con khoảng tạ hai, tạ ba. Nhưng giá thấp quá. Vừa qua “lái lợn” vào trả giá 18 (18.000 đồng/kg), bán no. Nhưng giá vậy mà bán thì chết. Mỗi con lỗ khoảng khoảng 2,5 triệu, 50 con vị chi là lỗ 125 triệu”.
Mà đâu chỉ có đàn 50 con siêu nạc này, chị Ngoan nhìn sang phía góc chuồng, nơi lố nhố lợn mẹ, lợn con và những đàn lợn nhỡ. Vài tháng nữa, chúng cũng đến tuổi xuất chuồng.
Hiểu sự băn khoăn của chúng tôi, ông Linh giải thích rõ hơn về số lỗ 2,5 triệu đồng/đầu lợn mà chị Ngoan đưa ra: “Lợn này, lúc mua giống là 1,5 triệu/con. Mỗi con phải ăn hết khoảng 10 bao cám, mỗi bao 250 nghìn đồng thì mới đủ tuổi và đủ cân xuất xuồng. Rồi thì còn vắc-xin, nước nôi, quạt điện. Giá thành rơi vào khoảng 36 – 37 nghìn đồng/kg thịt hơi. Giờ thợ trả 18, vậy mỗi kg hơi là lỗ 19 nghìn đồng. Con lợn 130 kg, nhân lên là lỗ 2,5 triệu mỗi con. Lỗ trắng, còn chưa tính công xá, vất vả của người nuôi”.
Theo những người nông dân này, họ chỉ có hai lựa chọn. Mà lựa chọn nào cũng bế tắc. Một là bán. Hai là giữ.“Bán thì lỗ 2,5 triệu mỗi con. Nhưng giữ để chờ giá thì cũng chết. Bởi lợn không thể không ăn, nó không uống nước lã mà sống được. Hằng ngày vẫn phải cho lợn ăn. Ăn nhưng nó hầu như không tăng cân nữa, hoặc tăng rất chậm, vì đến ngưỡng rồi. To quá thì người ta cũng không cân. Càng cho ăn, càng tốn cám, càng thâm tiền.”
Chính vì tình thế lưỡng nan trên mà theo người dân, họ đã “sáng tạo” ra một biện pháp tình thế. Đó là cắt khẩu phần ăn của lợn. “Trước cho ăn 1 thì giờ chỉ cho ăn 0,5. Rồi cho ăn lại cám rẻ tiền hơn. Cốt để duy trì sự sống cho lợn, chờ giá lên thôi”, chị Ngoan nói.
Thấy người đi vào gần, đàn lợn tưởng lại được cho ăn, đang nằm bỗng đồng loạt nhỏm dạy, dồn lại phía ô cửa, thi nhau rít. Chúng đói!
Bài 2: Khuynh gia bại sản vì… lợn
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C cho biết, từ ngày 27/04/2017, các siêu thị của Big C ở phía Nam giảm giá thịt heo đến 35%.
Sau khi giảm giá, thịt heo đùi còn 59.000 đồng/kg, thịt ba rọi 71 ngàn đồng/kg, cốt lết 63.000 đồng/kg, chân giò 48.000 đồng/kg, thịt vai 57v đồng/kg, thịt heo xay 61.000 đồng/kg…
Trước đó, tại Hà Nội, từ ngày 27/04/2017, Hệ thống siêu thị Big C áp dụng chương trình giảm giá mạnh từ 20 – 30% thịt lợn để kích cầu tiêu thụ. Chương trình kéo dài 1 tuần dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng trên 50 tấn thịt lợn trong tuần đầu tiên, và có thể tiếp tục kéo dài thêm sang những tuần kế tiếp nếu như giá thịt lợn hơi trên thị trường chưa được cải thiện.